Trải qua 45 năm giữ gìn cuốn nhật ký, thầy giáo Lý Quang Nhân, TP Đồng Hới (Quảng Bình) luôn đau đáu suy nghĩ làm sao tìm được người thân, quê hương bản quán của liệt sỹ để trao trả lại di vật quý báu ấy. Nhưng thầy không biết bằng cách nào, làm thế nào để tìm ra chủ nhân của cuốn nhật ký, duy chỉ có một câu trong bài thơ “Nhớ quê”: “Bãi biển Đồ Sơn phải không anh/Hay cửa Nam Triệu nước biếc xanh”.
Bài thơ Nhớ quê giúp thầy Nhân tìm được quê hương của liệt sỹ Hùng
Từ đó, thầy nghĩ quê của người liệt sỹ này ở Hải Phòng. Dựa vào suy đoán, thầy Nhân đã gửi thư đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hải Phòng nhờ trợ giúp, nhưng một thời gian dài chờ đợi vẫn không thấy đơn vị này hồi âm. Không nản trí, thầy Nhân đã trực tiếp đến Tỉnh đội Quảng Bình, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Bình để tìm thông tin về liệt sỹ Hùng và được biết, phần mộ của anh đã được chuyển về quê nhưng không rõ chính xác là quê quán ở đâu.
Hè năm 2013, trường THCS số 1 Nam Lý tổ chức đi tham quan Đà Nẵng. Trong suốt hành trình dài, thầy Nhân thổ lộ những trăn trở của mình về cuốn nhật ký với thầy giáo trẻ Hoàng Công Hân. Thầy Hân phụ trách trang Web của nhà trường nên am hiểu về mạng internet, thầy Hân hứa sẽ giúp thầy Nhân đưa thông tin về cuốn nhật ký lên mạng tìm người thân.
Chỉ sau đó một tuần, thầy Nhân nhận được tin của chị Ngô Thuý Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho các gia đình liệt sỹ (viết tắt là MARIN).
Thầy Hùng xúc động nhớ lại thời khắc trao trả cuốn nhật ký cho gia đình Liệt sỹ Hùng
Sau đó, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Trung tâm MARIN đã tra cứu dữ liệu và kiểm tra thông tin về liệt sỹ Lưu Mạnh Hùng, hy sinh ngày 26/5/1968 tại Quảng Bình. Trung tâm tiếp tục liên hệ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hải Phòng thì nhận được các thông tin về thân nhân của liệt sỹ Lưu Mạnh Hùng là ông Lưu Mạnh Dũng, em trai của liệt sỹ Hùng, đang sinh sống ở phường Cát Bi, TP Hải Phòng.
Ngày 22/7/2013, sau một hành trình dài từ Quảng Bình ra Hải Phòng, thầy giáo Nhân vui mừng tới phát khóc khi tận tay trao lại cuốn nhật ký cho người nhà liệt sỹ Hùng. “Trong ký ức, khi tiếp nhận cuốn nhật ký rồi đọc thuộc từng câu từng chữ, tôi vẫn nghĩ liệt sỹ Hùng xuất thân là một sinh viên ngành văn rồi đi bộ đội. Nhưng ngày gặp lại gia đình, được ông Lưu Văn Sắc, cha của liệt sỹ Hùng kể lại, tôi vô cùng ngạc nhiên".
Ông Sắc kể: “Hùng sinh năm 1945, là con cả trong gia đình có 6 anh em. Hùng chỉ học hết lớp 5 rồi đi thanh niên xung phong, sau về làm công nhân ở Sở Thuỷ lợi Hải Phòng. Tháng 4/1965, Hùng tình nguyện viết đơn lên đường nhập ngũ. Sợ bố mẹ biết chuyện sẽ lo lắng nên Hùng giấu gia đình không cho ai biết. Đến lúc đơn vị chuẩn bị hành quân vào miền Nam chiến đấu, Hùng được phép về thăm nhà, khi đó cả gia đình tôi mới biết con mình đã đi bồ đội. Không trách mắng con, cả tôi và bà nhà đều động viên con yên tâm lên đường".
Ngày liệt sỹ Hùng hy sinh, cả gia đình đau đớn đón nhận những kỷ vật mà đơn vị gửi về. Nhưng năm 1972, sau đợt đế quốc Mỹ rải thảm B52 toàn miền Bắc, nhà của liệt sỹ Hùng đã bị trúng bom đổ nát, bao nhiêu kỷ vật của liệt sỹ bị mất hết.
Quyển nhật ký được một đồng đội của Liệt sỹ Hùng tiếp nhận sau khi anh hy sinh
“Chính vì vậy, khi nhận được tin về cuốn nhật ký tôi đang giữ, cả gia đình liệt sỹ Hùng đều rất vui mừng và xúc động bởi đây chính là kỷ vật duy nhất của liệt sỹ còn sót lại. Ngày tôi trao trả cuốn nhật ký, ông Sắc ôm trọn nó vào lòng rồi nức nở: “Hùng ơi, con đã trở về với bố”, thầy Nhân nghẹn ngào chia sẻ.
Hiện nay, phần mộ của liệt sỹ Lưu Mạnh Hùng nằm ở nghĩa trang liệt sỹ xã An Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình). Tuy nhiên, một sự việc rất đáng tiếc xảy ra, đó là trong lần quy tập hài cốt từ nghĩa trang thôn Kim Nại về nghĩa trang xã An Ninh, phần mộ của liệt sỹ Hùng không có bia tên đánh dấu nên những người phụ trách đưa hài cốt về nghĩa trang đã vô tình làm thất lạc, không thể phân biệt được phần mộ liệt sỹ với hàng trăm ngôi mộ của các chiến sỹ khác cùng nằm trong nghĩa trang này. Hàng năm, vào mỗi dịp lễ tết, ngày 27/7, các anh em của liệt sỹ Lưu Mạnh Hùng lại đến thắp hương cho anh tại nghĩa trang Liệt sỹ xã An Ninh. |
Ngô Huyền
(Theo nguoiduatin.vn)