Chụp ảnh Bác Hồ: Đẹp ở tầm vóc lãnh tụ
Những cái tên thành danh
Nhiều nhà nhiếp ảnh chụp Bác, trong số đó, người theo sát Bác 17 năm có nhiều hình ảnh quý là cố tác giả Đinh Đăng Định - nguyên Tổng thư ký đầu tiên của Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh VN năm 1964. Từ 1948, ông đã được giao nhiệm vụ chụp ảnh Bác cho đến năm 1964 khi chuyển về công tác tại Liên hiệp Các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam chuẩn bị cho Đại hội lần thứ nhất Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh VN.
Những bức ảnh quý nhất của nghệ sỹ Đinh Đăng Định được ông ghi lại trong những ngày Bác ở chiến khu Việt Bắc và chính bộ ảnh chọn lọc Bác Hồ ở Việt Bắc của ông được Nhà nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh... Ông cũng từng tổ chức triển lãm 100 bức ảnh về Bác nhân 100 năm ngày sinh của Người. Nhắc đến ông, người xem không quên những tác phẩm nổi tiếng như “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”, “Bác Hồ làm việc trong hang Pắc Pó”, “Bác Hồ về thăm quê”… Ý thức chuyên nghiệp, lao động miệt mài, Đinh Đăng Định đã có những bức ảnh vừa mang tính thông tin báo chí, vừa giàu mỹ cảm, toát lên phong thái giản dị mà vĩ đại của Người, hệt như câu thơ của Tố Hữu “Như đỉnh non cao tự giấu mình. Trong rừng xanh lá ghét hư vinh”…

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam - nguyên phóng viên báo Tiền Phong - cũng có nhiều bức ảnh chụp Bác với gần 200 ảnh mà ông còn lưu giữ được. Ông nhớ mãi lần chụp Hồ Chủ tịch - Người công dân số 1 bỏ lá phiếu đầu tiên Quốc hội khóa II ngày 8.5.1960. Trước đó, tấm ảnh đầu tiên ông chụp Bác là ngày 1.1.1955 khi Bác và Chính phủ ra mắt quốc dân đồng bào ngày 1.1.1955, sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp. Ông cũng chụp chân dung Bác vào năm 1969 khi Bác đã mệt nhiều… Mai Nam từng tâm sự, ông luôn có ý thức chụp Bác thật đẹp với nụ cười tươi. Cho nên 80% bức ảnh của ông chụp Bác là thấy Bác cười.
Những phóng viên ảnh, những nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam chụp ảnh Bác, hay được nhắc tên ngoài Đinh Đăng Định còn có Vũ Đăng Năng, Vũ Đình Hồng, Kim Côn…
Nhưng những tác phẩm gây ấn tượng mạnh mẽ, sâu đậm trong lòng người xem không nhiều. Một tác phẩm thuộc diện thành công nhất chính là “Bác Hồ bắt nhịp bài ca kết đoàn” (ảnh) của cố nhà báo Lâm Hồng Long (1926 - 1997), ngót 40 năm làm phóng viên ảnh của Thông tấn xã VN. Bức ảnh chụp đêm 19.9.1960 tại vườn Bách Thảo - nơi nhân dân thủ đô vui mừng tổ chức liên hoan mừng Đại hội III của Đảng.
Bức ảnh có bố cục đẹp, ấn tượng. Bác Hồ ở vị trí người chỉ huy dàn nhạc trong tư thế đẹp như một nghệ sĩ. Hậu cảnh là các nhạc công của Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam cùng các ca sĩ trong dàn hợp xướng gồm hàng trăm thanh niên, sinh viên Hà Nội. Tất cả nhờ tài quan sát tinh tế khi Lâm Hồng Long quyết định chọn góc độ chụp cách sau lưng Bác mấy mét và hình dung khi Bác quay ra, sẽ bắt được khoảnh khắc đẹp của Bác trong buổi biểu diễn.
Tuy nhiên, sau này như Lâm Hồng Long tự nhận: “Tôi chụp bức ảnh này là do quan sát và lựa chọn góc chụp, theo dõi diễn biến của sự kiện một cách kiên trì. Tuy nhiên, vì sử dụng ánh sáng chính diện của đèn flash nên hình tượng nhân vật trong ảnh thiếu chiều sâu, làm hạn chế hiệu quả nghệ thuật - tôi tự nhận xét vậy!”. Tác phẩm này đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật đợt đầu tiên (1996)...
Chưa kể còn nhiều bức ảnh chụp Bác với các cháu thiếu nhi như lời bài hát “Ai yêu các nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh”… cũng đem lại sự xúc động cho nhiều người.
Dễ mà khó
Dễ vì như nhiều người nhận xét, Bác Hồ rất ăn ảnh, trí tuệ và tác phong Hồ Chí Minh đã đi vào huyền thoại của một con người vĩ đại mà giản dị đến cùng cực. Bác lại rất tạo điều kiện cho các nhà nhiếp ảnh tác nghiệp khi có điều kiện. Dễ còn vì tầm vóc Bác đã vô hình chung tôn bức ảnh lên, làm bức ảnh chụp Bác được xem được chú ý nhiều hơn.
Tuy nhiên, chính vì tầm vóc Bác quá lớn nên nhiều nhà nhiếp ảnh chụp Bác với sự ngưỡng vọng, thiếu những góc nhìn táo bạo, đột phá. Một phần cũng vì quan niệm thời đó, nên rất ít bức ảnh Bác trong đời thường như một số hình ảnh mà tác giả Đinh Đăng Định đã chụp được. Cũng thiếu những hình ảnh suy tư của Bác trong những giờ phút phải cân nhắc quyết định giữa chiến tranh và hòa bình, vì vận mệnh dân tộc. Thiếu những cú máy đặc tả một cách mạnh mẽ để làm nổi bật tính cách cá nhân của vị lãnh tụ với những nét riêng không thể trộn lẫn...
Không phải vô cớ, nhiều nhà nhiếp ảnh sau này đều ngỏ ý tiếc nuối đã không thể có những hình ảnh về Bác tuyệt vời hơn cho xứng với tầm vóc của Người.
Việt Văn
(Theo laodong.com.vn)