Trong nếp sống tinh thần của người Việt Nam từ xa xưa, Đình làng là một nơi gắn kết con người với nhau, là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa của một cộng đồng từ thời cha ông cho tới con cháu về sau. Hình ảnh Đình làng tôn nghiêm với cây đa, giếng nước, với mái ngói nghiêng nghiêng huyền thoại chính là nét đẹp văn hóa rất riêng của người dân Việt.
Nhắc tới Hà Nội xưa, người ta sẽ nghĩ tới 36 phố phường với mỗi phường hội có truyền thống nghề riêng. Kẻ Chợ khi xưa được hình thành nên như vậy là nhờ những người dân từ khắp làng quê lên đây buôn bán sản xuất. Họ lên kinh thành không chỉ mang theo cái nghề mà còn mang theo cả hồn cốt làng quê, những mái Đình làng cổ kính, nơi thờ ông tổ nghề, nơi gắn kết những người xa xứ lại. Từ đó, nhiều Đình làng được hình thành tạo nên những ngôi nhà chung khắp các khu phố cổ.
Các ngôi Đình được ghi lại hình ảnh đều nằm trong khu vực phố cổ của quận Hoàn Kiếm nơi tập trung rất nhiều những ngôi đình được lập ra thờ tổ nghề. Theo thống kế của họa sỹ Nguyễn Thế Sơn, 36 phố phường xưa có tới gần 70 ngôi Đình được lập ra để thờ tổ nghề. Nhưng qua năm tháng đổi thay và phát triển của phố thị khiến cho các ngôi Đình cổ không còn là chính chúng nữa. Hiện trạng mặt tiền của các ngôi Đình làng phố cổ, qua nhiều thăng trầm lịch sử và thái độ đối xử của con người đã có nhiều thay đổi.
Những ngôi Đình xưa tại Kinh Thành, theo tìm hiểu đều từng tồn tại hàng chục ao hồ lớn nhỏ và theo lời kể lại thì các Đình, Chùa được xây dựng quay mặt về ao hồ soi bóng xuống mặt nước. Giờ đây ao hầu như đã bị lấp, chỉ còn lại nào là hàng quán, biển hiệu nhốn nháo, chen chúc, ngổn ngang. Có nơi đã “thay áo mới” hoàn toàn, có nơi vẫn còn thấp thoáng lại chút bóng dáng khi xưa những cũng bị “tận dụng” triệt để.








Theo lời tự sự của họa sỹ Nguyễn Thế Sơn, ông đã rút ra được rất nhiều suy ngẫm về con người, về những thăng trầm lịch sử đã ảnh hưởng thế nào tới những ngôi Đình cổ xưa này. Qúa trình đi tìm lại những ngôi nhà chung cũng là một cơ hội để ông hiểu được phần nào lớp nghĩa và giá trị của nó trong đô thị cổ của người Việt xưa. Triển lãm ảnh này cũng là dịp để nhiều người suy ngẫm về những giá trị đẹp xưa kia đang bị mất đi như thế nào và ý thức về sự bảo tồn những văn hóa vật thể của dân gian. Dù có những giá trị văn hóa không thể lấy lại nhưng nếu cố gắng sẽ có thể cải tạo và gìn giữ được những gì còn sót lại nơi Đình, Chùa Kẻ Chợ khi xưa.
Hải Yến
(Theo songmoi.vn)