Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ hai, 07/09/2009 10:22
Củng cố dạy chữ, nâng cao dạy người
"Ở đời phải làm người" - Lời dạy ấy của Bác Hồ, vào thời điểm cả nước đang có nhiều hoạt động kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Người, càng nhắc nhở những người thầy về sứ mệnh dạy người. Dạy làm người là một trong hai nhiệm vụ quan trọng nhất của nhà trường - dạy chữ và dạy người. Bấy lâu nay ngành giáo dục vẫn nặng về dạy chữ, nhẹ về dạy người.

Bởi thế, ngày khai trường năm nay giống như một ngày hội khai trí - đã bớt diễn văn, báo cáo, thay vào đó là các trò chơi dân gian, thi đấu thể thao, múa hát tập thể. Mở đầu một năm học mới bằng những nét mới ấy báo hiệu cho một sự thay đổi trong cách nghĩ và cách làm để giáo dục học sinh trở thành những con ngoan trò giỏi...

 

Dạy người mới khó

 

Từ xưa ông cha ta đã dạy "Tiên học lễ, hậu học văn". Giờ đây khẩu hiệu ấy luôn được treo trang trọng trong mỗi mái trường. Tiên học lễ là đi học, trước hết hãy học cách làm người rồi mới học chữ. Học đạo đức trước, học kiến thức sau.

 

Náo nức ngày khai trường.

Tuy nhiên, dạy làm người không phải dễ khi mà mô hình giáo dục truyền thống trong nhà trường chú trọng xây dựng con người công dân với những khuôn phép, nghĩa vụ, trách nhiệm chung chung trong khi thế hệ trẻ ngày càng chịu ảnh hưởng không nhỏ của quan niệm sống đề cao cái tôi, tự do cá nhân và của lối sống tiêu thụ. Cách ứng xử "nói một đằng, làm một nẻo" của không ít người lớn, "độ vênh" giữa lời dạy của thầy cô, của những kiến thức trong sách vở và thực tiễn đời sống khiến thế hệ trẻ mất lòng tin. Để tránh đối mặt với tiêu cực, không ít thầy cô lựa chọn một cách ứng xử "khôn ngoan" là chỉ tập trung vào dạy chữ, còn "người" học sinh ra sao thì coi đó là trách nhiệm của gia đình, đoàn thể, xã hội, dù trò có những biểu hiện vô lễ, vi phạm kỷ cương học đường cũng "nhắm mắt cho qua". Vai trò của tập thể lớp, của đoàn, đội mỗi năm một mờ nhạt vì hoạt động mang tính hình thức, nặng về phong trào, thành tích hơn là giáo dục đạo đức, truyền thống, khát vọng cống hiến, sáng tạo... Theo kết quả của một cuộc điều tra về định hướng giá trị cuộc sống do một cơ quan nghiên cứu khoa học có uy tín thực hiện trong giới học sinh, trong số 20 giá trị được hỏi thì giá trị "lương tâm, trách nhiệm" được xếp cuối cùng sau học vấn, thông minh, sáng tạo, sức khỏe, tự tin... Lễ đã không được dạy nghiêm túc!

 

Giờ đây không chỉ nhà trường, mà cả xã hội, cũng đã nhận thấy rằng, có chữ chưa chắc đã thành người, nhưng có người chắc chắn sẽ có chữ.

 

Dạy làm người: Từ "chống" đến "xây"

 

Ba năm trước, ngành giáo dục đã triển khai cuộc vận động "Hai không": Nói không với tiêu cực và bệnh thành tích. Từ năm học 2007-2008 tiếp tục "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo" và năm học 2008-2009 là "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực". Những cuộc vận động và phong trào lớn đó cho thấy ngành giáo dục đang ngày càng quan tâm hơn đến việc dạy người. Từ "chống" chuyển sang "xây", việc dạy người đã có chuyển biến nhất định và đã có sự thay đổi mạnh trong tư duy, hành động để dạy người hiệu quả hơn.

 

"Hai không" đã tạo nên một môi trường giáo dục lành mạnh hơn. Học sinh vi phạm quy chế trong kỳ thi giảm, tại kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay số bị đình chỉ thi giảm 64% so với năm 2008 và giảm 88,5% so với năm 2007; tương ứng số giám thị vi phạm quy chế giảm 80% và 90,6% so với các năm trước; khắc phục tình trạng học sinh ngồi sai lớp, số học sinh bỏ học giảm hơn 40%; hiện tượng gian lận tập thể như sửa chữ, nâng điểm, ném bài thi, cướp đề thi hầu như không xuất hiện. "Hai không" không chỉ có tác dụng thúc đẩy việc dạy và học thực chất. "Bài học" làm người đầu tiên là sự trung thực đã được học sinh "học" một cách nghiêm túc, dẫu kết quả vẫn còn chưa như mong muốn. Từ kết quả này, ngành đã triển khai tiếp cuộc vận động "Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo". Vai trò mô phạm và sự gương mẫu của giáo viên là tấm gương trong cách hiểu về đạo đức con người của học sinh. Nếu thầy không nêu gương, lời nói không đi đôi với việc làm thì mọi lời dạy dỗ đều trở nên phản giáo dục. Vì thế, quy định đạo đức nhà giáo đã được ban hành và phổ biến tới từng giáo viên. Những vi phạm về đạo đức nhà giáo đã giảm và những tấm gương tận tụy vì học sinh thân yêu lại được ca ngợi, kính trọng như xưa, chứ không bị coi là "hâm" như đã từng xảy ra một thời.

 

Phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" đã tạo những điều kiện, tiền đề cần thiết để xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, hiệu quả và giáo dục toàn diện, nhất là giáo dục đạo đức, nhân cách. Học sinh đã được học về kỹ năng sống như giao tiếp, làm việc nhóm, tự bảo vệ và chăm sóc sức khỏe tinh thần và thể chất, những quy tắc ứng xử trong xã hội, nơi công cộng... để sống tự tin, hòa nhập, biết thông cảm và sẻ chia với cộng đồng. Bản sắc, truyền thống dân tộc được giáo dục không chỉ qua sách vở, mà nhờ những trò chơi dân gian; dân ca được đưa vào trường học; học sinh tham gia giữ gìn, bảo vệ các di tích văn hóa, lịch sử, cách mạng ở địa phương...

 

Năm học này, chủ trương của ngành giáo dục là củng cố "dạy chữ", nâng cao "dạy người". Chủ trương, cách làm, sự đồng thuận xã hội đã có. Dạy người bắt đầu từ mỗi tiết dạy được đổi mới; từ lối sống, làm việc của thầy cô; từ hoạt động thực tế của các tổ chức xã hội; từ những cải cách của nhà trường...

 

Và trước hết nó bắt đầu từ quyết tâm và trách nhiệm đào tạo cho xã hội những công dân mới với kiến thức đủ để sáng tạo, xây dựng non sông; với đạo đức đủ để làm rạng danh, giữ vững Tổ quốc; những thế hệ đủ Đức, Tài nâng đất nước ra ngang tầm với thời đại.

 

Bác dạy "Ở đời phải làm người" là như vậy. Cho cả người dạy lẫn người học. Cho mọi công dân. Và chỉ có vậy công cuộc dạy người mới thành công. Và nước ta mới có thể sánh vai cùng năm châu!

Theo Báo Hà Nội Mới.

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)