 |
Học sinh lớp 10 Trường THPT Sơn Tây trong ngày khai giảng. Ảnh: Nguyệt Ánh |
Trái tuyến: Quan niệm không thống nhất
Với công tác tuyển sinh vào lớp 1 và lớp 6, vấn đề "nóng" vẫn là tuyển sinh trái tuyến. Khi mạng lưới trường lớp đã thỏa mãn nhu cầu học tập của 100% học sinh thì người dân Thủ đô lại có nhu cầu chọn trường. Hiện có nhiều trường dân lập, tư thục, trường có yếu tố nước ngoài, hoặc trường quốc tế với cơ sở vật chất, phương tiện dạy học hiện đại, phần nào đáp ứng nhu cầu tìm trường chất lượng cao của phụ huynh. Tuy nhiên, tâm lý chung vẫn thích trường công lập vì chất lượng đã được khẳng định, có đội ngũ giáo viên giỏi, nhiều kinh nghiệm; thêm nữa học phí của các trường công lập cũng ở mức dễ chấp nhận.
Thực tế ấy khiến cho công tác tuyển sinh vào lớp đầu cấp ở một vài trường của các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Cầu Giấy phải chịu nhiều sức ép. Nhiều giải pháp đã được bàn bạc, song tình trạng xin học trái tuyến tồn tại qua nhiều năm cho thấy, khó có thể có lời giải hoàn hảo cho bài toán giảm số học sinh trái tuyến. Có những trường hợp trái tuyến "tích cực" như số học sinh ngoài bãi sông Hồng.
Hầu hết các em đều không hộ khẩu, đều thuộc diện trái tuyến, nhưng việc nhà trường huy động được các em đến lớp phải coi là thành tích. Cũng có trường hợp, nhà ngay cạnh trường nhưng lại thuộc phường khác, thế là thành trái tuyến. Hiện nay, mô hình gia đình chủ yếu là 2 thế hệ, nếu để con học đúng tuyến thì không ai đưa đón, nên nhu cầu gửi con vào những trường gần cơ quan khá lớn. Trong khi đó, khu vực hành chính của thành phố tập trung chủ yếu ở Hoàn Kiếm, Ba Đình. Điều đó cũng lý giải một phần vì sao tỷ lệ học sinh trái tuyến ở 2 quận này năm nào cũng cao.
Thấy được thực tế đó, năm nay, Sở đã giao các phòng giáo dục - đào tạo quận, huyện tham mưu với UBND về việc quy định thế nào là trái tuyến cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh học tập, đồng thời bảo đảm sĩ số, số lớp theo quy định. "Dẫu vẫn căn cứ chủ yếu vào hộ khẩu thường trú nhưng việc không có một "định nghĩa" trái tuyến thống nhất trên toàn thành phố đã giúp cho công tác tuyển sinh đầu cấp linh hoạt và phù hợp với thực tế hơn. Tình trạng học sinh trái tuyến vẫn còn nhưng công tác tuyển sinh đã kết thúc yên ả" - ông Nguyễn Văn Thọ, Trưởng phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Hà Nội khẳng định.
?xml:namespace>
Tuy nhiên, việc phân cấp có thể triệt để hơn nữa: Xác định học sinh nào đúng hay trái tuyến nên căn cứ vào thực tế cư trú, chứ không chỉ theo hộ khẩu và do hiệu trưởng quyết định. Điều này sẽ hạn chế được tình trạng "chạy" hộ khẩu để vào trường điểm đang diễn ra khá phổ biến hiện nay.
?xml:namespace>
Tuyển sinh vào lớp 10: Cạnh tranh lành mạnh
Năm đầu tiên, cả 2 khu vực Hà Nội cũ và mới mở rộng cùng áp dụng chung phương án tuyển sinh: xét tuyển kết hợp thi tuyển. Có thể phần xét tuyển ở đâu đó chưa thật tin cậy nhưng phần thi đã là một "thước đo" chung.
?xml:namespace>
Nhìn vào điểm trúng tuyển của các trường và so sánh với kết quả học lực của học sinh THCS ở cùng khu vực sẽ thấy độ "vênh" nhất định. Đơn cử, toàn thành phố có 6 trường có điểm trúng tuyển là 20 thì huyện Ứng Hòa "chiếm" 3, nhưng theo kết quả đánh giá xếp loại của Phòng Giáo dục huyện này thì tỷ lệ học sinh xếp loại khá, giỏi lại không phải là nơi thấp nhất thành phố. Nhờ có "thước đo" chung là kỳ thi được tổ chức nghiêm túc nên chất lượng thật đã bộc lộ. Với quan điểm thực chất trong đánh giá, nhiều năm nay, ngành GD-ĐT Thủ đô đã tổ chức kỳ thi này khá bài bản và kinh nghiệm có được đã áp dụng cho khu vực mới mở rộng.
Chuẩn bị chu đáo, hướng dẫn cụ thể, quan điểm chỉ đạo nhất quán đã khiến cho chất lượng kỳ thi được cả trong lẫn ngoài ngành đánh giá cao. Kết quả tuyển sinh đã cho các cấp quản lý có thêm một công cụ đánh giá hiệu quả giáo dục của các đơn vị trực thuộc. Có nơi, như Mỹ Đức, đã phân tích kỹ dữ liệu có được từ kỳ thi này để cung cấp cho người dân biết có bao nhiêu học sinh của từng trường được vào trường công, điểm trung bình của trường so với địa phương, với toàn thành phố như thế nào. Từ đó, bản thân mỗi cơ sở giáo dục cũng như các cấp quản lý tìm ra những giải pháp phù hợp để cải thiện chất lượng giáo dục. Đây cũng là một biện pháp quản lý mà Sở GD-ĐT đã yêu cầu các đơn vị triển khai trong năm học này.
?xml:namespace>
Có một vấn đề nữa của công tác tuyển sinh năm nay là tình trạng tuyển không đủ chỉ tiêu. Theo thống kê của Sở, năm nay, cả trường công và dân lập đều tuyển thấp hơn chỉ tiêu được giao. Công lập tuyển 60.277 học sinh trong khi chỉ tiêu được giao là 60.883; ngoài công lập được giao 17.865 chỉ tiêu nhưng chỉ tuyển được 11.968 học sinh.
Có nhiều cách lý giải về tình trạng này: Chỉ tiêu công lập được giao cao hơn so với mọi năm trong khi nguồn tuyển là học sinh lớp 9 ít; học sinh có nhiều lựa chọn hơn khi các loại hình giáo dục bậc trung học ngày càng phát triển; việc tổ chức chặt kỳ thi tốt nghiệp khiến nhiều học sinh không muốn học lên sau khi tốt nghiệp THCS… Song cũng có ý kiến cho rằng, việc tuyển không đủ chỉ tiêu sẽ buộc các trường, nhất là khối ngoài công lập phải đầu tư cơ sở vật chất, nhất là về trang thiết bị dạy học và chăm lo xây dựng đội ngũ giáo viên… để nâng cao chất lượng. Và đây là một sự cạnh tranh lành mạnh.
?xml:namespace>
Dẫu vậy, để có thể nâng dần số học sinh ngoài công lập lên 30% ở huyện khó khăn, 40% ở khu vực còn lại, trong khi tỷ lệ chung hiện là 24,4% như Đề án đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục - đào tạo của thành phố Hà Nội (2009-2015) vừa được phê duyệt thì một việc cần làm là xác định chỉ tiêu tuyển sinh thế nào cho phù hợp giữa trường công và trường tư, trong toàn thành phố cũng như ở mỗi khu vực. Có như vậy, cạnh tranh mới lành mạnh và các nhà đầu tư mới yên tâm mở trường.
?xml:namespace>
(Theo Hanoimoi.com.vn) |