Nhà nghiên cứu - dịch giả Thúy Toàn được bạn đọc biết đến với những công trình tiêu biểu “Những con ngựa thồ” (chân dung trên 50 dịch giả Việt Nam và nước ngoài), “Những người dịch “Nhật ký trong tù”, “Sức tỏa sáng văn thơ và cuộc đời Hồ Chí Minh”, “Không phải của riêng ai” và “Những con đường” - 2 tập tiểu luận, bút ký về văn học dịch và dịch văn học, “Từ điển những người dịch Việt Nam “(viết chung cùng Đoàn Tử Huyến).
Nhà lưu niệm văn học Nga rộng gần 50m2, có hai phòng trưng bày với một bố cục, sắp xếp khoa học, hợp lý, từ sách, báo, tranh ảnh đến các kỷ vật. Tầng 1 tiêu đề: “Những trang tình nghĩa” nói về tình hữu nghị qua văn học, chủ yếu tập trung ở ba mảng: Cụ Hồ ở Nga, đề tài “Nước Nga trong văn học Việt Nam”, “Việt Nam trong văn học Liên Xô (cũ) và văn học Nga”. Tầng 2 là “Văn học Nga ở Việt Nam”. Tất cả ảnh, tư liệu, kỷ vật đều được cho vào khung trang trọng với chú thích tỉ mỉ, rõ ràng.
Việc xây nhà lưu niệm là nỗ lực cá nhân của ông. Và có lẽ, công trình này rất cần được Hội Nhà văn Việt Nam và các cơ quan khác quan tâm, giúp đỡ, để quy mô, tầm vóc và sức quảng bá của nhà lưu niệm lớn hơn nữa.
<?> Vì sao ông làm nhà lưu niệm?
- Ý tưởng có từ lâu rồi. Gần 80 tuổi, tôi nghĩ mình phải thu xếp hành trang sẵn sàng. Hành trang của mình chỉ có sách báo cũ, tư liệu tích lũy được. Tư liệu mình vẫn coi là quý, thì vời lên để thế hệ sau đánh giá là đáng giữ thì giữ, không thì vứt. Tự sắp xếp, mày mò. Trước đó, tôi tổ chức 7 cuộc trưng bày theo chuyên đề: Văn học Nga ở Việt Nam, Hơn nửa thế kỷ thơ Nga ở Việt Nam, Pushkin ở Việt Nam… ở Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông - Tây, Trung tâm Khoa học - Văn hóa Nga ở Hà Nội, Phân viện Pushkin. Mọi người đến xem đánh giá tốt, vì những tư liệu đó kể được lịch sử quan hệ Việt - Nga nhất là về mặt văn hóa. Những bạn trẻ quan tâm văn học Nga, văn hóa Nga có thể tìm tư liệu quý để phát triển thành những công trình.
<?> Đâu là những tư liệu quý hiếm ở đây, thưa ông?
- Đó là hệ thống những cuốn sách lưu giữ về lịch sử. Sách viết về Việt Nam của các tác giả Liên Xô (cũ) hoặc dịch của Bác Hồ, các nhà thơ, nhà văn Việt Nam sang tiếng Nga, tất cả cái gì viết về Việt Nam là tôi giữ lại hết. Ngày xưa tôi đã có ý thức tích lũy nên có cuốn bây giờ tìm không ra như sách “Kể chuyện Liên xô (cũ) vĩ đại năm 1950” của Nam Mộc sau đưa vào sách giáo khoa. Rồi nhà văn Nguyễn Đình Thi viết về “Bài ca Hắc Hải”. Cuốn“Nhật ký trong tù” của Bác Hồ bản đầu tiên dịch ra tiếng Nga tháng 9.1960. Tập sách quy mô lớn đầu tiên viết về Bác Hồ của nhà sử học Kobalev, những chuyến thăm Nga của Bác Hồ sau năm 1954….
Về báo cũng có nhiều tư liệu quý như những bài thơ của Vân Đài, Tú Mỡ, Xuân Tửu ca ngợi phi công Titov bay vào vũ trụ. Trang báo với chùm thơ của nhà thơ Simonov gửi về báo Pravda năm 1954. Hay tờ báo Liên Xô (cũ) của các nhà văn Nga viết về ủng hộ cuộc míttinh của nhân dân Việt Nam năm 1966 phản đối Mỹ đánh Hà Nội, đến giải phóng miền Nam, 30.4.1975, phía Liên Xô ra cả một số báo mừng Việt Nam Dân chủ cộng hòa…. Hay thơ Việt Nam được dịch ra tiếng Nga in kín cả một tạp chí do Hữu Thỉnh giới thiệu, với các nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, Sim Sim, Nguyễn Quang Thiều...
Còn tờ báo Việt Nam lần đầu tiên đăng tác phẩm Nga là năm 1954 với bài hát “Sao vàng đất Việt” của nhạc sĩ nổi tiếng Muradeli, vào thời điểm HN vừa giải phóng, ta vừa chiến thắng Điện Biên Phủ. Bài hát ca ngợi chiến thắng Điện Biên, ca ngợi Bác Hồ - đấy là một trong những bài hát đầu tiên ca ngợi Bác Hồ trên thế giới.
Trong số kỷ vật có lá thư Bác Hồ gửi lớp học 100 người Việt được Bác cử sang Nga học… Rồi văn học Nga qua huy hiệu, qua đồng tiền các thời kỳ, giai đoạn lịch sử…
<?> Trong quá trình nghiên cứu, tìm tư liệu có phát hiện nào làm thay đổi hẳn quan niệm của ông về một nhà văn nào đó không?
- Từ những tư liệu báo chí cũ tìm hiểu ra mới rõ Phan Khôi, Đào Duy Anh là những người đầu tiên đưa văn học Nga vào Việt Nam với quan điểm rất tân tiến. Phan Khôi giới thiệu Lev Tonstoi từ 1927-1928 trên báo “Đông Pháp thời báo”, là người đầu tiên dịch văn học Nga qua bản dịch của Lỗ Tấn (Trung Quốc). Ông Phan Khôi không phải chỉ nghiên cứu Nho học, văn học Trung Quốc như nhiều người trong đó có tôi quan niệm trước đây.
Lúc văn học Việt Nam đang cần mẫu mực sáng tác về xây dựng CNXH thì ông Phan Khôi giới thiệu nhà văn Kataev viết về công cuộc xây dựng CNXH. Từ tư liệu đó, tôi viết 2 - 3 bài về Phan Khôi.
Về nhà thơ Pushkin, Phan Khôi là người giới thiệu đầu tiên Pushkin ở Việt Nam. Năm 1937, nhân 100 năm mất Pushkin ông viết trên tờ “Sông Hương”.
Hay từ những tư liệu theo dõi nhà văn đương đại, tôi có thể viết thêm nhiều bài như với nhà văn Tô Hoài có thể viết Tô Hoài dịch, Tô Hoài làm thơ, Tô Hoài với bạn bè quốc tế, giới thiệu văn học Việt Nam ở Liên Xô (cũ) chứ Tô Hoài không chỉ là tác giả của “Dế mèn phiêu lưu ký”
.- Xin trân trọng cảm ơn ông!
(Theo laodong.com.vn)