Anh vừa đưa tôi tập bản thảo mà Thạch Cầm dày công viết về kỹ thuật ngâm thơ, lồng vào đó là lịch sử thăng trầm của nghệ thuật ngâm thơ trên vùng đất phương Nam. Chúng tôi có duyên may làm việc cùng nhau ở mảng trình diễn thơ trên 20 năm.
Từ năm 1981 tôi phụ trách chương trình Tiếng Thơ của Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM, còn Thạch Cầm là “đệ tử ruột” của danh cầm đàn tranh Bửu Lộc. Được chính cụ Bửu Lộc giới thiệu, tôi đã mời anh “cầm chịch” cho dàn nhạc đệm ngâm thơ.
Tôi từng nhờ Thạch Cầm phụ trách một mục rất lạ lùng trong chương trình Tiếng Thơ là “Hướng dẫn ngâm thơ trên sóng phát thanh”, anh vừa biên soạn giáo án (dạy ngâm thơ, một thể loại giáo án kỳ lạ nhất, lần đầu tiên có mặt ở Việt Nam) vừa trực tiếp trình bày trên sóng với sự minh họa của các giọng ngâm, đọc thơ tài danh lúc đó như Trần Thị Tuyết, Hồng Vân, Mai Hiên, Huyền Trân, Đoàn Yên Linh, Vân Khanh, Kim Lệ, Thúy Vinh...
Sau cả năm ròng rã thực hiện tiết mục lạ đời đó, bất ngờ lớn nhất đối với chúng tôi là sự ủng hộ nồng nhiệt của thính giả khắp nơi thể hiện qua yêu cầu phát lại nhiều lần toàn bộ giáo án dạy ngâm thơ, thậm chí không ít khán giả đề nghị in sang các bài hướng dẫn ra băng cassette (lúc đó chưa có dĩa CD) để họ mua về cho tiện tập luyện.
Thành công bất ngờ của tiết mục “Hướng dẫn ngâm thơ trên sóng phát thanh” đã khiến tôi nghĩ tới việc tổ chức một cuộc thi ngâm và đọc thơ. Được tổ chức vào mùa xuân năm 1995, cuộc thi ngâm và đọc thơ của Đài TNND TPHCM trở thành cuộc tập hợp “vô tiền khoáng hậu” những người yêu ngâm thơ khi có đến gần 1.000 thí sinh cả nước đăng ký dự thi!
Con số “không tưởng” này không phản ánh sự giỏi giang của ban tổ chức mà đúng ra nó đánh lên hồi chuông nhắc nhở chúng ta rằng: ngâm thơ là một thể loại trình diễn thơ trong dân gian, đã trường tồn cùng lịch sử dân tộc và phát triển vừa đa dạng theo bề rộng toàn quốc vừa có tính địa phương hóa.
Cuốn sách Ngâm thơ và nghe ngâm thơ Việt Nam của nhạc sĩ Thạch Cầm gợi lại trong tôi nỗi ưu tư về bộ môn trình diễn thơ. Những nghệ sĩ của bộ môn nghệ thuật rất độc đáo này, nay đang đi về đâu? Vì sao họ, những người chuyển tải thơ thành giai điệu để thơ dễ dàng đến với công chúng, vẫn chưa có hội đoàn nghề nghiệp nào (hội âm nhạc, hội nhà văn...) tập hợp, dung nhận?
Điều cuối cùng tôi muốn nêu lên đây, nghệ thuật ngâm thơ Việt Nam đã có hàng trăm năm, là độc nhất vô nhị trên thế giới và đặc biệt là nó vẫn đang hiện diện dai dẳng và rộng khắp trong đời sống văn hóa của công chúng - vậy thì nên chăng nhà nước đề nghị UNESCO công nhận ngâm thơ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại? Nếu được như vậy thì cuốn sách này có thể là một trong những tư liệu hiếm hoi và quý giá cho bộ hồ sơ gởi đến UNESCO...
Nhà thơ Hồ Thi Ca
(Theo congan.com.vn)