Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ hai, 07/09/2009 09:14
40 năm canh giấc ngủ cho Người
Ở tiền sảnh khách sạn Đại Nam (TPHCM), một sáng đầu tháng Chín có rất nhiều người Nga. Họ là những chuyên gia đã nhiều năm nay đến VN để giúp gìn giữ thi hài Bác, nay được Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh mời sang cùng gia đình nhân kỷ niệm Quốc khánh VN.

GS.TS V.L Kozeltsev, người 38 năm gắn bó với công việc bảo thi hài Bác.

Rất nhiều người trong số đó lần đầu đến TPHCM. Nụ cười đôn hậu, ánh mắt thân thiết và đặc biệt, sự nhiệt tình, cởi mở của các nhà khoa học luôn làm ấm lòng người đối diện.

Tổ quốc thứ hai

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm - Chính uỷ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - giới thiệu một "người quen" vô cùng thân thiết với cán bộ quản lý Lăng suốt 38 năm nay - Giáo sư, TSKH V.L Kozeltsev, nay là trưởng khoa Hoá - Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ y sinh ở Mátxcơva.

Đó là người đàn ông trung niên cao và lịch lãm, với nụ cười tươi trên môi. Ngồi trên xe một vòng dạo quanh thành phố, trong khi mọi người ngắm nhìn quang cảnh và không ngớt hỏi han, thì giáo sư xuống góc đằng sau xe và đắm chìm vào ký ức một thời: "Đó là những năm tháng chiến tranh tôi không thể nào quên. Ngày 16.10.1971, tôi sang VN, có mặt trong đoàn chuyên gia vượt lũ lên K84 cùng các cán bộ, bác sĩ VN chăm sóc thi hài Hồ Chủ Tịch. Đây là lần đầu tôi đến Hà Nội, nên mọi thứ còn quá mới mẻ và bỡ ngỡ.

Trước đó, tôi đã được Viện trưởng S.S. Debov thông báo sẽ được giao nhiệm vụ quan trọng - tham gia cùng đoàn chuyên gia Lăng Lênin sang VN bảo vệ và ướp thi hài Hồ Chủ Tịch. Tôi biết, trong hoàn cảnh chiến tranh, công việc sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhưng không nghĩ sẽ làm việc trong tình cảnh thiếu thốn đến như vậy: Thiếu hoá chất, thiết bị, kể cả nước sạch y tế.

Trước tình hình trên, viện trưởng của chúng tôi đề nghị mang thi hài Bác sang bảo quản ở Liên Xô. Nhưng các nhà lãnh đạo VN lúc đó quyết định: Vẫn giữ thi hài Bác ở VN. Cuối cùng, ông Viện trưởng bay về Mátxcơva và vài ngày sau, ông trở lại VN mang theo nhiều loại hoá chất và thiết bị y tế.

Tiếp đó, thi hài Bác được chuyển về K1 (Sơn Tây) và chúng tôi lên sống ở đây một thời gian. Đó là thời điểm chúng tôi suốt ngày phải chui vào hầm trú ẩn, không máy điều hoà, trời nóng kinh khủng. Một tuần mới được về Hà Nội một lần. Chiến tranh diễn ra ngày càng ác liệt, cuối cùng, hai bên đi đến thống nhất là phải đưa thi hài Bác xuống hầm.

Lối đi xuống hầm rất hẹp, nên từng chuyên gia Nga lần lượt xuống dưới, vác cả thùng hoá chất nặng 25kg. Cuối cùng, công việc được hoàn tất vào tháng 12.1971. Các chuyên gia Việt Nam cũng như chúng tôi, làm việc không ngơi nghỉ, cả ngày lẫn đêm.

"Những lúc bom đạn chiến tranh nguy hiểm như vậy, ông có bao giờ nghĩ đến cái chết?". "Ôè, không còn thời gian mà nghĩ ngợi. Tôi chỉ biết là nhiệm vụ đặt ra, nguy hiểm không ít.

Trên đường đi ngang Bảo tàng TPHCM, Giáo sư Kozeltsev chỉ cho mọi người chiếc xe tăng M48 và chiếc F5 từng ném bom vào dinh Độc Lập và tỏ ra khá am hiểu lịch sử cuộc chiến chống Mỹ ở VN.

Ông cười, giải thích: "Tôi làm trong ngành y, nhưng rất thích tìm hiểu về lịch sử. Khi còn học phổ thông, tôi đã nghe về cuộc chiến chống thực dân Pháp ở VN và còn nhớ bức ảnh quân đội Pháp đầu hàng Việt Minh. Đối với tôi, Hồ Chí Minh là một thiên tài.

Trong thời gian tham gia bảo quản thi hài Người, tôi muốn thể hiện lòng kính yêu với Bác. Với tôi, mỗi lần trở lại VN là một lần thật vui, như được trở về nhà. Vì từ lâu, tôi đã coi VN là tổ quốc thứ hai của mình. Mỗi lần đến là một lần thay đổi rất nhiều, thật khó nhận ra".

Năm 27 tuổi, anh thanh niên Kozeltsev được Viện trưởng Debov cử đến VN, với tư cách là một trong những học trò yêu quý và xuất sắc của ông. Cũng vào năm ấy, vợ ông sinh con trai đầu lòng, phải sống xa chồng trong một thời gian dài đằng đẵng (tổng cộng gần 60 tháng công tác ở VN trong nhiều năm).

Hơn 20 lần ông sang VN và có những lần phải đi đường vòng, sang Lào rồi mới về nước, máy bay trễ 37 tiếng, nên bị hãng hàng hàng không thông báo "mất tích" với gia đình. Cũng có nhiều lần vợ ông nhận được tin chồng bị mất tích ở VN. Điều đó khiến bà luôn sống trong căng thẳng, lo lắng. Nhưng gia đình ông vẫn vượt qua cơn sóng gió.

Hiện con trai ông đã là người thành đạt, tốt nghiệp hai trường: Đại học Y và Học viện Quân sự. Không chỉ giúp VN, ông còn sang Angola và Triều Tiên để giúp nước bạn.

Khó có thể kể lại những khó khăn và hy sinh mà Giáo sư Kozeltsev phải trải qua trong suốt 38 năm tham gia bảo quản, giữ gìn thi hài Bác. Nhưng với ông, đã là công việc, thì không có gì phải phàn nàn. Lòng kính trọng đối với lãnh tụ là động lực cho ông hoàn thành tốt công việc.

Đoàn chuyên gia Nga thăm tượng đài Bác tại TPHCM.

Họ đã gắn bó với Việt Nam...

Vào năm 1991, hệ thống chính trị ở Liên Xô thay đổi, công tác gìn giữ lâu dài thi hài Hồ Chủ Tịch gặp nhiều thử thách. Đoàn cán bộ Ban quản lý Lăng chủ Hồ Chí Minh đã sang Mátxcơva để làm việc và trao đổi với Viện Cấu trúc sinh học Nga (viện nghiên cứu Lăng Lênin trước đây), chuyển đổi cơ chế hợp tác giữa hai nhà nước trước đây thành cơ chế hợp tác trực tiếp giữa Ban Quản lý Lăng và Viện. Nhờ có sự Viện sĩ V.A.Bưcov - Giám đốc VILAR, cơ quan cấp trên của Viện Cấu trúc sinh học Nga, mà hai bên đạt thoả thuận tiếp tục đưa chuyên gia sang VN giảng dạy, hợp tác nghiên cứu khoa học cùng các nhà nghiên cứu VN.

Trong suốt 20 năm qua, đội ngũ các nhà khoa học VN cũng lớn mạnh lên dần. Hiện nay, có 10 tiến sĩ trong đội ngũ Ban quản lý Lăng, trong đó, hơn 2/3 được đào tạo tại Nga.

Có mặt trong đoàn còn có TS Volodina Tatiana - trưởng nhóm TT Nghiên cứu Công nghệ y sinh, người pha dung dịch đặc biệt đầu tiên tại VN. Bà nhận xét: "So với thời kỳ chiến tranh, VN ngày nay đã phát triển rất nhiều về khoa học kỹ thuật. Đội ngũ khoa học VN cũng đã có thể tự lực trong việc bảo quản thi hài, pha chế dung dịch. Đất nước các bạn phát triển từng ngày và chúng tôi vui mừng vì điều đó".

"Bác Hồ là một nhân vật vĩ đại của dân tộc VN. Công tác bảo quản thi hài Bác, theo chúng tôi, là công tác hết sức quan trọng, có tính chất giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ sau. Khi tham gia công tác này, chúng tôi rất khâm phục những gì mà các bạn đồng nghiệp VN đã đạt được. Điều mà tôi nhận thấy rất rõ là VN không bị chảy máu chất xám. Những thanh niên được đào tạo ở nước ngoài, lại trở về phục vụ đất nước", TS Dubinskaia Valentina - Trưởng khoa Công nghệ y sinh - nhận xét.

Lần đầu tiên bà tham gia công tác này là vào năm 1996. Bà cho biết, gia đình bà sống ở Mátxcơva, con đầu là phóng viên đài truyền hình, con út theo học ngành toán học. Đời sống của nhà khoa học Nga cũng khá khó khăn, không thể nói là dư giả, nhưng có điều kiện để nghiên cứu khoa học hơn thời Liên Xô cũ.

Ngoài những người nói trên, có thể kể thêm những chuyên gia tận tụy giúp VN nhiều năm nay, như GSTS A.Doktorov (11 lần qua VN), TS Vasilievski (14 lần), TS Golubev (13 lần)... Người ta kể lại, Viện sĩ M.I Lopukhin (nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Y Mátxcơva, sau này là giám đốc Viện Nghiên cứu Hoá lý, từng là phẫu thuật viên chính ướp bảo quản thi hài Bác, đồng thời tham gia giảng dạy), sau khi biết về Chủ tịch Hồ Chí Minh và được trực tiếp chăm sóc thi hài của Người, ông đã về nhà lập bàn thờ Bác trong nhà và coi đó là tấm gương. Ông cũng đã viết cuốn sách "Hồ Chí Minh đi vào cõi vĩnh hằng và công việc ướp thi hài của Người". Lần này, vì lý do sức khoẻ mà ông không sang VN.

Từ năm 1969 tới nay, tổng số chuyên gia y tế Liên Xô và nước Nga sau này đã sang VN giúp ta là 82 người; trong đó có 13 viện sĩ, 7 giáo sư, 11 tiến sĩ khoa học, 20 tiến sĩ, số còn lại là bác sĩ chuyên ngành. Người sang nhiều lần nhất là 24 lần, đó là ông Yuri Alekseyevich Romakov, Phó Giám đốc, lần đầu sang Việt Nam vào năm 1968, được dự một cuộc míttinh có Bác Hồ để nhận diện được thần sắc khi Bác còn sống. Ngoài ra, có rất nhiều viện sĩ giàu kinh nghiệm đã sang VN tham gia Hội đồng Khoa học liên quốc gia để đánh giá trạng thái thi hài và tư vấn khoa học.

Tối 29.8, đoàn chuyên gia Nga đã tham gia vào chương trình cầu truyền hình "Hồ Chí Minh - cả một đời vì nước vì dân" trên Quảng trường Ba Đình. Những câu chuyện của họ dường như làm sống dậy một quá khứ không xa và tấm lòng chung thuỷ với VN trong suốt một thời gian dài, trên tất cả là sự giúp đỡ vô tư và nhiệt tình bất chấp mọi trở ngại cũng như hoàn cảnh chiến tranh.

Tuổi trẻ của họ cũng đã gắn liền với công việc bảo vệ, gìn giữ thi hài Bác. Cho đến hôm nay, họ vẫn cho đó là một công việc hết sức ý nghĩa. Trong cuộc chiến chống lại sự tàn phá của thời gian, họ luôn giữ được hình hài Bác vẹn nguyên với những nét đặc trưng như lúc còn sống và đó là cả một điều kỳ diệu.

Theo Báo Lao Động Cuối tuần

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)