Ấn tượng 'mặt tiền' Vịnh Hạ Long
 |
Vịnh Hạ Long - Di sản thiên nhiên thế giới |
Cò tàu Hạ Long
Trở lại Hạ Long một ngày đầu tháng 9 với ý định tìm hiểu điểm đến không thể thiếu với phần lớn các tour du lịch miền Bắc thay đổi thế nào sau 15 năm được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Quyết định tự đi theo kiểu "ta balô" bằng xe máy, duy nhất băn khoăn không biết khách lẻ có dễ dàng "bắt" tàu thăm thú Vịnh không? Gọi điện trước xuống Cảng tàu du lịch Bãi Cháy thì được nhân viên trả lời: cứ ra Cảng khoảng 7h30, 8h sáng sẽ được ghép với tàu tour, còn trong ngày thì không dễ dàng lắm đâu, "em cứ thử ra cảng khoảng 11h30, 12h xem sao?". Tự hiểu nếu ra giờ đó sẽ được ghép với những tour trong ngày từ các tỉnh xa (như Hà Nội) đến.
Xác định thế nên chúng tôi sắp xếp để đến cảng khoảng 11h trưa. Bất ngờ đầu tiên, có ngay mấy phụ nữ đang đứng ngồi bên ngoài cổng vào chạy theo hỏi chúng tôi có muốn đi tàu thăm vịnh không? "Khách lẻ thì em cứ đến đây rồi chị ghép đoàn thôi, bất cứ giờ nào cũng có, chỉ chờ khoảng 15, 20 phút". Khác biệt đầu tiên về thông tin giữa "chính thống" và "ngoài luồng". Thấy băn khoăn quá, biết phải gọi những phụ nữ đứng ngồi kia là gì? không lẽ lại là "cò" tàu Hạ Long? Tò mò về tour ngoài luồng nên tôi thử đi cùng họ xem sao.
Sửng sốt không phải vì hang Sửng Sốt
Bất ngờ thứ hai là gửi xe máy để lên tàu tham quan trong 4 tiếng thì phải trả tới... 10.000 đồng/chiếc. Không thể hiểu vì sao một cảng tàu không phải của tư nhân lại có thể lấy số tiền "cắt cổ" đến vậy?
Bước tiếp theo, chúng tôi được dắt vào mua vé tham quan, giá chỉ 40.000 đồng cho tuyến tham quan Vịnh Hạ Long và một hang động. Nhưng đó chỉ là giá vé tham quan, còn tiền tàu thì chúng tôi phải tự trả cho người đã dắt chúng tôi nãy giờ, để được đưa lên 1 trong số cả trăm chiếc tàu gỗ đang neo đậu ở bến. Được "hứa hẹn" là tàu chuẩn bị chạy ngay nên không kịp ăn uống gì, nhưng chúng tôi phải chờ tới 40 phút, để rồi khi tàu vừa khởi hành được vài trăm mét bỗng lại loay hoay quay ngược về bến để tiếp tục đón khách. Mỗi tàu tự bắt lấy khách của mình, chẳng hề thấy sự sắp xếp của những người quản lý cảng. Xấp xỉ giờ khởi hành của chúng tôi là vài con tàu khác, đỗ "nườm nượp" kín bến nên việc quay về rất khó khăn. Bỗng nảy ra ý nghĩ, Hạ Long giờ có cả "cò tàu" và... "tàu dù"?
Dự định chỉ đi 4 tiếng, nhưng tàu của chúng tôi lại có thêm những thành viên mới sau khi vào tham quan động Thiên Cung - hang Đầu Gỗ, những người chưa được tham quan hang động nào, nên tàu chuyển đi hành trình dài vào hang Sửng Sốt, rồi từ đó qua đảo Titop. Thời gian vì thế kéo dài thành hơn 7 tiếng, có mệt mỏi cũng chẳng thể quay về, bởi có muốn cũng phải đến Titop mới có thể nhờ gửi tàu khác (chỉ nhanh hơn được 1 tiếng là cùng), và khách sẽ phải tự bỏ tiền thêm tiền cho chiều về.
Đến hang Sửng Sốt phải mua vé tham quan bổ sung 20.000 đồng đã đành, đến đảo Titop muốn vào tắm biển hoặc leo núi ngắm cảnh vịnh lại trả thêm 10.000 nữa. Chẳng lẽ vì tiếc 10.000 đồng mà đành lòng loanh quanh ở cầu cảng chở cả tiếng hay sao?
Còn phải kể đến chuyện đảo Titop với bãi tắm có phần xinh xắn lại bị bao vây bởi vài chục chiếc tàu gỗ neo đậu sát sàn sạt. Người cứ tắm, tàu cứ đậu thế này, chẳng biết nước biển kia còn trong được đến bao giờ?
Ấn tượng "mặt tiền" Vịnh Hạ Long
Không phủ nhận vẻ đẹp mê hoặc của Vịnh Hạ Long, nhưng trong tôi cứ ngổn ngang hàng loạt câu hỏi về chất lượng dịch vụ thật sự "nhộn nhạo" ở một di sản thế giới.
Nhớ lại lúc đến thăm Phong Nha-Kẻ Bàng phải loay hoay chờ tìm đoàn ghép tàu cho "hạ chi phí", vì một thuyền có thể chở tới hơn chục người nhưng lại không bán vé khách lẻ, thấy đã bất cập. Nhưng chưa "thấm vào đâu" so với những gì đang diễn ra ở Vịnh Hạ Long.
Trong dịp gặp gỡ thường niên của các tỉnh thành đang sở hữu di sản thế giới tháng 8 năm nay, cả Huế, Quảng Ninh, Quảng Bình và Quảng Nam đều "tự hào" khoe danh hiệu di sản thế giới đã đem đến cho tỉnh mình rất nhiều lợi ích. Với trường hợp của Hạ Long, theo số liệu của ban quản lý Vịnh thì tổng lượng khách đến Vịnh đã tăng từ 236 ngàn lượt năm 1996 lên 832 ngàn lượt năm 2000, và lên tới 2.6 triệu lượt khách vào năm 2008, trong đó lượt khách nước ngoài đã lên tới 928 ngàn lượt. Tiền thu được từ phí tham quan Vịnh cũng đạt trên 86,7 tỷ đồng.
Vịnh Hạ Long cũng được đánh giá là có cơ chế quản lý tốt với di sản thế giới (không chồng chéo như trường hợp Mỹ Sơn vẫn thuộc quản lý của UBND huyện Duy Xuyên, Hội An thuộc quyền quản lý của thành phố Hội An, tuy vẫn có trung tâm quản lý bảo tồn di tích Hội An). Ban quản lý Vịnh Hạ Long có quy mô khá lớn, tới 12 phòng, đội, trung tâm với 308 cán bộ, hoạt động rất mạnh mẽ trên nhiều "mặt trận" để quản lý, bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị của Vịnh Hạ Long. Tiếc thay, những ấn tượng "mặt tiền" của di sản lại không được ban quản lý chú trọng. Không biết trong hàng triệu khách đến Hạ Long mỗi năm giờ đây, có bao nhiêu khách đi lẻ phải "chịu đựng" như chúng tôi?
(Theo Vietnamnet.vn)