Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ sáu, 11/09/2009 10:16
Chưa công bằng giữa “nội” và “ngoại”
“Có đến 40/64 điều được đề cập trong dự thảo Luật vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) cần được viết, bổ sung lại vì chưa đảm bảo tính công bằng, công khai... và có thể khiến mọi việc rối thêm”.

Ông Nguyễn Tử Cương, ủy viên Ban chấp hành Hội Nghề cá VN, nói như thế tại hội thảo góp ý về dự thảo Luật VSATTP do Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) tổ chức ngày 10-9 tại Hà Nội.

Thanh tra, kiểm tra thực phẩm đang là một trong ba vấn đề gây tranh cãi nhất trong dự thảo Luật VSATTP. Trong ảnh: một cuộc thanh tra cơ sở sản xuất sữa ở Hà Nội -Ảnh: L.A.

“Như nhà không có hàng rào, bảo vệ”

Đó là cách ông Cương ví von về sự thiếu công bằng của dự thảo Luật VSATTP khi dự thảo luật dành rất nhiều điều khoản điều chỉnh VSATTP nội địa, “hành” các nhà sản xuất trong nước nhưng chỉ có vỏn vẹn ba điều để điều chỉnh chất lượng thực phẩm nhập khẩu. “Điều này giống như nhà không có hàng rào, bảo vệ, ai vào cũng được. Trong khi thực phẩm nhập khẩu có nhiều vấn đề cần kiểm soát về chất lượng. Theo tôi, vấn đề này cần chiếm 1/4 nội dung luật”- ông Cương đề xuất.

Cũng theo ông Cương, dự thảo luật cần đảm bảo tính công khai, minh bạch bằng cách dịch sang tiếng Anh đăng trên website của Văn phòng thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật (SPS) VN - đầu mối thực hiện các nghĩa vụ minh bạch hóa về VSATTP và kiểm dịch động vật của Tổ chức Thương mại thế giới - ít nhất hai tháng, đăng công khai trên các trang web trong nước để lấy ý kiến người dân.

Nếu không làm điều này, 5-6 tháng sau khi ban hành lại phải sửa, gây lãng phí cho Nhà nước và kìm hãm sản xuất phát triển. Ngoài ra, phân công quản lý nhà nước giữa các bộ chỉ nên dựa vào căn cứ duy nhất là chức trách nhiệm vụ đã được quy định cho các bộ.

“Dự thảo luật cần tránh tuyệt đối việc thỏa hiệp bởi tôi thấy trong dự thảo Bộ Y tế vẫn kiểm tra điều kiện cơ sở chế biến, Bộ Công thương vẫn kiểm soát sữa, mì chính... Dự thảo luật cũng còn nhiều câu chữ nước đôi, dễ tạo kẽ hở cho các bộ ban hành hướng dẫn chồng chéo, khó thực hiện” - ông Cương nói.

Bà Trần Thị Quang Hồng, Viện Khoa học pháp lý, phàn nàn nhiều quy định trong luật không có chủ thể. Cụ thể, dự thảo luật quy định cấm sử dụng thực phẩm đã quá hạn sử dụng, nhưng là cấm ai, nếu sử dụng bị phạt như thế nào? Trong dự thảo luật rất nhiều quy định không chủ thể như thế hoặc quy định trách nhiệm rất chung chung. Việc đưa ra những quy định hành vi không rõ chủ thể, trách nhiệm làm giảm tính khả thi của các điều luật và khó thực hiện trong thực tế.

“Hổng” quy định về công bố thông tin

Ông Trần Hữu Huỳnh, trưởng ban pháp chế VCCI, dẫn thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới về việc mỗi năm VN có 8 triệu người bị các bệnh liên quan đến VSATTP.

8 triệu người bệnh vì ăn uống kém vệ sinh ở một đất nước 86 triệu dân là rất lớn, rất nhức nhối trong khi nói về các quy định để bảo vệ người tiêu dùng thì VN có đủ! “Chúng ta có pháp lệnh bảo vệ người tiêu dùng, pháp lệnh VSATTP nhưng chưa được thực hiện đầy đủ” - ông Huỳnh nhấn mạnh.

Phó cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Hùng Long, đại diện ban soạn thảo, cho biết ba vấn đề trong dự thảo luật đang gặp nhiều ý kiến trái chiều nhất hiện nay là: quảng cáo thực phẩm, quản lý nhà nước về thực phẩm và thanh tra, kiểm tra VSATTP.

Theo ông Long, nếu quy định về quảng cáo thực phẩm theo những quy định về quảng cáo hiện nay sẽ gặp khó khăn trong quản lý, nhất là những nội dung không được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận về nội dung. Điều này khiến sẽ không có cơ sở thanh tra, xử phạt khi quảng cáo quá mức hay khi vi phạm được phát hiện thì quảng cáo không đúng đã đến với người tiêu dùng. Vì vậy, ban soạn thảo đề nghị trước khi quảng cáo thực phẩm cần thông báo nội dung đến cơ quan có thẩm quyền và cơ quan này có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận nội dung quảng cáo.

Một vấn đề được quan tâm là việc công bố thông tin thực phẩm vi phạm lại không được quy định cụ thể trong dự thảo luật. Khi xảy ra sự cố về VSATTP, ai sẽ là người hoặc cơ quan chịu trách nhiệm công bố thông tin. Vì vậy, nếu không quy định rõ rất có thể còn những vụ việc giấu thông tin như vụ nước tương chứa 3-MCPD ở TP.HCM hay kết quả thanh tra sữa có hàm lượng đạm thấp từ giữa năm 2008 nhưng đến đầu năm 2009 vẫn chưa công bố...

Theo ông Long, dự thảo luật đã có quy định về ngăn chặn, khắc phục sự cố về VSATTP, trong đó có yêu cầu “thông báo ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho các tổ chức, cá nhân có liên quan. UBND các cấp chịu trách nhiệm ngăn chặn sự cố tại địa phương... Dù vậy, những câu hỏi như: Khi nào phải thông báo ngộ độc thực phẩm? Phát hiện thực phẩm ô nhiễm, xử phạt như thế nào khi cơ quan có thẩm quyền giấu giếm thông tin thực phẩm ô nhiễm?... chưa hề có quy định.

Theo Báo Tuổi Trẻ.

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)