GS.TSKH. Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu điều hành phiên họp. Ảnh: Vũ Văn Chiến
Với cấu trúc logic, khoa học tuân thủ theo đề cương được phê duyệt, cuốn sách đã tái hiện một cách sinh động, toàn diện bức tranh đô thị Thăng Long - Kẻ Chợ trong gần ba thế kỷ, từ chính trị, diện mạo kinh thành đến kinh tế, xã hội, văn hoá. Theo nhận xét của PGS.TS. Vũ Văn Quân, sự uyên bác về kiến thức lịch sử và văn hoá của Việt Nam và thế giới, của Thăng Long - Kẻ Chợ, Đàng Ngoài và cả nước, cùng với khả năng ngoại ngữ rất tốt (cả tiếng Anh và tiếng Pháp) tác giả đã tiếp cận nhiều nguồn tư liệu và với một bút pháp viết sử hài hoà giữa tính hàn lâm về tri thức với văn phong mềm mại, hấp dẫn đã làm nên một tác phẩm sử học cuốn hút, rất đáng đọc.
Với bản thảo này, phần Phụ lục với các tư liệu trong nước và quốc tế viết bằng chữ Hán Nôm và chữ phương Tây đem đến cho người đọc nhiều thông tin, những hiểu biết thú vị về mọi mặt của đời sống đô thị Thăng Long - Kẻ Chợ dưới thời Mạc và Lê Trung hưng. Bức tranh sinh hoạt đô thị đóng vai trò kinh đô được ghi chép với nhiều chi tiết rất cụ thể, sinh động với đủ các tầng lớp xã hội từ vua chúa tới dân thường là một phần rất hấp dẫn của công trình này.
Theo chia sẻ của chủ biên về công trình của mình, PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ cho biết, bằng những tài liệu thực chứng đương đại, công trình cố gắng phục dựng lại một cách trung thực phần nào bức tranh toàn cảnh đa chiều của cuộc sống mọi mặt ở kinh đô Thăng Long - Kẻ Chợ trong thời đoạn lịch sử với đầy biến động, thách thức và nghịch lý, với những gam màu sáng tối xen kẽ, những ký ức tập thể tươi đẹp cũng như những kỷ niệm đau buồn. “Điều đó cần đến một trái tim nóng và một cái đầu lạnh, một tấm lòng đỏ và một con mắt xanh của người viết sử”. Tuy nhiên, theo ông, đạt tới tính đích thực lịch sử là một điều rất khó, hầu như không bao giờ có thể thực hiện được. Lý giải về cách tiếp cận trong nghiên cứu của mình, chủ biên cho rằng có lẽ chỉ nên tạm bằng lòng với một cách tiếp cận gần đúng tối ưu ở mức có thể với việc vận dụng một tư duy phức hợp và một quan điểm hệ thống, khai thác tối đa những tư liệu nhân lõi chính thống và ngoại vi phi chính thống, nguồn tư liệu gốc trong nước cũng như ngoài nước. Trong khi cố gắng khảo chứng, đối chiếu những sự kiện lịch sử tỏ ra mâu thuẫn trái ngược để làm sáng tỏ phần nào những điều còn tồn nghi, thì đối với những quan điểm, nhận định khác nhau, nhóm biên soạn cho rằng nên thông hiểu và tôn trọng những dị biệt, tránh thái độ cực đoan, nên gia tăng những bình luận thấu đáo mang tính mở và hạn chế những đánh giá ca tụng hoặc phê phán một chiều như một kết luận đóng.

Trên cơ sở những dữ kiện thông tin đó, tác giả cũng muốn lý giải, phân tích và bước đầu tổng hợp, phác hoạ một mô hình nhiều nghịch lý của xã hội Thăng Long nói riêng và Việt Nam truyền thống nói chung trong những thế kỷ XVI – XVIII, cấu trúc vận hành và véc tơ chuyển biến của nó, đặt trong một khung tham chiếu như một hệ thống tương tác tổng thể của khu vực và toàn cầu, so sánh đối chiếu với những mô hình khác cùng thời.
Bố cục cuốn sách ngoài phần Dẫn luận và Thay lời kết gồm 4 chương:
Chương I. Đời sống chính trị Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc - Lê Trung hưng.
Chương II. Diện mạo kinh thành Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc – Lê Trung hưng.
Chương III. Kinh tế - xã hội Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc – Lê Trung hưng.
Chương IV. Đời sống văn hoá Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc – Lê Trung hưng.
Hội đồng đánh giá bố cục bản thảo hợp lý, hệ thống chặt chẽ và logic. Các vấn đề trong từng chương cũng như sự liên kết, gắn bó hữu cơ giữa các chương thể hiện được tính toàn diện, đa chiều và phong phú của nội dung. Ngoài ra với 281 trang phụ lục gồm bản dịch của các tư liệu Hán Nôm như văn bia, minh văn, các tác phẩm văn học, sử học…, một số tư liệu của các học giả, giáo sĩ, thương nhân phương Tây qua các cuốn hồi ký, du ký cùng hệ thống tranh ảnh, bản đồ phản ánh đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc – Lê Trung hưng là những minh chứng sinh động, cụ thể cho nội dung cuốn sách. Đây là những tư liệu quý cho những ai muốn tìm hiểu về Thăng Long - Kẻ Chợ thời kỳ này. Hội đồng nghiệm thu đã thống nhất đánh giá đề tài đạt xuất sắc. Đây là một công trình khoa học có giá trị, sau khi chỉnh sửa hoàn thiện sẽ sớm được xuất bản phục vụ đông đảo bạn đọc khi muốn tham khảo tư liệu nghiên cứu về Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc – Lê Trung hưng.
Minh Thùy
Nhà xuất bản Hà Nội