Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ năm, 21/05/2015 06:19
“Biên niên sử phong trào thơ mới Hà Nội (1932-1945)”: Cuốn tư liệu giá trị về một giai đoạn bước ngoặt trong tiến trình hiện đại hoá văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX

Bản thảo “Biên niên sử phong trào thơ mới Hà Nội (1932-1945)” do PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn chủ biên - một đề tài thuộc mảng sách Văn học - Nghệ thuật trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II đã được Hội đồng nghiệm thu do PGS.TS. Phạm Quang Long - Chủ tịch Hội đồng thông qua vào chiều ngày 20/5/2015.

 
Phong trào Thơ Mới và các tác giả, tác phẩm của nó đã trở thành đối tượng nghiên cứu của khá nhiều chuyên luận, công trình, bài viết. Do đó, việc phục dựng diện mạo của phong trào Thơ Mới qua các tư liệu được sắp xếp theo trình tự thời gian là một đề tài có ý nghĩa khoa học, cần thiết và có tính thực tiễn cao. Bản thảo “Biên niên sử phong trào thơ mới Hà Nội (1932-1945)” nhằm sưu tập, thống kê các nguồn tài liệu liên quan đến phong trào Thơ Mới, ghi nhận một thời đại thi ca gắn với quá trình hiện đại hoá nền văn học dân tộc, kết quả của cuộc tiếp xúc văn hoá Đông - Tây.  Có thể nói, đây là công trình tập hợp được đầy đủ nhất khối lượng tư liệu phong phú về các sự kiện, hiện tượng, các bài báo, hoạt động, nhận xét, đánh giá, trao đổi… của đời sống văn học trong suốt thời gian hơn 14 năm tồn tại của Thơ Mới. Phong trào Thơ Mới 1932-1945 không chỉ có ý nghĩa là một cuộc cách mạng trong lĩnh vực thơ ca, mà còn đóng góp quan trọng vào tiến trình hiện đại hoá văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Qua bản thảo này, không chỉ khôi phục nguyên dạng tư liệu, trích dẫn, chú giải nguồn gốc tư liệu đầy đủ, chính xác mà còn chỉ dẫn những chỗ nhầm lẫn, khó hiểu, những chỗ thiếu để người đọc thuận lợi hơn khi tra cứu.
 
Trong hoàn cảnh tư liệu bị mai một, mất mát, thất lạc… qua chiến tranh và sự huỷ hoại của thời gian, cũng như của chính con người, đồng thời với quá trình thay đổi nhận thức của một thời kỳ dài chịu tác động của sự sàng lọc các giá trị văn học qua lăng kính khắt khe của ý thức hệ, thì với bản thảo này, ngoài những tư liệu liên quan, người đọc còn có dịp tiếp cận với nhiều vấn đề thú vị về không khí văn học của thời đại, sự vận động của đời sống văn học, các nhóm, xu hướng văn học, môi trường văn hoá lúc bấy giờ có ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành và phát triển của Thơ Mới. Theo  nhận xét của nhà thơ Bằng Việt, nó giống như một cuốn phim quay chậm, cho phép chúng ta nhìn lại mọi thể nghiệm, thành tựu cũng như thất bại của quá khứ đúng như nó có, và giá trị khoa học cũng như giá trị lịch sử của nó là không có gì phải nghi ngờ. Với hơn 1100 trang tư liệu, đây là một bức tranh tổng thể giúp người đọc hình dung được con đường hình thành nên một nhà thơ ở những đại biểu ưu tú nhất và cũng hiểu đầy đủ hơn những người không nổi tiếng khác, những nhân vật phụ chẳng hạn để hiểu thêm về một giai đoạn phát triển rực rỡ của thi ca Việt.
 
Ở bản thảo này, nhiều vấn đề của quá trình hiện đại hoá văn học những năm 30 của thế kỷ XX được soi sáng thêm, những hoạt động của báo chí trong vai trò bà đỡ cho văn học cũng được làm rõ thêm qua những tư liệu, trích dẫn. Hơn nữa, những bài viết mang tính giới thiệu, bình giải, cổ suý, điểm thơ… của Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Thế Lữ và nhiều người khác, cùng những tranh luận, trao đổi của nhiều người thuộc các xu hướng khác nhau có ý nghĩa quan trọng giúp cho chúng ta hiểu đầy đủ và chính xác hơn sự vận động của một kiểu quan niệm văn học, một cuộc đột biến về tư duy văn học.
 
Theo ý kiến nhận xét của PGS.TS. Lưu Khánh Thơ, đây là loại sách được dùng như công cụ tra cứu tư liệu, cần thiết cho những người nghiên cứu phê bình, giảng dạy và học tập về Thơ Mới nói riêng và văn học Việt Nam hiện đại nói chung. Nội dung của tập sách rất cần thiết cho việc biên soạn lịch sử văn học Việt Nam say này. Ngoài ra, PGS.TS. Lưu Khánh Thơ đánh giá cao sự cần thiết, giá trị khoa học và công phu, tâm huyết của tác giả, trọng tâm của đề tài “Biên niên sử phong trào thơ mới Hà Nội (1932-1945)” dựa trên niên biểu sự kiện theo thời gian tuyến tính, đã được sưu tầm, lựa chọn công phu. Nhìn chung đã bao quát được một cách hệ thống những vấn đề, hiện tượng, tác giả, tác phẩm tiêu biểu của phong trào Thơ Mới 1932-1945.
 
Hội đồng đánh giá cao giá trị và sự công phu, đồ sộ của công trình. Nhưng để bản thảo được đạt chất lượng cao, chủ biên và nhóm biên soạn tiếp thu ý kiến của Hội đồng về sắp xếp lại bố cục cho khoa học, logic hơn. Bên cạnh đó, Hội đồng đề nghị chủ biên cần xây dựng “form” thống nhất để đưa các thông tin liên quan đến tư liệu được trích, các tài liệu chỉ có tên mà không trích, lời dẫn và lời nguyên văn, các bài thơ chỉ có nhan đề mà không trích dẫn, thể loại báo chí và công trình chuyên khảo… Ngoài ra, cần có một bảng tra cứu ghi tên tác giả và tác phẩm ở cuối sách để tiện việc tra cứu.
 
Hội đồng nghiệm thu đã thống nhất thông qua bản thảo “Biên niên sử phong trào thơ mới Hà Nội (1932-1945)”, chủ biên PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn cùng cộng sự tiếp thu ý kiến của Hội đồng về bố cục, kỹ thuật, trích dẫn… để hoàn thiện bản thảo có chất lượng.
 
Đây là một bản thảo tốt, là một công trình vừa có ý nghĩa tư liệu cho việc nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam vừa có ý nghĩa tôn vinh các sự kiện văn hoá tiêu biểu của Hà Nội trong thế kỷ XX. Bản thảo sau khi được hoàn thiện, biên tập xuất bản sẽ là một cuốn tư liệu văn học có giá trị phục vụ tìm hiểu, nghiên cứu, giảng dạy văn học Việt Nam hiện đại và góp phần bảo tồn những giá trị của nền văn học dân tộc. Cuốn sách sẽ sớm được ra mắt bạn đọc trong thơi gian tới.
 
Minh Quang
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)