Ðền An Thọ - nét văn hóa bên hồ Tây
Vùng ven hồ Tây vốn nhiều di tích lịch sử, văn hóa, mỗi di tích lại gắn với những truyền thuyết về từng thời kỳ dựng nước, giữ nước của dân tộc ta. Trong số này, vẫn còn nhiều di tích chưa được nhiều người biết đến. Một trong số đó là đền An Thọ
 |
|
Đền An Thọ tọa lạc tại số 12 - đường Thanh Niên, xưa thuộc đất của làng cổ
Yên Phụ. Lịch sử ngôi đền này có quan hệ mật thiết với đình Yên Phụ - nơi thờ
Ðức Uy Linh Lang Ðại Vương (được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia
năm 1990). Theo truyền thuyết, Uy Linh Lang là con vua Trần. Khi quân Nguyên xâm
lược nước ta, ngài đã dẫn đầu một đạo quân đánh giặc góp sức vào thắng lợi của
cuộc kháng chiến. Sau khi giặc tan, ngài không bệnh mà thác. Trên nền ngôi nhà
cũ, dân làng Yên Phụ lập ngôi đình thờ ngài làm Thành hoàng. Ðền An Thọ là nơi
thờ mẹ ngài, tục gọi là Minh Ðức Hoàng hậu. Những biến động của lịch sử khiến
những di sản văn hóa vật thể còn lại của ngôi đền không còn nhiều. Nhưng theo
một số nhà nghiên cứu văn hóa, đền An Thọ thờ Minh Ðức Hoàng hậu nên rất có thể,
ngôi đền có tuổi ngang bằng với đình Yên Phụ. Nhân dân có truyền thống trọng
mẫu, nên sau này, bên cạnh thờ thân mẫu Uy Linh Lang Ðại Vương, nhân dân đã rước
tam tòa thánh mẫu về phối thờ. Ngoài ra, đền An Thọ còn thờ Hàn Sơn công chúa,
người được phong là Mẫu nghi thiên hạ dưới thời vua Ðồng Khánh nhà Nguyễn. Hiện
bản đền vẫn lưu giữ được sắc phong quý giá này.
Theo bản đồ địa chính năm 1960, thì thửa đất số 644 (tờ 38) là đất công đền
thờ - tức đất thuộc đền An Thọ, diện tích thửa đất vào khoảng 2.000 m2. Tuy
nhiên, do chiến tranh rồi những biến động lịch sử khác, nhiều hộ dân đã sử dụng
đất đền rồi sang nhượng khiến cho diện tích đất bị thu hẹp lại. Hiện diện tích
đất của đền chỉ có khoảng hơn 100 m2. Người trông nom đền An Thọ hiện giờ là ông
Nguyễn Văn Tiến. Ông Tiến cho biết, ông tiếp nhận ngôi đền năm 1992, khi đó đền
đổ nát mà không có người sửa chữa. Mái đền lợp giấy dầu, gần như sập đổ, mỗi khi
trời mưa phải đội cho mỗi bức tượng một cái nón tránh mưa. Ông đã đề nghị chính
quyền tạo điều kiện để vận động nhân dân quyên góp xây dựng ngôi đền như hiện
nay.
Phía nhìn ra hồ Tây bị án ngữ bởi một số ngôi nhà (vốn nằm trong thửa đất của
đền An Thọ trước kia) nên ông Tiến và những người có tâm xây dựng đền thành một
ngôi nhà ba tầng, không gian thờ tự nằm trọn vẹn trên tầng ba. Mặc dù một số hộ
dân xây nhà cao tầng phía trước, nhưng với cách khắc phục này, khi lên đến
thượng điện, giữa không gian văn hóa - tâm linh, du khách vẫn có thể ngắm nhìn
phía xa xa là chùa Trấn Quốc, là những di tích ven hồ Tây vùng Kẻ Bưởi, ngắm
nhìn con đường lãng mạn ven hồ Tây đang được hoàn thiện... Hà Nội đang hướng tới
mốc son 1000 năm tuổi, hy vọng những công trình như thế được quan tâm, tạo thêm
nét đẹp cho Thủ đô.
Theo Báo Nhân Dân.