Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ năm, 14/05/2015 11:37
Cốt cách văn hóa Hồ Chí Minh

Tháng 11-1987 tại Paris, trong phiên họp toàn thể của Đại hội đồng tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã ra nghị quyết khuyến nghị các nước thành viên tham gia vào các hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa trên phạm vi toàn thế giới.

 
Điều lạ lùng, với thời gian, Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn mạch không vơi cạn. Có người nói, chắc Cụ là bậc Thánh nhân. Không. Cụ Hồ là một người Việt Nam bình thường mà vĩ đại.

Trong chuyến thăm hữu nghị Indonesia tháng 3-1959 tại giảng đường Đại học Patgiagiaran, thành phố Băng Đung, Người tâm sự: “Khi còn trẻ, tôi không có dịp đến trường học. Tôi đã đi du lịch và để làm việc. Đó là trường đại học của tôi. Trường học ấy đã dạy cho tôi Khoa học xã hội. Trường dạy tôi cách yêu, ghét, yêu nước, yêu con người, yêu dân chủ và hòa bình, căm ghét áp bức. Trường học ấy đã dạy tôi Khoa học quân sự lịch sử, chính trị...”.

Điều gì dễ nhận thấy ở Cụ Hồ - nhà văn hóa? Cụ là nhà báo, thợ ảnh, viết phóng sự, họa sĩ, nhà thơ. Những tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã làm điên đầu chế độ thực dân - phong kiến những năm đầu thế kỷ 20. Số lượng đồ sộ đã đành, nhưng trên hết là nhiệt huyết và lương tâm tác giả. Sự thông tuệ, sắc sảo tăng dần theo thời gian. Đôi khi, tác phẩm ra đời do hoàn cảnh bắt buộc: “Ngâm thơ ta vốn không ham - nhưng vì trong ngục biết làm chi đây” (Nhật ký trong tù).


Bác Hồ trò chuyện với dân làng Lâm Xuyên, tỉnh Bắc Giang năm 1955

Một lần khác, trong thư gửi cụ Bùi Bằng Đoàn, Trưởng ban Thường trực Quốc hội về dự thảo lời điếu cụ Nguyễn Văn Tố (hy sinh 1947), Hồ Chủ tịch viết: “Tôi muốn có một bài truy điệu cụ Tố. Nhưng nhờ người viết thì không biết nhờ ai. Còn viết lấy thì không viết được, vì xưa nay tôi chưa hề tập viết văn tế. Vậy tôi cứ bạo dạn thảo ra đây, trình cụ xem. Nếu có thể sửa được thì xin cụ sửa giùm...”.

Nhiều người Việt Nam và bạn bè quốc tế cứ suy nghĩ mãi về nếp sống giản dị, thanh bạch của Hồ Chủ tịch. Với Người, điều này đã hình thành và không thay đổi cho tới cuối đời, từ khi còn là cậu bé Sinh Cung ở làng Kim Liên xưa trong nếp nhà nho. Những năm theo cha mẹ trọ học ở Huế, bôn ba đủ nghề ở nước ngoài, những năm tháng hoạt động thiếu thốn vật chất, kể cả khi trở thành nguyên thủ quốc gia, có điều kiện, nhưng nếp sống của Người vẫn vậy.
Đó chắc chắn là, gia đình, quê hương, dân tộc, tầm cao văn hóa đã xây đắp lối sống ấy.

Nét đẹp văn hóa ở Người còn thể hiện ở sự ứng xử, giao tiếp. Không xa cách giữa Chủ tịch với đồng bào, đồng sự, kể cả các vị chức trách tôn giáo. Khi nghe tin ông Nguyễn Khánh Toàn (sau này là Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam) bị bệnh, Bác quan tâm viết thư thăm: “Chú ốm đi ốm lại mãi. Mình lo cho sức khỏe của chú. Phải gắng uống thuốc đi cho khỏi. Chớ để ốm mãi như vậy, chú đã yếu mà anh cũng lo. Thân ái và quyết thắng. Ngày 20-8-1947. Anh”.

Với bạn học ở trường Quốc học Huế như cụ Bùi Kỷ, Võ Liêm Sơn, Người mời đến nơi ở trò chuyện, thù tạc thơ văn. Với người lớn tuổi hơn như cụ Huỳnh Thúc Kháng (1876 - 1947) thì càng vị nể kính trọng. Cụ Huỳnh có 13 năm bị Pháp bắt tù ở Côn Đảo. Sau khi ra tù, cụ là Viện trưởng Viện dân biểu Trung kỳ, chủ bút báo Tiếng Dân. Cuối năm 1945 lúc đang ở Huế, cụ nhận được điện của Hồ Chủ tịch mời ra Hà Nội nhận chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Cụ Huỳnh từ chối vì nghĩ mình đã già, nhưng rốt cuộc được Cụ Hồ thuyết phục, cụ đã nhận.

Tháng 4-1947 tại Quảng Ngãi, một số vị thân hào tìm hiểu lý do sao Cụ Hồ “được nhiều người yêu quý thế”. Cụ Huỳnh trả lời: “Các vị tưởng tôi tâng bốc ông Hồ? Không, đời tôi không tâng bốc ai bao giờ”.

Có biết bao nhiêu chuyện thú vị về sự cảm hóa lòng người qua phép ứng xử của Hồ Chủ tịch. Chỉ có văn hóa, chất dung môi hữu hiệu hiện diện trong quá trình đối thoại. Mà điều này, ở Cụ Hồ - nhà chính trị lão luyện, nhà văn hóa am tường Đông Tây kim cổ thì là lẽ tự nhiên.

Sẽ là thiếu sót nếu không nói đến những ứng biến lanh lẹ, hóm hỉnh của Bác Hồ. Cụ Hoàng Đạo Thúy (1900 - 1994) nguyên thủ lĩnh Hướng đạo sinh Bắc kỳ, nguyên Giám đốc trường võ bị Trần Quốc Tuấn (1946) kể cho người viết bài này nghe chuyện được Cụ Hồ giao việc:

“Giữa năm 1948, khi tôi đang ở trong quân đội thì có công văn hỏa tốc của Phủ Chủ tịch do Bác ký, yêu cầu tôi sang công tác ở Ban Thi đua Trung ương. Tôi được Cụ tiếp trong cái lán nhỏ, có cả cụ Tôn Đức Thắng. Cụ Chủ tịch đãi chúng tôi bữa cơm thường với đậu, rau chấm tương. Chắc là có khách nên thêm đĩa dạ dày luộc cùng chai rượu vơi nửa. Cụ xích lại gần bảo tôi: Ông Tổng bí thư Trường Chinh nhận nhiệm vụ này một tháng mà bận chưa bắt đầu làm, nên phải nhờ cụ. Tôi trao cho cụ toàn quyền hành động. Yêu cầu là sau 1 năm phải có phong trào. Khi chia tay, Cụ Hồ cầm cái quạt đưa cho tôi và bảo, cụ cầm cái này để “quạt” cho phong trào lớn mạnh. Năm 1953, trong một lần gặp, Bác gọi: Kìa chú Thúy. Tôi quá ngạc nhiên hỏi, sao 5 năm trước Bác gọi tôi là cụ. Cụ Hồ cười: Để cho oai”.

Cụ Thúy, dân Hà Nội lịch lãm, hóm hỉnh có thừa, càng thú vị trước ngôn từ và ứng biến của Bác.

Hồ Chí Minh là biểu hiện của sự sống, giao hòa với thiên nhiên, với con người và thời đại. Đó là cốt cách của nhà Chính trị và Văn hóa hòa quyện, nhân cách của Người Hiền.


Trần Đình Việt

(Theo congan.com.vn)
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)