4 điểm vui chơi náo nhiệt dành cho thiếu nhi trong dịp 1/6 tại Hà Nội
Té nước mừng Tết cổ truyền Songkran Thái Lan. (Ảnh minh họa: AFP/TTXVN)
1. Trải nghiệm lễ hội té nước Thái Lan tại Công viên Hồ Tây
Lễ hội té nước của Thái Lan sẽ được tái hiện tại Công viên Hồ Tây (614 Lạc Long Quân, Hà Nội) với đầy đủ cả phần lễ và phần hội. Công chúng nhí sẽ tham gia vào các trò chơi tập thể, hòa mình vào các điệu dân vũ sôi động.
Trong chuỗi sự kiện dành cho thiếu nhi dịp 1/6, các thành viên Câu lạc bộ Muay Hà Nội sẽ giới thiệu tới công chúng môn võ thuật truyền thống này của Thái Lan.
Bên cạnh đó, chương trình tạp kỹ với nhiều tiết mục đặc sắc (như nhảy hoạt hình, xiếc khỉ, “Alibaba và bốn mươi tên cướp”…) sẽ được tổ chức trong dịp này.
Chương trình kéo dài liên tục trong thời gian từ ngày 30/5-1/6.
2. "Tết thiếu nhi" tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam
Với mục đích quảng bá văn hóa các dân tộc và tạo sân chơi bổ ích cho du khách nhí, Tết thiếu nhi 2015 sẽ được tổ chức tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) trong bốn ngày (từ 29/5-1/6) với nhiều hoạt động phong phú:
Triển lãm diều Việt Nam và quốc tế: Tại đây, ban tổ chức sẽ trưng bày 50 cánh diều truyền thống của Việt Nam và quốc tế. Các nghệ nhân sẽ hướng dẫn các em thiếu nhi những thao tác kỹ thuật làm diều truyền thống để tham dự kỳ thi “Cánh diều ước mơ.”
Học sinh học cách làm diều. (Ảnh minh họa: TTXVN)
125 bức tranh với chủ đề “Thiếu nhi với tình yêu Tổ quốc” sẽ được trưng bày trong triển lãm cùng tên. Không chỉ có vậy, tại đây, các em nhỏ có thể trực tiếp tham gia vẽ tranh với sự hướng dẫn của các họa sỹ.
Không gian giới thiệu trò chơi truyền thống của các dân tộc Việt Nam: Du khách sẽ được tìm hiểu và hòa mình vào nhiều trò chơi dân gian truyền thống như đánh đu, đi cầu kiều, đi cà kheo, đập niêu, nhảy bao bố…
3. Triển lãm-hội chợ “Thế giới tuổi thơ”
Chương trình kéo dài từ nay cho đến ngày 1/6 tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (số 2 Hoa Lư, Hà Nội).
Điểm nhấn của chương trình là triển lãm tranh thiếu nhi toàn quốc (trưng bày hơn 400 bức tranh của các em nhỏ trên khắp mọi miền đất nước). Trước đó, ban tổ chức đã nhận được khoảng 34.250 bức tranh của các em nhỏ từ 574 trường học, nhà văn hóa thiếu nhi trên toàn quốc gửi về.
Bên cạnh đó, chương trình còn có nhiều hoạt động khác như: hội chợ thiết bị học đường và các đồ dùng dạy học, khu vui chơi và chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật (biểu diễn xiếc, hài kịch dành cho thiếu nhi…).
4. “Cùng chơi trò chơi dân gian các nước”
Khoảng 20 trò chơi dân gian của Việt Nam và các nước trên thế giới sẽ được tổ chức trong chương trình “Cùng chơi trò chơi dân gian các nước” (diễn ra trong hai ngày 30, 31/5 tại Bảo tàng Dân tộc học - đường Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Đó là các trò chơi: nhảy bao bố (Thái Lan, Việt Nam), đi goòng (Thái Lan, Hàn Quốc), đi gáo dừa (Lào, Indonesia, Thái Lan), tranh đuôi khỉ (Nepal), Yutnori (Hàn Quốc), đi trên dây (Uzbekistan)…
Đặc biệt, với cùng một trò chơi, các em nhỏ có thể khám phá nhiều cách chơi khác nhau để cảm nhận sự tương đồng và khác biệt giữa văn hóa các nước. Ví dụ, trò kéo co có kiểu kéo hai góc của Việt Nam, kiểu kéo ba góc, bốn góc của Thái Lan...
Nghệ nhân hướng dẫn thiếu nhi múa rối cạn. (Ảnh: BTC)
Bên cạnh đó, du khách sẽ có cơ hội thưởng thức các tiết mục múa rối vui nhộn và tham gia nhiều hoạt động thú vị khác như: trình diễn trang phục truyền thống các nước, trực tiếp làm đồ chơi dân gian (nặn tò he, tô vẽ chuồn chuồn tre…), tập làm người dẫn chương trình….
An Ngọc (Vietnam+)
(Theo vietnamplus.vn)