Thế giới có Ngày cây xanh
Hàng năm, nhiều quốc gia trên thế giới kỷ niệm "Ngày cây xanh" (tiếng Anh: Arbor Day) vào những thời điểm khác nhau nhưng cùng một tôn chỉ: Tôn vinh ý nghĩa của rừng, của cây xanh đối với con người và sự phát triển kinh tế, cũng như đề cao trách nhiệm của người đối với cây xanh. Ý tưởng về "Ngày cây xanh" thế giới có nguồn gốc từ thế kỷ XIX, dựa trên sáng kiến của nhà báo người Mỹ Julius Sterling Morton, người nổi tiếng với câu nói: "Những ngày lễ khác để hồi tưởng quá khứ. Ngày cây xanh là để hướng tới tương lai." Năm 1872, ý tưởng về Ngày cây xanh lần đầu được ông đệ trình tại Bang Nebraska, Mỹ và sau 20 năm đã lan rộng khắp nước Mỹ. Năm 1951 Liên Hiệp quốc chính thức chuẩn y ngày này và kêu gọi các quốc gia chọn một Ngày cây xanh trong năm tùy theo điều kiện khí hậu, môi trường và đặc thù của nước mình. Ở một số quốc gia như Anh, Canada, Ấn Độ, Nam Phi..., Ngày cây xanh không là một ngày, mà là cả một tuần lễ với nhiều sự kiện liên quan tới cây xanh và môi trường, gắn với Tuần lễ rừng quốc gia, Lễ hội cây xanh hoặc Ngày môi trường v.v... Ở một số quốc gia khác, Ngày cây xanh được ấn định vào một ngày cuối tuần như ở Úc, Mexico (tháng 7), Hà Lan (tháng 8), Bỉ (21/03), Campuchia (01/06), Brazil (21/09), Trung Quốc (12/03), New Zealand (05/06), Ai Cập (15/06), Tanzania (01/01) v.v... Những Ngày cây xanh này còn được gọi là Ngày trồng cây toàn quốc với hàng triệu cây xanh được trồng tại khắp nơi. Tháng Tư cũng được một số quốc gia chọn để tổ chức Ngày cây xanh của họ, như tại Mỹ (Thứ sáu cuối cùng của tháng Tư), Hàn Quốc (05/04), Kenia (21/04), Đức (25/04).
1.ỨNG XỬ VỚI CÂY
Hưởng ứng lời kêu gọi của Liên Hiệp quốc về Ngày cây xanh, vào ngày 25/4/1952, Tổng thống Đức thời đó là Theodor Heus đã trồng một cây phong tại Bonn. Kể từ đó, ngày 25 tháng 4 chính thức là "Ngày cây xanh" tại Đức. Một Hội đồng quốc gia Cây của năm được thành lập. Hội đồng này trực thuộc Hiệp hội Cây xanh, họp một năm một lần vào tháng Mười để bình chọn ra một loài cây là biểu tượng cây của năm kế tiếp, cũng như lên kế hoạch các hoạt động trong năm tới, theo tiêu chí: "Người vì cây, cây vì người". Thường thì những cây có nguy cơ tuyệt chủng hay được chọn làm biểu tượng Cây của năm. Hội đồng Cây của năm mong muốn, qua đó kêu gọi sự chú ý và bảo vệ của con người với loài cây đó.
Hàng năm, vào ngày 25 tháng 4, Hội đồng Cây của năm tại các bang và thành phố của Đức tổ chức rất nhiều các hoạt động liên quan tới cây xanh và môi trường như: các hội thảo của giới chuyên môn, các hội thảo dành cho đại chúng nhằm nâng cao nhận thức và kiến thức về cây xanh, lễ hội trồng cây dành cho các gia đình, các cuộc triển lãm cây từ các vườn ươm trong vùng, trao giải cho những cây đẹp, bầu chọn và rước kiệu Nữ thần cây. Những chương trình này được đăng tải công khai trên các trang web của thành phố để cư dân biết và tham gia từ khâu chuẩn bị. Các nghệ sĩ dựng những hoạt cảnh, trình diễn về đề tài cây xanh miễn phí trên các quảng trường trung tâm. Hội phát hành nhiều sách, ấn phẩm về cây và môi trường, cùng các vựng tập đơn giản và dễ hiểu về đời sống của những loài cây sắp tuyệt chủng, những loài cây quen thuộc và vai trò của chúng, dành cho thiếu nhi v.v... Tùy vào đặc thù từng vùng, Ngày cây xanh còn được gắn kết với những sự kiện văn hóa có liên quan, đôi khi kéo dài suốt một tuần, để ngày này thực sự trở thành ngày Hội Cây và Gia đình, với sự tham gia của tất cả dân cư trong vùng. Hầu hết kinh phí cho những hoạt động này là từ nguồn ủng hộ của các doanh nghiệp kinh doanh cây, các chủ vườn ươm và các mạnh thường quân.
Ngày nay, du khách tới Berlin có thể thăm một con đường mang tên "Đại lộ Cây của năm" trong công viên Pantoffelpark, nơi trồng các loại Cây của năm từ 1989 tới 2008. Tại Berlin còn có cây cổ thụ lâu đời nhất, được chăm sóc và có hồ sơ lý lịch như tất cả những cây cổ thụ được xếp hạng tại Đức. Đó là một cây sồi hơn 900 năm tuổi có tên gọi "Marie béo" (Dicke Marie - tên do anh em nhà khoa học nổi tiếng Alexander và Wilhem von Humboldt đặt). Cây sồi cổ thụ này có chiều cao 20m, đường kính gốc là 2,1m và có mặt bên hồ Tegel từ năm 1107.
2.CÂY LÀ NGƯỜI
Có tới hơn 30.000 loài cây xanh khác nhau đang có mặt trên trái đất này. Cây xanh đóng một vai trò quan trọng như thế nào trong cuộc sống con người và đối với môi trường của trái đất, điều đó có lẽ không cần phải nói nhiều nữa. Tầm quan trọng của cây trong đời sống tinh thần con người như thế nào, cũng không cần bàn thêm nữa. Chỉ xin đơn cử một ví dụ điển hình:
Bắt đầu từ năm 2014, người dân thành phố Melbourne, Australia, có thể viết thư cho cây. Ý tưởng này được tòa thị chính thành phố áp dụng cho hơn 70.000 cây xanh hiện hữu trên các đường phố tại Melbourne. Những người lãnh đạo thành phố nhận thấy mối đe dọa ngày càng lớn đối với cây xanh của thành phố, khi khí hậu ngày một khô nóng hơn và nước ngày càng phải tiết kiệm hơn trong những năm vừa qua, dù cho Melbourne là một thành phố rất xanh. Để có thể sớm can thiệp tác hại và hạn chế rủi ro cho cây, chính quyền Melbourne đưa ra ý tưởng gắn số cho từng gốc cây; mỗi số có một địa chỉ Email, để người dân có thể kịp thời thông báo về những biến đổi bất thường của cây trước cửa nhà họ. Bằng cách đó, thành phố mong muốn nâng cao nhận thức về trách nhiệm của cư dân với cây xanh. Thị trưởng Melbourne trả lời trong một cuộc phỏng vấn rằng họ khá bất ngờ khi số lượng Email gửi cho cây lên đến hàng ngàn và trong đó rất nhiều “thư tình” gửi cho cây. Những thư này đều được “cây xanh“ (là các nhân viên tòa thị chính và các tình nguyện viên) trả lời. Mọi người dân đều có thể tìm thấy địa chỉ Email của từng cây trên từng con phố tại Melbourne tại bản đồ rừng của thành phố trên mạng. Từng cây xanh trên bản đồ cung cấp mọi thông tin chi tiết về cây như: chủng loại, độ tuổi và thời gian dự kiến tồn tại.
Vậy mà không phải ở nơi nào trên trái đất này, cây xanh cũng được đối xử tử tế và xứng đáng đối với những ích lợi trước mắt và lâu dài mà chúng mang lại cho con người. Trông người lại ngẫm đến ta. Bao giờ Việt Nam có được một Ngày cây xanh như vậy, khi mà nhận thức về cây còn khiếm khuyết ở nhiều tầng lớp xã hội, khi mà trẻ em không được giáo dục bài bản về việc bảo vệ thiên nhiên, và cây cỏ hoa lá không nằm trong những điều đáng được quan tâm? Có lẽ nào lý do: Kinh tế còn thấp, đời sống còn đói nghèo, luôn là chính đáng để biện minh? Những vụ phá rừng lấy đất, khai thác bừa bãi tài nguyên đất và rừng mà không có biện pháp hữu hiệu bảo vệ cây xanh tại nhiều nơi, vụ chặt cây ồ ạt hay việc lén lút bóc vỏ hại cây vừa qua tại Hà Nội v.v..., tất cả cho thấy một thái độ ứng xử quá bất công của người với thiên nhiên, với rừng và cây. Việc chặt cây vì sâu mọt, vì qui hoạch đô thị, vì phát triển khu kinh tế, là cần thiết ở bất kỳ quốc gia nào. Nhưng có là đương nhiên không, khi tiến hành tất cả những việc đó mà chưa xem xét thấu đáo mọi khía cạnh, nhất là những khía cạnh mang tính bền vững liên quan tới môi trường, đời sống con người, cũng như đời sống cây xanh? Những sinh vật có tuổi đời còn lâu hơn sự xuất hiện của con người trên trái đất ấy xứng đáng có được sự đối xử tử tế, kể cả khi chúng phải giã từ sự sống vì bất kỳ lý do gì. Làm được điều đó, chúng ta mới xứng đáng với những gì mà cây mang lại cho mình. Và xứng đáng với điều mà ta hay rao giảng hàng ngày: “Con người là trọng tâm”, bởi vì cây cũng như người! Xin được trích dẫn một câu của tổ chức Hòa bình Xanh làm cái kết cho bài viết này:
“Chỉ khi nào cây xanh cuối cùng khô héo, dòng sông cuối cùng bị đầu độc, con cá cuối cùng cũng ra đi, bạn sẽ nhận ra rằng: Tiền không ăn được!”.
T.Linh (sưu tầm, tổng hợp)
(T4/2015)
Nhà xuất bản Hà Nội