Trung Quốc kéo giàn khoan nước sâu thứ 2 xuống Biển Đông
Theo Xinhua, ngày 30/4, giàn khoan Hưng Vượng thuộc Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) rời cảng tại thành phố Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, lên đường đến Biển Đông. Tuy nhiên khu vực mà Trung Quốc sẽ cắm giàn khoan này không được tiết lộ.
Giàn khoan mới có tên là Hưng Vượng (CSOL Prospector), cũng là một giàn khoan nước sâu nửa nổi nửa chìm như Hải Dương 981. Nó được quảng cáo là có thể hoạt động trên toàn thế giới, ngoại trừ vùng Bắc cực.
Giàn khoan có thể hoạt động ở nơi có độ sâu lên đến 1.500 mét (Hải Dương 981 có thể hoạt động ở độ sâu tối đa 3.000 mét), khoan sâu tới 7.600 mét (Hải Dương 981 có thể khoan sâu tới 12.000 mét).
Trên giàn có đủ điều kiện cho khoảng 130 người sống và làm việc dài ngày, tải trọng sàn tàu tối đa 5.500 tấn.
Sở dĩ nói giàn khoan Hưng Vượng hiện đại hơn Hải Dương 981 ở chỗ, giàn khoan mới được trang bị hệ thống khoan tiên tiến nhất với hệ thống định vị động có thể bảo đảm cho giàn khoan này hoạt động bình thường trong môi trường bão cấp 12 ở Biển Đông, đã được các công ty giám định nổi tiếng như DNV và CCS chứng nhận.
Trong khi đó, giàn khoan Hải Dương 981 - dù là giàn khoan “siêu hiện đại”, “siêu bền vững” và “siêu khủng” nhưng cũng chỉ được thiết kế đủ sức chống bão mạnh cấp 10.
Lễ khánh thành giàn khoan Hưng Vượng
Từ năm 2010 đến nay, từ Nhà máy đóng tàu CIMC ở Yên Đài, đã có 9 giàn khoan nước sâu nửa nổi nửa chìm xuất xưởng và đi hoạt động tại Biển Bắc, Brazil, Tây Phi và Biển Đông. Hiện nay, nhà máy này đang xây dựng thêm 5 giàn khoan nước sâu nửa nổi nửa chìm để phục vụ cho các chiến dịch săn tìm năng lượng cũng như tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc.
Hiện chưa rõ, giàn khoan Hưng Vượng sắp tới sẽ được điều đi tới vùng biển nào nhưng với tham vọng lãnh thổ của người hàng xóm “to mà không lớn”, các nước láng giềng như Việt Nam, Philippines cần cảnh giác, không để xảy ra một “sự cố giàn khoan” như cách đây 1 năm.
Theo Pháp luật
(yeah1.com)