Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ năm, 04/06/2015 03:27
Thông điệp của quá khứ

Khởi nguồn cho trào lưu “ôn cố tri tân” có thể kể đến triển lãm "Cuộc sống ở Hà Nội thời bao cấp (1975-1986)” tại Bảo tàng Dân tộc học do PGS.TS Nguyễn Văn Huy thực hiện. Thời bao cấp tưởng chừng bị lãng quên trong guồng phát triển chóng mặt của Hà Nội, nhưng thời gian gần đây xuất hiện nhiều quán cà phê, tiệm ăn, cửa hàng bán đồ gia dụng… mang đậm dáng dấp của thời kỳ này, như một hoài niệm đẹp.

 
Từ ký ức mãi xanh
 
Đến nay triển lãm "Cuộc sống ở Hà Nội thời Bao cấp (1975-1986)” của PGS.TS Nguyễn Văn Huy có thể coi là mốc son lớn đối với ngành bảo tàng bởi đã thu hút được hàng vạn lượt khách đến tham quan trong dịp trưng bày chuyên đề. Nhiều người cho biết đến tham quan điểm xưa cũ để nhớ về một thời đã qua, hay đơn giản là chỉ muốn trở về quá khứ trong một khoảnh khắc nào đó ở một thế giới khác.
 
Trong lời tựa của một cuốn sách, nhà văn Bảo Ninh chia sẻ: “Thời bao cấp, ba chữ đó đè ám trong ký ức chỉ sau chiến tranh, tới mức đến tận bây giờ, thỉnh thoảng tôi còn chợt thấy mình đang ba lô lộn ngược xuôi tàu Bắc - Nam đắp đổi sống qua ngày giữa cái nền văn minh “ba yêu rửa mặt bằng khăn” mà kinh hoàng vã mồ hôi hột. Choàng tỉnh rồi mừng húm vì chao ôi đây chỉ là một cơn bóng đè.
 
Tuy nhiên, sau mấy mươi năm mà vẫn nằm mộng ngoái cổ nhìn về như vậy có nghĩa là ngoài sự khiếp hãi trong sâu thẳm cõi lòng còn có cả nỗi nhớ nhung nữa, thậm chí buồn nhớ, thương nhớ những năm tháng cơ cực đó”. Và có lẽ đó chính là điều cốt yếu làm thổi bùng lên trào lưu hoài cổ trong xã hội bây giờ.
 
Quán ăn Cửa hàng ăn uống mâu dịch số 37.
 
Đã kéo dài tới 3 năm song những khoảnh khắc quý giá của chương trình “Ký ức Việt Nam” cho tới tận thời điểm này vẫn được người xem đón nhận trong sự trìu mến. Bằng việc kết hợp giữa những hình ảnh tư liệu màu đặc biệt được khai thác từ hơn 1.500 phóng sự truyền hình do các nhà làm phim Nhật Bản thuộc hãng Nihon Denpa News (NDN) cung cấp và ký ức của các nhân chứng, “Ký ức Việt Nam” đã đưa khán giả trở lại một giai đoạn lịch sử đặc biệt của đất nước, giai đoạn 1964- 1981. Xúc động biết bao khi thấy lại miền Bắc Việt Nam cách đây nhiều thập niên, đã từng nghèo đói, vất vả vì dốc sức chi viện cho tiền tuyến lớn phía Nam.
 
“Chắc hẳn nhiều người đã rưng rưng nghẹn ngào khi gặp lại những gương mặt, những cuộc đời mà sự hiện diện của họ đã góp phần làm nên lịch sử... Lúa vẫn xanh trên những cánh đồng, bọn trẻ đội mũ rơm đến lớp, tíu tít chen nhau vào hầm trú ẩn tránh bom, lứa đôi vẫn hò hẹn và những đám cưới vẫn diễn ra, ngay khi khói súng vừa tan trên mâm pháo. Những tấm hình đã đẫm màu thời gian, không hẳn là nước mắt của ký ức, nó cao hơn, rộng hơn, nó là một di vật đáng trân trọng của một thời hoa lửa” - nhà văn Nguyễn Việt Hà chia sẻ.
 
Cùng trong dòng chảy ấy, trong những ngày đầu tháng 6 này, nhóm nghệ sĩ Hà Nội và Hải Phòng cùng nhau mở chung một triển lãm nghệ thuật với tên gọi “Bột màu báo cũ” để cùng trở về với biểu tượng của một thời chưa xa của những nghệ sĩ nghèo.
 
Trở lại với chất liệu xưa, nhưng như họa sĩ Lê Thiết Cương, Giám tuyển của triển lãm, chia sẻ: “Giấy báo cũ và bột màu là 2 chất liệu gắn bó không thể nào quên với sinh viên mỹ thuật những năm tháng bao cấp. Ngày ấy sinh viên  nghèo lắm, phải mua báo cũ về vẽ. Những chỗ mỏng của tờ báo lộ ảnh và chữ thì lại tạo hiệu quả thẩm mỹ khác. Ngày ấy, sinh viên toàn vẽ bột màu sống của Việt Nam, sang hơn mua của Trung Quốc. Mơ có được tờ giấy báo chưa in là đỉnh rồi, mà chẳng khi nào có. Song triển lãm ấy cũng không thuần việc ôn nghèo, kể khổ, mà là sự tri ân với quá khứ và đó là cái cớ để nói những câu chuyện khác, những câu chuyện mới của ngày hôm nay”.
 
Đến quán ăn hoài niệm
 
Chính những ký ức về một thời được khái quát bằng cụm từ “thời bao cấp”, bùi ngùi với những cửa hàng thực phẩm, bách hóa dài dằng dặc người xếp hàng từ sáng sớm, nhẫn nại nhận về từng mớ rau, con cá, thước vải, bao diêm... đổi bằng những ô tem phiếu nhỏ trên tay mà thời gian gần đây đã xuất hiện những quán ăn “thời bao cấp” mang đậm dấu ấn về thời chưa xa ấy. Ở đó, không gian được tái hiện lại quãng thời gian Việt Nam thời bao cấp với mái ngói cấp bốn rêu phong, bức tường gạch vôi thô...
 
Cách bài trí ở đây cũng đặc biệt, tỉ mỉ đến từng chi tiết để làm sống dậy những ký ức xưa cũ. Những đồ vật có từ thời bao cấp hiện diện ở khắp nơi, từ chiếc điện thoại cũ kỹ, chiếc máy chữ xỉn màu đến đôi dép cao su, chiếc quạt tai voi, quạt con cóc... Trong cửa hàng, những dòng chữ viết vội, nguệch ngoạc đúng đậm mầu sắc thời bao cấp: “Quầy giải khát”, “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, “Ở đây có bán nước sôi”, “Ở đây tai vách mạch rừng. Có gì bí mật xin đừng nói ra”…
 
Khách đến đây không chỉ để thưởng thức hương vị của những thức ăn, đồ uống một thời khốn khó mà còn để ngắm nhìn, để hoài niệm. Anh Minh “gù”- chủ nhân của một trong số quán ăn đặc biệt này, Cửa hàng ăn uống mậu dịch số 37, nằm ngay quận Ba Đình, trung tâm Hà Nội, chia sẻ quán thậm chí còn cố ý lựa chọn "bồi bàn" theo phong cách các cô bán lương thực, tạp phẩm một thời: dáng vẻ hơi mập mạp, khó tính và thường ở tuổi trung niên. 
 
Chính nhờ ưu điểm ấy mà những quán ăn thời bao cấp như cửa hàng mậu dịch số 37 Nam Tràng, cửa hàng mậu dịch 46 An Dương... dù thực đơn đều vô cùng giản dị như cơm độn khoai, nem mậu dịch, dưa xào tóp mỡ, rau củ luộc chấm sốt mậu dịch, cơm rang mậu dịch... nhưng vẫn hấp dẫn thực khách. Khi đến đây, thực khách sẽ được tận mắt nhìn lại chiếc tivi National cửa lùa của thập niên 1970, cùng những tủ lạnh Liên Xô Xa-ra-tốp, chiếc cốc vại đựng bia bằng thủy tinh chất lượng kém, vàng xỉn nhờ nhờ và nổi đầy mụn ở thành cốc.
 
Khắp cửa hàng, chỗ nào khách cũng như chạm vào quá khứ với những máy quay đĩa Rigonda, đài Orionton, tivi đen trắng Neptune, quạt tai voi, đồng hồ quả lắc - những thứ “quý tộc” thời đó. Bình dân hơn là bi-đông nước, sổ gạo, tem phiếu, dép cao su, bát sắt tráng men.
 
Sức mạnh của ký ức nằm ở chỗ ấy, khi việc phản ánh cái thật như nó vốn có đã trở thành một nghệ thuật, như một mũi tên mang thông điệp nhắm thẳng đến cảm xúc của mỗi người.
 
 
Mai An

(Theo saigondautu.com.vn)
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)