Túi nilon, biết hại... nhưng vẫn dùng
Phần lớn túi nilon hiện nay được
sản xuất từ nhựa tái chế, nilon rác thải chứa nhiều hóa chất độc hại, song các
nhà chế biến thực phẩm và người tiêu dùng đang có xu hướng sử dụng sản phẩm này
mọi nơi, mọi lúc.
Theo Trung tâm Hỗ trợ Ứng phó biến đổi khí hậu (SCC), trung bình, mỗi hộ gia
đình ở Việt Nam dùng tới 11,3 túi nilon mỗi ngày, hơn 80% người được hỏi đều
nhận thức rõ mối nguy hại đến môi trường do sử dụng túi nilon nhưng vẫn phải
dùng với lý do: không còn cách nào khác.
Độc hại không bằng... tiện lợi
Theo khảo sát, việc sử dụng túi nilon để đựng đồ ăn chín, nóng đang có chiều
hướng gia tăng ở các thành phố lớn, từ nhà hàng, quán ăn nhỏ lẻ cho đến các siêu
thị lớn.
|
Lạm dụng túi nilon để đựng thực
phẩm có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. (Ảnh
minh họa: Đức Long) |
Tại nhà hàng chuyên bán thịt ngan
trên phố Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội, nhiều thực khách đến đây mua đồ ăn
chín, nóng được đựng sẵn trong những túi nilon màu. Do độ nóng của thức ăn chín,
bị bịt kín trong túi nilon nên chỉ sau vài phút, những chiếc "bao đựng" này ngả
màu. Một số người cẩn thận mở miệng túi nilon để tránh “hấp hơi” và cho rằng
“ thế là yên tâm lắm rồi”. Hỏi đến tác hại của việc dùng túi nilon đựng đồ
ăn chín, nóng, nhiều người hồn nhiên: “Biết là độc đấy, nhưng vì tiện thì vẫn
phải dùng thôi. Hơn nữa, từ trước đến nay vẫn chưa thấy ai mang bệnh vì dùng như
thế” (?).
Trung tâm Hỗ trợ Ứng phó biến đổi
khí hậu (SCC) lấy ngày 9/9 hằng năm
là Ngày không túi nilon - The Nature
Day. Từ lâu, nilon đã được biết đến
như là một trong những “thủ phạm”
gây ô nhiễm môi trường bởi thời gian
tiêu hủy phải mất hàng trăm năm.
Gần đây, các chuyên gia còn cảnh
báo, việc lạm dụng nilon có xu hướng
gia tăng trong ngành chế biến thực
phẩm cũng như sinh hoạt hằng ngày có
thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe
người tiêu dùng.
|
|
Chị Hoa, bán rau tại chợ Quan Nhân, phường Trung
Hòa, quận Cầu Giấy, cho biết, giới công chức,
sinh viên là đối tượng sử dụng túi nilon nhiều
hơn cả: “Họ đi chợ tay không, ngại xách theo
cặp lồng hoặc bẩn tay nên cứ túi nilon là tiện
nhất đề xách đồ ăn, bất kể nóng hay lạnh”.
Ngay trong các siêu thị hiện đại, tình trạng lạm
dụng nilon đựng đồ ăn cũng diễn ra. Tại quầy ăn
nóng của Siêu thị Co.op Mark trên đường Lý
Thường Kiệt, quận 10, TP HCM, cơm, canh, thức ăn
nóng được cho vào từng túi nilon để người mua
chọn lựa. Theo thói quen, túi thức ăn nào sờ
càng nóng, được khách hàng lựa chọn trước.
Nhiều thực khách muốn “tận thu” túi nilon đã gọi
một suất phở bình dân trên đường Hưng Phú quận
8, mang về nhà để được người bán hàng trao cho 5
túi nilon to nhỏ khi đựng: tương ớt, túi
rau, bánh phở, nước lèo và một túi lớn để móc
vào xe cho khách. Cô bán hàng tên Lan cho biết:
“Thời này có mấy ai mang cặp lồng hay bát đi
mua phở nữa đâu. Nhà ngay cạnh đây vẫn cứ cho đồ
ăn nóng vào túi nilon mang về”.
Nói không với nilon
Bên cạnh phong trào “nilon hóa”, vẫn còn một số
ít siêu thị, công ty sản xuất và kinh doanh thực
phẩm bắt đầu có ý thức “nói không với nilon”,
thay thế túi nilon sử dụng một lần bằng loại sử
dụng nhiều lần, thân thiện với môi trường.
Trong mùa bánh Trung thu năm nay, Công ty Kinh
Đô đưa ra thị trường các túi xách đựng bánh được
thiết kế bằng các chất liệu tự hủy trong môi
trường tự nhiên. Cách đây một tháng, 5 hệ thống
siêu thị chính ở Hà Nội là Hapro, Fivimart, Bài
Thơ Rosa, Hà Nội Star, Trung tâm Thương mại Vân
Hồ đã ký cam kết tham gia chương trình sử dụng
túi thân thiện với môi trường của Trung tâm Hỗ
trợ ứng phó biến đổi khí hậu (SCC).
Theo đó, khách hàng tới những siêu thị này sẽ
được hướng dẫn dùng chứng minh thư nhân dân đăng
ký để được cấp bộ túi mua hàng gắn mã vạch. Bộ
túi mua hàng này có thể dùng 1-2 năm gồm một túi
to, một túi nhỏ được chế tạo từ chất liệu vải
cotton không hại môi trường, mã vạch mềm nên có
thể giặt sạch, gấp nhỏ lại khi không dùng tới.
Nhằm giảm thiểu dùng túi nilon, siêu thị Big C
Thăng Long cũng đã đưa vào phục vụ khách hàng
túi sử dụng nhiều lần với giá bán 6.500 đồng mỗi
túi. Ông Nguyễn Trọng Tuấn, Giám đốc Big C Thăng
Long, cho biết: “Hiện siêu thị vẫn chưa tìm
được nhà cung cấp túi thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên, việc nhiều khách hàng sử dụng loại
túi to cũng đã góp phần giảm đáng kể lượng túi
nilon sử dụng một lần so với trước kia”.
Chứa
nhiều chất phụ gia độc hại
|
Tiến
sĩ Nguyễn Hữu Hoan, Trung tâm Phân tích
và xử lý môi trường, Viện Hóa học Công
nghiệp, cho biết, các chất phụ gia được
pha trộn làm tăng thêm tính chất đàn
hồi, chống ôxy hóa, kéo dài tuổi thọ của
túi nilon được sử dụng nhiều nhất phải
kể đến một số chất muối hữu cơ của kim
loại nặng như: thiếc hữu cơ, thiếc
dibulyl dilaurat, chì, thủy ngân; bột
talc, amiăng, phấn viết, bột gỗ…
Những chất độn trên thường dễ tìm thấy
trong nhựa PVC vì loại nhựa này khó định
hình khi không có chất hóa dẻo. Nếu nhà
sản xuất ăn bớt nguyên liệu, làm túi
nilon mỏng đi thì sẽ cho thêm phụ gia rẻ
tiền. Thế nên với túi nilon, đồ nhựa
mỏng, người tiêu dùng cần cẩn thận. Đặc
biệt, với các loại túi màu, được pha
thêm các chất màu hữu cơ. Đây là các
chất màu độc hại, khi sử dụng đựng thực
phẩm, đặc biệt là thực phẩm nóng,
chua..., sẽ phai ra và gây nguy hại cho
sức khỏe.
Tường
Linh
|
|