Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ ba, 05/05/2015 04:09
Giáo dục đại học: Không chỉ truyền dạy tri thức thông thường

Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2013 - 2014 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (được thực hiện với 148 nước) cho thấy, kết quả xếp hạng về chất lượng giáo dục phổ thông và ĐH của Việt Nam thua nhiều nước châu Á. Theo một số nhà nghiên cứu thì năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam hiện đang tụt hạng. Sự tụt hạng xảy ra ở 3 tiêu chí chính là trí tuệ, kinh tế tri thức và đẳng cấp của giáo dục ĐH.

 

Tăng cường phương pháp giảng dạy tích cực sẽ góp phần nâng cao năng lực cho sinh viên Việt Nam

Theo TS. Vương Thị Bích Thủy (Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng), một trong những nguyên nhân cơ bản của thực trạng trên là phương pháp dạy học ở ĐH hiện nay còn lạc hậu, nặng về truyền thụ lý thuyết một chiều, chưa chú ý phát triển năng lực người học. Chưa coi trọng khả năng tự học, tự nghiên cứu và trải nghiệm sáng tạo để hình thành năng lực, thái độ và kỹ năng cho người học.

Tăng cường phương pháp giảng dạy tích cực

Có một thực tế tồn tại phổ biến nhiều năm qua ở Việt Nam: học sinh phổ thông của chúng ta không thua kém về tư duy sáng tạo so với học sinh các nước trên thế giới. Nhưng sau khi tốt nghiệp ĐH, sinh viên Việt Nam lại thua kém so với sinh viên ở các nước phát triển. Đổi mới phương pháp dạy học không phải là nhiệm vụ mới, mà đã được đặt ra từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, cho đến nay chúng ta vẫn đang đứng trước một thực tế, có một bộ phận giảng viên còn yếu về phương pháp dạy học. Họ vẫn dạy học theo cách cũ, vẫn còn tình trạng thầy đọc trò ghi, thầy chiếu trò ghi. Cách dạy này làm cho sinh viên thiếu chủ động trong học tập, hạn chế sự tư duy sáng tạo của người học. Đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực người học là việc làm cấp bách trong quá trình đổi mới giáo dục.

Đổi mới phương pháp dạy học đặt ra yêu cầu chung, giảng viên cần phải tăng cường sử dụng các phương pháp dạy học tích cực. Đặc trưng của các phương pháp này, đó là quá trình tổ chức dạy học được dựa trên nền tảng của sự tin cậy, đối thoại và chia sẻ giữa người dạy và người học để cùng "chiếm lĩnh tri thức”. Người học sẽ luôn chủ động trong quá trình học tập. Biết phản biện, phê phán, chọn lọc tiếp nhận, tích lũy cho mình kiến thức. Ngoài ra, việc dạy học phải đảm bảo điều kiện, môi trường, không gian cho người học hoạt động, lấy tự học làm chính.

Các phương pháp dạy học phải theo hướng tích cực hóa nhận thức của sinh viên (như vấn đáp, nêu vấn đề đàm thoại, thảo luận…) để hình thành ở người học ý thức và phương pháp tự học đúng đắn. Tuy nhiên, ngoài năng lực nhận thức cũng cần đặc biệt chú ý rèn luyện năng lực hành động, khả năng thực tiễn, khả năng giải quyết và thích ứng với những tình huống đa dạng do cuộc sống đặt ra. Những điều đó sẽ giúp sinh viên phát triển tốt năng lực nghề nghiệp và năng lực xã hội.

Tuy nhiên, hoạt động dạy học chỉ thực sự mang lại hiệu quả khi nó được thực hiện trong sự tương tác hai chiều giữa người dạy và người học. Đây cũng là con đường ngắn nhất để người dạy định hướng cho người học đạt được cả 3 mục tiêu về kiến thức, kỹ năng và thái độ mà chương trình đào tạo đề ra...

Vai trò của người thầy

Trong đào tạo ĐH hiện nay, dù cho sinh viên có xuất sắc về học tập và nghiên cứu khoa học đến đâu, thì họ vẫn rất cần đến những người thầy giỏi, có tâm huyết, có uy tín chuyên môn cao thể hiện trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Người giảng viên ĐH cần hội đủ rất nhiều phẩm chất và năng lực. Họ không những phải có phẩm chất chính trị và đạo đức, nhân cách tốt, mà còn phải thực sự có năng lực.

Năng lực cốt lõi của người giảng viên ĐH tập trung ở 3 nhóm chính: năng lực chuyên môn; năng lực giảng dạy; và năng lực nghiên cứu khoa học. Hội tụ đủ những năng lực cốt lõi nói trên, người thầy mới làm tốt vai trò là "ngọn hải đăng” dẫn dắt sinh viên trên con đường "chiếm lĩnh tri thức”, tự tin hội nhập vào môi trường lao động quốc tế.

Trong dạy học hướng đến phát triển năng lực của người học, vai trò của người thầy có sự thay đổi căn bản. Thầy giáo không còn là người truyền thụ kiến thức có sẵn, mà phải là người bạn đồng hành giàu tri thức và kinh nghiệm, cùng với sinh viên trải nghiệm trên con đường tìm kiếm tri thức. Trong hành trình sáng tạo đó, người thầy phải có đủ năng lực chuyên môn để giảng dạy tốt và hướng dẫn sinh viên tự học. Có nhân cách trong sáng để giúp cho người học nhận ra phẩm chất và năng lực của mình. Và người thầy phải có đủ khiêm tốn, kiên nhẫn để chia sẻ, lắng nghe và học hỏi những điều tốt đẹp từ chính người học, từ đó biết cách điều chỉnh hoạt động dạy của mình.

Thực tế đổi mới phương pháp giảng dạy ở các trường ĐH trong những năm qua cho thấy, chỉ với những phương pháp dạy học tích cực, người học mới thực sự trở thành trung tâm của quá trình dạy học. Từ trong bản chất của dạy học ĐH, phải tạo ra được một môi trường giáo dục dân chủ, mà ở đó, người thầy có cơ hội, có điều kiện để hoàn thành tốt vai trò của mình. Đồng thời, trong quá trình dạy học, người thầy phải hướng dẫn cho sinh viên những kỹ năng tự học cơ bản như lập kế hoạch học tập, sử dụng thời gian tự học phù hợp… Và người thầy ngoài vai trò tổ chức, dẫn dắt, định hướng cho sinh viên học tập, nghiên cứu họ còn phải biết tôn trọng cá tính, nhân cách, biết học hỏi, biết chấp nhận những ý kiến khác biệt của sinh viên… Với quá trình này, giáo dục không dừng lại ở nhiệm vụ truyền dạy tri thức thông thường, mà nó có sứ mệnh lớn lao hơn: tạo ra cho người học khả năng sáng tạo ra những tri thức mới!

 
N. Trang (ghi)
 
(Theo daidoanket.vn)
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)