Xem xét đưa "quản lý truyền thông xã hội" vào Luật Báo chí
Tại Hội nghị Giao ban quản lý Nhà nước Bộ TT&TT tháng 5/2015 diễn ra sáng 5/6/2015, Cục trưởng Cục Báo chí Hoàng Hữu Lượng chia sẻ thông tin về tiến trình xây dựng dự thảo Luật Báo chí.
Theo đó, Bộ TT&TT đã tổ chức 2 hội thảo ở Hà Nội và TP.HCM với sự tham gia của các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí và một số Bộ, ngành, để lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Báo chí.
Nhiều ý kiến đề nghị phải đưa thêm quy định quản lý các trang thông tin điện tử vào Luật Báo chí. Hiện nay, trang thông tin điện tử chưa được coi là báo chí. Nhưng khi người dân lên mạng Internet để đọc thông tin thì nhiều khi không phân biệt đâu là báo, đâu là trang tin (có thể tiếp nhận những thông tin không chính xác, tiêu cực, ảnh hưởng xấu tới cộng đồng – PV).
Các trang thông tin điện tử sẽ có thể bị siết chặt quản lý hơn nữa. Ảnh minh họa.
Chia sẻ vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son lưu ý: "Nghị định 72 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng đã quy định về vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân thực hiện trang thông tin điện tử, mạng xã hội. Nay có thể nâng tầm quản lý từ Nghị định lên Luật. Cần xem xét đưa vào Luật Báo chí một chương về quản lý truyền thông xã hội, trong đó có trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử".
Hiện Bộ TT&TT đang tích cực hoàn thiện dự thảo Luật Báo chí để trình Chính phủ vào tháng 7 và trình Quốc hội vào tháng 10/2015 theo đúng tiến độ đề ra.
Liên quan tới việc quản lý trang thông tin điện tử, ngày 1/6 vừa qua, Cổng thông tin điện tử Bộ Công an đã đăng tải công khai ý kiến của cử tri tỉnh Nghệ An: "Đề nghị Bộ Công an phối hợp với Bộ TT&TT tăng cường quản lý hệ thống thông tin tại các trang thông tin điện tử, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân phát tán các nội dung xấu, không lành mạnh, mang tính chất phản động. Hiện nay, nhiều nội dung thông tin không phù hợp gây ảnh hưởng không tốt tới một bộ phận giới trẻ".
Đồng thời đăng tải câu trả lời của Bộ Công an cho biết: "Thời gian gần đây, trên không gian mạng, các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phá hoại tư tưởng, chia rẽ nội bộ, kích động biểu tình, xuyên tạc, vu cáo, bôi lem lãnh đạo, phê phán các chính sách của Đảng, sự quản lý điều hành của Chính phủ. Để nhanh chóng lan truyền thông tin, chúng sử dụng thủ đoạn tán phát thông tin xấu trên các mạng xã hội Facebook, Google Plus; pha trộn thông tin thật giả, bình luận xuyên tạc, kích động, phá hoại khối đoàn kết toàn dân.
Trước tình hình đó, Bộ Công an đã tăng cường phối hợp, triển khai đồng bộ các biện pháp, phát hiện, đấu tranh, bắt giữ 5 đối tượng, vô hiệu hóa 6 blog, website có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước; phối hợp với các lực lượng chức năng ngăn chặn 748 trang mạng, blog, website, xử lý 120 trang mạng có nội dung xấu.
Để nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, Bộ Công an đã và đang chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện tốt các công tác trọng tâm sau: Phối hợp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với các loại hình thông tin trên mạng, đặc biệt là các mạng xã hội, trang thông tin điện tử, blog; có giải pháp hữu hiệu ngăn chặn các trang thông tin điện tử, blog có nội dung xấu, độc, tin nhắn rác. Kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về bảo đảm an ninh, an toàn thông tin....".
Bình Minh
(Theo infonet.vn)