Người đào 7 căn hầm giấu vũ khí cho cách mạng
NHÀ THẦU KHOÁN TÀI HOA
Ông tên thật là Trần Văn Lai, tự Mai Hồng Quế, bí danh Năm U.Som (USOM) sinh năm 1920 tại xã Vũ Đông, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Ông tham gia cách mạng từ năm 1942, chức danh Tổ trưởng Công hội Cao su ái hữu (công hội bí mật bảo vệ cán bộ Nam Kỳ Khởi Nghĩa). Người đàn ông tài hoa này được biết tới từ năm 1948. Lúc đó Thái tử Campuchia là Norodom Sihanouk muốn phục chế chiếc ngai vàng đã cũ, nhân dịp sinh nhật cha mình là nhà vua Norodom Suramarit. Hoàng gia Campuchia đã nhờ tới triều đình Bảo Đại.
Qua việc lựa chọn đội thợ với những điều kiện khắt khe, ông Trần Văn Lai và cộng sự đã được chọn. Sau hơn 3 tháng trời ròng rã cấm cửa trong hoàng cung, ông Lai đã kiên trì, khéo léo phục chế thành công ngai vàng của vua Norodom Suramarit. Để ghi nhận công lao của Trần Văn Lai, Quốc vương Campuchia tặng tấm bằng với nội dung cho phép ông được phép ra vào đất nước chùa tháp mà không cần trình báo.

Ông Trần Văn Lai (áo trắng) và bà Đặng Thị Tuyết Mai bên căn hầm trên đường Võ Di Nguy
Sau Hiệp định Giơnevơ, Trần Văn Lai được giao nhiệm vụ ở lại miền Nam và xâm nhập nội thành. Với vỏ bọc tốt và tài hoa của mình, ông trở thành một nhà thầu khoán chuyên thiết kế, trang trí nội thất trong dinh Độc Lập dưới cái tên Mai Hồng Quế. Bên cạnh đó, ông còn được cài cắm vào cơ quan viện trợ U.S.O.M của Mỹ tại miền Nam với bí danh là thầy Năm U.Som.
Tháng 5-1964, sau đảo chính Diệm, chính quyền Sài Gòn dự kiến thả 2 cán bộ của ta là Phan Trọng Bình (sau này là UVTWĐ, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa) và Phạm Quốc Sắc (sau này là Trưởng ban Thanh tra Đảng) với điều kiện phải có người ở Sài Gòn đứng ra bảo lãnh. Vợ chồng tỷ phú Mai Hồng Quế được cấp trên giao cho nhiệm vụ này và đưa 2 đồng chí của ta trở ra khu an toàn. Thấy tù nhân mất tích, chính quyền Sài Gòn bắt bà Chinh (vợ ông Quế) tra tấn rất dã man. Thất bại, chúng buộc phải thả người nhưng vài tháng sau do vết thương quá nặng bà Chinh đã hy sinh. Ông Lai nuốt nỗi đau vào lòng làm bài thơ khóc vợ trong đó có 2 câu: “Sớm muộn Bắc Nam thề hiệp một; Đừng hờn, đứng tủi nữa nghe Chinh”.
Nén nỗi căm hận, Trần Văn Lai vẫn miệt mài hoạt động bí mật, dùng kinh tế của gia đình, rút tiền từ quỹ đầu tư U.S.O.M để phục vụ cách mạng. Trong những lần hoạt động tại dinh Độc Lập, mượn cớ cần đóng giá treo rèm, ông đã nhiều lần trèo lên các tầng cao để quan sát và “bỏ quên” trên nóc dinh một bộ kềm búa. Sau này anh em bộ đội tiếp quản dinh đã tìm ra và đưa vào làm kỷ vật. Ông là người duy nhất vẽ được bản đồ dinh Độc Lập chuyển ra khu an toàn. Thời điểm hoạt động trong U.S.O.M mỗi tuần 2 lần ông chuyển tiền, USD và thuốc men qua giao liên Nguyễn Ngọc Huệ (bí danh Thu Ba) hiện ngụ tại ấp Trong Viết, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi.
Một trong những chiến công của Năm Lai là phối hợp với Nguyễn Văn Giên - cơ sở của ta trong vai kỹ sư cầu đường, đã lấy toàn bộ bản đồ hệ thống đường cống ngầm Sài Gòn. Hai người đã chép được tấm bản đồ rồi cắt nhỏ, vận chuyển nhiều lần ra khu an toàn. Đại tá Hoàng Đạo (tức Võ Văn Bính) nguyên Trưởng ban Điệp báo Miền thuộc Phòng 2, Bộ tham mưu Miền đánh giá: “Việc lấy được bản đồ cống ngầm Sài Gòn giúp quân ta luồn lách, trú ẩn và đánh địch. Từ những trận đánh trước Mậu Thân tới năm 1975, cũng dùng hệ thống bản đồ này để đánh địch mà chúng không hề phát hiện”.
ĐÀO HẦM CHỨA VŨ KHÍ
Chuẩn bị cho cuộc Tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, được sự chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, tỷ phú Mai Hồng Quế đã bán 2 căn biệt thự tại số 6 và số 8 đường Tự Đức của mình và trích 800 ngàn gửi vào nhà băng Trung Quốc, để cán bộ rút ra chi dùng phục vụ chiến đấu. Còn lại, ông đã khảo sát và mua 3 căn nhà liên kế tại số 287/68-70-72 Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu, P5Q3) cũng như nhiều căn nhà khác, để phục vụ cách mạng. Từ năm 1963 đến 1968, tỷ phú Mai Hồng Quế, ban ngày là đại gia người đưa kẻ đón, đêm đến chỉ một mình ông đã đào và xây dựng được 7 căn hầm chứa vũ khí, trú ém cho cán bộ cách mạng giữa nội thành Sài Gòn, phục vụ cho hai đợt tấn công Tết Mậu Thân.
Đào được hầm đã khó, vận chuyển vũ khí từ ngoại thành về nội đô lại càng khó hơn. Được sự phối hợp của các đồng chí Ba Đen (Ngô Thanh Vân), Nguyễn Văn Ba (tức Ba Bảo) - một liên lạc viên dày dạn kinh nghiệm, Trần Văn Lai đã chuyển về kho chứa an toàn gần 3 tấn các loại vũ khí B40, B41, lựu đạn, mìn, kíp nổ, súng AK... Theo đại tá Trần Minh Sơn, nguyên Phó tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kiêm Tham mưu trưởng Biệt động Sài Gòn thì: “Vũ khí từ hầm của đồng chí Năm Lai được cấp cho Đội 5 Cụm 3-4-5 đánh dinh Độc Lập và một số mục tiêu đầu não quan trọng của Mỹ - ngụy tại Sài Gòn”.
NGƯỜI TIÊN PHONG ĐÁNH DINH ĐỘC LẬP
Đêm mùng 1 rạng sáng mùng 2 Tết Mậu Thân 1968, trước giờ xuất kích, 2 chiếc ôtô hiệu Hino Pickup và Citroen của ông Năm Lai thường sử dụng có số đăng ký EC-6045 và NCE-345 nhận nhiệm vụ chở đội cảm tử đã chờ trước cửa nhà.
Ba chiếc ôtô (1 chiếc của đơn vị và 2 chiếc của đồng chí Năm Lai) nối đuôi nhau hướng về đường Lê Văn Duyệt (nay là CMT8), trong sự cảnh giác cao độ của địch. Khi đến ngã tư Nguyễn Du - Thủ Khoa Huân thì tiếng súng đánh vào trung tâm đầu não của địch vang lên, một đơn vị chốt gác của địch đã bị tiêu diệt gọn. Cổng dinh khóa rất kỹ nên ta phải dùng bộc phá nhưng do dây cháy chậm bị địch bắn nát nên thuốc không nổ, các chiến sĩ leo tường vào tập kích trong dinh. Địch tăng viện ồ ạt, 7 đồng chí đã hy sinh, một số bị bắt khi đã chống trả đến viên đạn cuối cùng. Ngay lập tức, chúng đã điều tra nơi xuất quân của ta nên đã tịch thu toàn bộ nhà cửa, tài sản của tỷ phú Mai Hồng Quế, đồng thời treo giải thưởng 2 triệu đồng cho ai “lấy được đầu” của người chiến sĩ quả cảm này.

Trần Văn Lai bên chiếc xe của ông dùng đánh cảm tử dinh Độc Lập
Sau 3 ngày trốn trong thùng rác của chợ Bến Thành, ông bí mật chỉ đạo củng cố các cơ sở bí mật còn lại của Biệt động. Trước sự truy lùng ráo riết của địch, Năm Lai nhận lệnh của tổ chức trở về quê vợ ở Quảng Ngãi, dưới cái tên Phạm Sửu và tiếp tục hoạt động. Năm 1972, ông bị địch bắt và giam tại Chi khu Sơn Tịnh. Bị tra tấn dã man, nhưng ông vẫn một lòng kiên trung, bất khuất. Đến năm 1974 gia đình chạy tiền hối lộ, địch thả ông ra nhưng vẫn kiểm soát ông chặt chẽ. Trong suốt những năm ấy, Năm Lai có lúc phải giả điên để qua mắt quân thù.
Sau ngày giải phóng, ông tiếp quản thành phố Sài Gòn với tỷ lệ thương tật 81% (là thương binh loại ¼). Ông công tác ở Phòng tổng kết chiến tranh - Bộ tư lệnh thành phố đến năm 1981 thì nghỉ hưu.
Lê Bình - Tô Nguyên
(Theo congan.com.vn)