Đoàn Thanh niên Nhà xuất bản Hà Nội về thăm khu di tích lịch sử K9 nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
Buổi tham quan dã ngoại ý nghĩa này có sự tham dự của đông đảo đoàn viên thanh niên Nhà xuất bản Hà Nội và một số đoàn viên chi đoàn Chi nhánh Nhà xuất bản Hà Nội – Xí nghiệp in và dịch vụ thương mại.
Cứ mỗi dịp Tháng 5 về, lòng chúng ta lại bâng khuâng nhớ về Bác Hồ kính yêu, niềm vui dâng trào, kính yêu Bác vô hạn. Và trong không khí vui tươi, rộn ràng của những ngày tháng năm lịch sử, Đoàn Thanh niên Nhà xuất bản Hà Nội cùng với lớp lớp thanh niên Việt Nam nô nức thi đua chào mừng kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và kỷ niệm 104 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước.
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Nhà xuất bản Hà Nội làm lễ Dâng hương, tưởng nhớ Bác trước khu nhà tưởng niệm Bác Hồ trong Khu di tích.
Khác với mọi năm, năm nay, Chi đoàn Nhà xuất bản Hà Nội tổ chức cho toàn thể đoàn viên thanh niên về thăm lại khu di tích lịch sử K9. Khu Di tích K9 nằm bên bờ sông Đà, thuộc Đá Chông, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội là một trong những địa danh lịch sử, văn hoá mà cuộc đời và sự nghiệp của Người gắn liền với những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc ta trong thế kỷ XX. Đây là di tích đặc biệt gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh kể từ khi Người còn sống đến khi Người đã qua đời.
Tại đây, đoàn làm lễ Dâng hương, tưởng nhớ Bác trước khu nhà tưởng niệm Bác Hồ trong Khu di tích và nghe kể về những câu chuyện cảm động cùng những khó khăn, gian khổ mà rất đỗi tự hào của quân và dân ta trong việc bảo quản, gìn giữ thi hài Bác – vị Cha già của dân tộc cho muôn đời.

Đến thăm quan khu dich tích, đoàn thanh niên Nhà xuất bản đã có thêm nhiều kiến thức, được tận mắt thăm quan nơi ở và làm việc của Bác và các cán bộ trung ương trong những năm 60 của thế kỷ XX. Khu Di tích K9 (Khu Di tích Đá Chông, trước đây gọi là K84) nằm trong hệ thống đồi gò có diện tích 234 ha, giáp địa giới hành chính với ba xã Minh Quang, Ba Trại, Thuần Mỹ thuộc huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội và xã Đồng Luận, huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ. Xưa kia, đây là khu đồi thông yên tĩnh, xen kẽ với các loài cây gỗ lớn, tán lá rộng tạo thành khu rừng nguyên sinh đầy sức quyến rũ. Trên đồi có những tảng đá to đứng lô nhô, sắc nhọn như những mũi chông, ngọn mác nên gọi là Đá Chông. Truyền thuyết kể lại rằng đây là bãi chông chà, dấu tích của những trận chiến dữ dội giữa Sơn Tinh và Thuỷ Tinh thời tiền sử. Theo trí tưởng tượng dân gian, khu vực này mang dáng dấp một con rồng, đầu đang cúi xuống uống nước sông Đà, U Rồng là đỉnh cao nhất của khu đồi. Địa danh này có đặc điểm rất kỳ lạ là sông Đà chảy qua Lai Châu về Hoà Bình, chảy xuôi qua đằng Khê Thượng, đến đây đột ngột chuyển dòng ngược về hướng Bắc, tạo thành một khúc gầy, đến ngã ba Bạch Hạc (Việt Trì) gặp sông Hồng, sông Thao để rồi cùng chầu về Đền Hùng, đất Tổ.

Chính tại nơi sơn thủy hữu tình này, năm 1956, trong một lần tham quan cuộc diễn tập của Sư đoàn 316 bên sông Đà, Bác Hồ đã dừng chân ngồi nghỉ ăn cơm trưa trên đỉnh đồi thông nơi đây. Thấy khí hậu mát mẻ, phong cảnh đẹp, non nước hữu tình, địa thế lại hiểm trở, có thể sang Phú Thọ, ngược lên Việt Bắc, có thể xuôi theo dòng sông Đà xuống Đồng bằng Bắc Bộ… Người đã chọn vị trí này làm khu căn cứ của Trung ương phòng khi chiến tranh ác liệt có thể mở rộng ra miền Bắc.
Sau chuyến đi ấy của Bác, Tổng cục Hậu cần đã cho xây một số ngôi nhà cấp 4 và năm 1960, tiếp tục dựng một ngôi nhà sàn làm nơi hội họp, nghỉ ngơi của Bác và Bộ Chính trị khi cần thiết. Điều đáng nói là việc xây ngôi nhà và đào hầm phòng tránh máy bay, đều được Người cắm cọc, chọn hướng. Bác còn yêu cầu khi làm ngưỡng cửa nhà sàn, phải bảo đảm khi đông người có thể trở thành ghế ngồi. Tại khu nhà này, Bác đã từng tiếp bà Đặng Dĩnh Siêu, Phó chủ tịch nước CHND Trung Hoa và Anh hùng vũ trụ Liên Xô Ghéc-man Ti-tốp. Cùng với dựng ngôi nhà sàn, bộ đội công binh còn xây dựng một số công sự kiên cố đặt mật danh là K9. Từ đó, nhắc tới Đá Chông là người ta nghĩ tới K9 và K9 - Đá Chông đã trở thành mảnh đất thiêng liêng gắn liền với cuộc đời của Bác.

Khi Hồ chủ tịch qua đời (2/9/1969), Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định chọn Khu căn cứ Đá Chông (K9) để xây dựng thêm công trình "Ngôi nhà kính", "Hầm ngầm" phục vụ nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác do nơi đây bảo đảm được các yếu tố: yên tĩnh, bí mật, thuận tiện giao thông. Nhà kính được các chuyên gia y tế Liên Xô sử dụng trong 6 năm chiến tranh (1969 - 1975) để thực hiện nhiệm vụ giúp đỡ Việt Nam giữ gìn lâu dài thi thể Hồ Chủ tịch. Sau ngày Bác mất, đề phòng chiến tranh có thể xảy ra ác liệt trên phạm vi cả nước, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã quyết định đưa thi hài Bác về Khu K9 để gìn giữ.
Từ ngày 24/12/1969, thi hài Hồ chủ tịch được chuyển từ Hà Nội lên K9. Khu căn cứ Đá Chông bước vào giai đoạn thực hiện nhiệm vụ đặc biệt "Giữ yên giấc ngủ của Người". Trong thời gian giữ gìn thi hài Bác ở đây, nhiều lần các đồng chí trong Bộ Chính trị và Trung ương Cục miền Nam ra công tác đều lên thăm viếng Người.
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Nhà xuất bản Hà Nội chụp ảnh lưu niệm tại khu di tích lịch sử K9.
Ngày 18/7/1975, thi hài Hồ chủ tịch được di chuyển về công trình Lăng của Người tại Ba Đình lịch sử.
Nơi đây vừa yên tĩnh lại bí mật và xa Hà Nội. Là vùng đất thiêng liêng - nơi đã từng gìn giữ thi hài Bác trong những năm chiến tranh khốc liệt, nên nơi đây đón rất nhiều đoàn khách trong và ngoài nước tới thăm viếng. Và hôm nay đúng kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh - Nhà xuất bản Hà Nội có dịp về thăm để tưởng nhớ về Người.
Đây là một chuyến đi rất ý nghĩa với Chi đoàn Nhà xuất bản Hà Nội, đoàn viên thanh niên có dịp ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, và càng tự hào biết bao nhiêu về cốt cách một Danh nhân vĩ đại – Hồ Chí Minh. Điều đó như là một nguồn động lực cho mỗi đoàn viên thanh niên Nhà xuất bản Hà Nội với một tinh thần cách mạng mới của sức trẻ, nhiệt huyết, phấn đấu lao động, sản xuất và rèn luyện phẩm chất đạo đức của một đoàn viên, thanh niên để tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành công trên con đường xây dựng Nhà xuất bản Hà Nội – Nhà xuất bản duy nhất của Thủ đô vững mạnh, phát triển bền vững.
Bảo Anh
Nhà xuất bản Hà Nội