Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ sáu, 11/09/2009 10:23
Đường bẩn "sống" cùng đường sạch
Đường là một loại thực phẩm có thể dùng trực tiếp vào nước uống, làm gia vị cho thức ăn... phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm còn hơn thực phẩm chế biến khác. Tuy nhiên theo bức xúc của chính các DN sản xuất chế biến mía đường, thì việc phun hoá chất, để lẫn tạp chất gây hại cho sức khoẻ đang tồn tại.

Đường lưu thông trên thị trường chưa có chuẩn chung về chất lượng VSATTP.
Trong khi đó, việc kiểm soát bị buông lỏng và chưa có tiêu chuẩn nào cho đường khi lưu thông trên thị trường... 


Đường ăn xịt hoá chất

Hôm qua (10.9), bà Phạm Thị Sum - Chủ tịch HĐQT Công ty CP đường Biên Hoà- Đồng Nai - bức xúc cho PV hay, việc kiểm soát chất lượng VSATTP với đường hiện chưa được chú trọng giống như cách làm với thực phẩm khác là thịt, cá...Trong khi đó, bà phát hiện, có những thủ đoạn trong buôn bán kinh doanh đường gây nguy hại cho sức khoẻ người tiêu dùng.

"Đơn cử, do dân mình thích đường vàng vì cho là ngọt, thơm, nhiều người bán đã mua đường kém chất lượng, đường lậu, rồi dùng bình xịt giống như bình phun thuốc, xịt hoá chất vào để cho ra màu đường vàng, đẹp, đánh lừa người tiêu dùng!" - bà Sum nói.

Chưa hết, theo bức xúc của một DN mía đường ĐBSCL thì thương lái thường sang Campuchia mua đường lậu chứa ở các kho cặp biên giới Châu Đốc (An Giang) rồi đưa về các kho chứa ở Việt Nam, đổ ra, đóng sang các bao nhỏ và tung ra thị trường nội địa. Trong quá trình sang bao như vậy, rất nhiều tạp chất không hoà tan như cát, đất lẫn vào, có thể lọt vào "dạ dày" người tiêu dùng.

Không chỉ tạp chất không tan, theo ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch HĐQT Cty mía đường Cần Thơ - hiện nay trên thị trường đang tràn lan tình trạng thương lái trộn lẫn tuỳ tiện các loại đường với nhau, không đảm bảo vệ sinh theo quy định của y tế, đặc biệt khi cơn sốt giá đường lên cao, trong khi người tiêu dùng thì không thể phân biệt.

Kiểm tra đường nhập lậu ở Long An.

Chưa được chú trọng quản lý

Vấn đề mất VSATTP với sản phẩm đường nêu trên cũng được đặt ra tại cuộc họp của Hiệp hội Mía đường VN mới đây ở TPHCM. Tại đây, ông Nguyễn Thành Long đã bức xúc khẳng định, hiện khâu quản lý chất lượng đường ăn đang bị bỏ lỏng.

Theo bà Phạm Thị Sum, trước đây các DN sản xuất chế biến đường phải đảm bảo các tiêu chuẩn lý hoá, độ màu, nhãn mác, xuất xứ... với sản phẩm đường. Tuy nhiên, với đường nhập lậu, đường không nhãn mác, chế biến thủ công, khoảng vài năm trở lại đây, từ khi có kế hoạch tăng tốc hơn 1,4 triệu tấn đường đến năm 2010 thì hoàn toàn không có hàng rào kỹ thuật để kiểm soát các khâu như đóng gói, chế biến ở nội địa.

"Nếu cơ quan chức năng chú trọng kiểm soát giống như thịt cá rau... thì sẽ không có đường lậu, không nhãn mác, xuất xứ đang bán tràn lan trên các chợ hiện nay!" - ông Long bức xúc. Điều đáng lo, những loại đường này lại thường được những người kinh doanh thức uống lề đường như hàng chè, mía... mua về cho vào nấu và bán.

"Chỉ cần cơ quan chức năng đi kiểm tra, lấy mẫu phân tích giống như cách làm với thịt cá, sẽ rõ cả!" - bà Sum nói và cho hay, ngay cả thương lái đến bán đường nguyên liệu cho Cty thú nhận, họ không bao giờ ăn loại đường trôi nổi đó, mà chỉ mua đường trắng có nhãn mác của các Cty để dùng.

Đường "bẩn" hại đủ đường

Theo phân tích của các DN, đường đủ nhãn mác, xuất xứ trong nước hoàn toàn không thiếu. Bởi hiện sẽ có khoảng 130.900 tấn đường (tồn kho, nhập khẩu...) đảm bảo đáp ứng nhu cầu trong tháng 9 và còn dự trữ cho tháng 10.2009. Từ tháng 10.2009, có thêm các nhà máy đường Hiệp Hoà, Trị An, An Khê, Kon Tum vào vụ sản xuất. Sản lượng đường tháng 10.2009 ước khoảng 65.000 - 70.000 tấn. Nếu không có biến động về thời tiết, cản trở đến sản xuất và lưu thông thì nguồn cung đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Vậy nhưng, đường lậu vẫn tràn vào. Đường mất VSATP, không nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác vẫn "sống" cùng đường sạch. Điều này tất yếu sẽ khiến DN làm ăn đàng hoàng sẽ mất đi thị phần không nhỏ; bài toán chặn đường lậu ở biên giới vất vả vẫn chưa có lối thoát; người tiêu dùng thì tiêu hao sức khoẻ mà chẳng hay.

Từ đó, hàng loạt DN đề nghị Hiệp hội Mía đường cần phối hợp với Bộ NNPTNT đưa ra những quy định về tiêu chuẩn, chỉ cho phép những sản phẩm đường đáp ứng những quy định về VSATTP mới được lưu thông trên thị trường

Theo Báo Lao Động.

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)