Trong cuốn tiểu thuyết sử thi Sài Gòn dày 750 trang xuất bản ở Mỹ năm 1982 do nhà văn, nhà báo tên tuổi Anthonny Grey viết, có đoạn ở trang 598 nói về viên trung úy phi công Mỹ bị bắn rơi tại Hà Nội nhắn ông nội anh ta qua Đài Tiếng nói Việt Nam nhân lễ Noel năm 1967 và Tết năm 1968. Bản nhắn tin phát đi từ thủ đô La Habana.
Đoạn hư cấu này của cuốn tiểu thuyết dựa trên một chi tiết có thực: lúc đó, ông nội viên trung úy là Thượng nghị sĩ John McCain – bố anh ta là Đô đốc Hạm đội 7, và viên trung úy đó chính là John McCain. Sau khi nghe được giọng cháu nội mình từ nhà giam khách sạn Hilton – Hà Nội, lại phát đi từ La Habana, ngài Thượng nghị sĩ đầy quyền lực đã viết thư cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Phạm Văn Đồng xin đặc ân trả tự do cho cháu ông.
Do đâu mà Đài Tiếng nói Việt Nam đã vươn dài được làn sóng sang Mỹ? Đầu năm 1967, Fidel Castro thu xếp để tiến sĩ Đoocticôt Ooctêga, Chủ tịch Cuba (nay đã mất) sang thăm Việt Nam và Bác Hồ. Qua câu chuyện Bác kể rằng phi công Mỹ nay sợ bay sang bắn phá Bắc Việt Nam vì được nghe Đài Tiếng nói Việt Nam và biết được sự đánh giá cao của Bác về phong trào phản đối chiến tranh ở Mỹ, (mà Người ví như một mặt trận thứ hai ngay trong lòng nước Mỹ), Chủ tịch Đoocticôt đã sớm hình thành trong đầu mình ý nghĩ: nhường làn sóng đối ngoại của Cuba cho Việt Nam sử dụng, nhằm vận động nhân dân tiến bộ Mỹ ngăn chặn cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Cán bộ kỹ thuật của Đài Tiếng nói Việt Nam một thuở - Ảnh tư liệu
Mùa hè năm 1967, Bộ Ngọai giao ta cùng Ban Tuyên huấn Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương phê chuẩn kế hoạch nhờ làn sóng phát thanh của Cuba để đưa những thông tin đúng đắn về cuộc chiến tranh Việt Nam cho nhân dân Mỹ.
Tháng 5/1967, sau chuyến đi thăm chính thức Liên Xô, đồng chí Trần Lâm cùng các đồng chí Lê Tiến, Nguyễn Duy Phức sang ngay Cuba khảo sát tại chỗ và bàn bạc việc này với một số lãnh đạo có thẩm quyền của bạn. Mọi vấn đề về nguyên tắc được giải quyết. Khi trở về, công việc được triển khai ráo riết: chuẩn bị tài liệu, tìm đầu mối thông tin liên lạc, băng ghi âm….
Về mối quan hệ với bạn, có một điểm khó khăn cho ta là cơ cấu tổ chức của bạn khác hẳn ta: ngành phát thanh và truyền hình ở chung một Viện (ngang Bộ), nhưng Đài Quốc tế nơi ta quan hệ lại là tờ báo nói độc lập, trực thuộc Chính phủ và Ban Đối ngoại Đảng của bạn. Nơi ký kết văn bản Nhà nước lại là Viện Phát thanh Truyền hình Cuba.
Cuối cùng, trên tinh thần “Vì Việt Nam, chúng ta sẵn sàng hiến cả giọt máu của mình”, phía Cuba đã dàn xếp xong các trục trặc nhỏ. Cuối năm 1967, hình thành tổ chức phóng viên thường trú đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam gồm 4 biên tập, biên dịch người Việt Nam, 4 biên tập, biên dịch quôc tế (1 quốc tịch Mỹ, 1 Canada, 1 người Mỹ gốc Cuba và 1 người Cuba), sau có bổ sung thêm vợ chồng nhà báo Mỹ tiến bộ lưu vong là anh chị Jiôn làm hiệu đính về văn phòng Mỹ và đọc trước máy một số tiết mục. Thiết bị kỹ thuật sóng ngắn được truyền qua Bộ Giao thông bưu điện, hệ thống biên tập dựa vào Ban biên tập chung của Đài quốc tế “Radio La Habana”. Nguồn chất liệu để dựng bản tin là qua Thông tấn xã Việt Nam bằng tiếng Anh, ngoài ra khai thác thêm ở báo Mỹ và Cuba.
Tổ thường trú cũng nhờ bưu điện bạn xây cho một ăngten cao để hàng ngày ghi âm lại bản tin thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam ở sóng ngắn 31m - tần số 7680 kHz vào 6 giờ chiều Hà Nội (và cũng chỉ bắt được vào giờ này). Do chênh nhau 12 tiếng đồng hồ, sáng sớm ở La Habana (bật máy từ 5 rưỡi sáng và tín hiệu đến vào 6 giờ) nghe được lõm bõm bản tin chiều, bản tin quân đội và bản tin vào Nam.
Về tổ chức bộ máy, Trưởng phòng biên tập thời sự Đài Tiếng nói Việt Nam ở Hà Nội được cử làm tổ trưởng tổ phóng viên thường trú La Habana, còn Ủy viên Hội đồng Ngoại giao của Đại sứ quán ta tại La Habana lần lượt được bổ sung các đồng chí Ngô Sĩ Khánh, Nguyễn Duy Phức, Đỗ Đăng Doanh, Nguyễn Trí Dũng, Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Văn Nhân, Nguyễn Văn Phương, Lê Văn Toán làm tổ trưởng và biên tập viên luân lưu ở tổ thường trú.
Đồng chí Nguyễn Xuân Ngạnh nay là Đại sứ nước ta tại Mexico, đầu năm 1968, trong 3 tháng đầu cũng là biên dịch cho tổ phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam tại đây. Đài quốc tế La Habana dành cho hoạt động của tổ thường trú mọi sự tài trợ tiền thuê trụ sở, trợ cấp sinh hoạt, 1 xe hơi và đặt văn phòng Đài Tiếng nói Việt Nam tại tầng 8 cao ốc Fôchxa cao 28 tầng giữa trung tâm thủ đô.
Như vậy công việc chuẩn bị chỉ có 60 ngày để chương trình phát thanh kịp ra mắt vào những ngày đầu tiên của năm 1968. Lúc đó, để quảng cáo cho thính giả ở Mỹ và Canađa đón nghe, các báo và Đài Phát thanh Truyền hình Cuba đã cổ động rầm rộ, do vậy tin tức này được hai tờ báo Mỹ New York Time và Washington Post đăng tải lại.
Có một điều phiền toái là trước đó ít ngày, có mấy vụ nổ qua bưu điện (thư, đĩa hát) gửi từ Mỹ sang Cuba, cho nên ngay lập tức cơ quan an ninh bạn đến gặp tổ thường trú, yêu cầu nhất thiết các bưu phẩm đều phải được kiểm chứng an ninh trước ở trung tâm bưu điện quốc tế.
Ngày 2/1/1968, chương trình bản tin của Đài Tiếng nói Việt Nam bằng tiếng Anh phát sang Mỹ và Canađa bắt đầu. Chúng tôi đã sống những ngày đêm thao thức đón chờ “đứa con” nói tiếng Anh đó, cũng vất vả và hồi hộp như mong đợi một sự kiện trọng đại của chính gia đình riêng của mình.
Mỗi ngày chương trình được phát đi phát lại 5 lần, với thời lượng là 20 phút. Một tháng sau khi chào đời, văn phòng Đài Tiếng nói Việt Nam hướng sang Mỹ và Bắc Âu đã nhận được trên 1.000 thư, điện hoan nghênh từ nhiều bang của Hoa Kỳ, Canada, Thụy Điển, Đan Mạch… Lúc đó, bạn phải “ghen” với ta, vì hàng tháng-kể cả văn phòng liên lạc tại La Habana- nơi đặt Nhà thông tin văn hóa Việt Nam của Bộ Ngoại giao ta, số thư thính giả gửi đến lên tới vài ngàn, cao điểm là 3.000 thư, mà theo cách tính của Mỹ thì cứ 100.000 người nghe thì chỉ có 1 người chịu viết thư hay gửi điện hỏi han, tìm hiểu tình hình Việt Nam.
Nội dung bản tin gồm có: tóm tắt chiến sự-bình luận ngắn, đọc danh sách lính Mỹ tử trận (lấy qua báo Sao và Vạch Thái Bình Dương), mục phi công Mỹ bị bắt nhắn tin (tuần 2 lần), và câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Giữa năm 1968, do công việc tiến triển tốt và theo yêu cầu của bạn, tổ phóng viên thường trú được Hà Nội cho phép phát trên sóng ngắn đối ngoại và sóng trung, sóng FM trong nội địa Cuba một bản tin mới của Đài Tiếng nói Việt Nam bằng tiếng Tây Ban Nha, nội dung biên tập có khác đi cho hợp với đối tượng Mỹ La tinh.
Có một kỷ niệm khó quên với tổ thường trú vào dịp lễ tang Bác Hồ tháng 9/1969. Khi đó, do ngưỡng mộ Bác, nhiều người nước ngoài đang có mặt tại La Habana và nhiều trí thức, nghệ sĩ đã tìm tới văn phòng Đài Tiếng nói Việt Nam và nơi đây đã trở thành một tụ điểm phân phát, công bố những tài liệu và chân dung của Bác Hồ.
Lúc đó, hai danh ca lớn người Mỹ là ông Piter Singer và bà Barava Dane đã tới gặp Đài Tiếng nói Việt Nam, phát biểu và ghi âm tại đây. Sau này tổ phóng viên La Habana còn được giao thêm nhiệm vụ nữa là vận động và đào tạo 18 người đầu tiên cho ngành truyền hình Việt Nam, góp tiết kiệm gửi về nước 2 máy thu hình làm Mônito, 1 máy ảnh nhà nghề để sửa làm ống kính Telêxin cho giai đoạn thí nghiệm chuẩn bị ra mắt Đài truyền hình đêm 7/9/1970.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tổ La Habana chấm dứt hoạt động và năm 1976, đồng chí Hoàng Tùng đã sang Cuba, thay mặt Đảng và Nhà nước ta trao tặng Huân chương Lao động cho tập thể những bạn quốc tế Radio La Habana vì tình nghĩa quốc tế cao cả, nhường làn sóng gần 3.000 ngày đêm (một tiền lệ chưa từng bao giờ có trong lịch sử một đất nước nào có chủ quyền) cho nhân dân Việt Nam, người bạn đáng tin cậy nhất của mình.
Lê Tiến/VOV
(Theo vov.vn)