Sẽ loại bỏ thiết bị và công nghệ tốn năng lượng
Trong lần đầu tiên đưa ra thảo luận tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm nay (14/9), dự án Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được cho là chỉ đạt tiêu chuẩn của một chương trình trọng điểm quốc gia hơn là một dự án luật.
"Có cần đến luật về sử dụng năng lượng?"
 |
Lượng điện năng tiêu thụ tăng gấp ba lần trong giai đoạn 1999 - 2008. Ảnh: VNN |
Theo giải trình của Bộ Công thương, cơ quan soạn thảo, hiệu quả sử dụng năng lượng ở Việt Nam thấp hơn 1,5 - 1,7 lần so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia.
Một phần vì Việt Nam sử dụng công nghệ lạc hậu tổn hao nhiều năng lượng, nhưng phần khác do các hộ kinh doanh, gia đình và nhiều cơ quan nhà nước sử dụng năng lượng chưa thật căn cơ.
Từ một quốc gia xuất khẩu năng lượng, đến 2020, Việt Nam sẽ thành nước nhập khẩu không chỉ dầu mà còn cả than đá, khí đốt và phải mua thêm điện của các nước láng giềng.
Theo thuyết minh của Bộ Công thương, dự án luật này chỉ đưa ra các quy định nhằm bảo đảm sử dụng năng lượng tiết kiệm.
Việc tiết kiệm trong khai thác và sản xuất đã được điều chỉnh trong các dự án luật chuyên ngành như: Luật Khoáng sản, Luật Điện lực, Luật Dầu khí và Luật Năng lượng nguyên tử.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng QH Đào Trọng Thi cho rằng: "Mục tiêu lớn nhất hiện nay chính là tiết kiệm trong khai thác để tránh cạn kiệt tài nguyên".
Chưa kể, không thể tách rời sản xuất và sử dụng năng lượng. Vì có những nguồn năng lượng là đầu ra nhưng cũng có những nguồn lại là đầu vào của một quá trình sản xuất.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cũng lo ngại rằng luật chưa giải quyết được những vấn đề căn cơ, dẫn đến tình trạng thiếu hụt năng lượng.
Chẳng hạn, suốt thời gian dài Việt Nam đã nhập khẩu công nghệ cũ, khuyến khích công nghệ thủ công, lạc hậu... do đó, phải có điều khoản hạn chế ngay việc nhập khẩu các thiết bị tổn hao năng lượng hoặc phương tiện giao thông vượt quá tiêu chuẩn khí thải cho phép.
"Còn tiết kiệm điện năng thì từng cá nhân và từng doanh nghiệp đã phải tính toán cho phù hợp với túi tiền của mình rồi, không cần đợi đến khi Quốc hội ra luật", ông Thuận nói.
Báo cáo thẩm tra dự án luật, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng: “Mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật bao gồm từ khâu sản xuất đến tiêu dùng là một vấn đề lớn, có thể dẫn tới việc bổ sung khá nhiều nội dung và thay đổi kết cấu luật”.
Tiết kiệm năng lượng, DN có được giảm thuế?
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng chỉ ra nhiều "hạt sạn" khác, hoặc chồng chéo với các luật khác, hoặc bất khả thi. Chẳng hạn, nên quy định luôn việc sử dụng hợp lý ngay trong các luật chuyên ngành, chưa kể Quốc hội đã ban hành Luật thực hành tiết kiệm cách đây không lâu.
Ông Thuận phản đối quy định trong điều 33 về chính sách miễn, giảm thuế đối với các DN đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất mới, giảm thuế nhập khẩu với các thiết bị tiết kiệm năng lượng.
Lý do là đã có không ít luật thuế điều chỉnh các trường hợp miễn, giảm tương tự. Việc ban hành các chương trình trọng điểm quốc gia, các loại quỹ, theo ông Thuận đều là "trùng lắp và tiêu tiền ngân sách".
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển phân tích, hễ cứ có một đạo luật liên quan đến sản xuất kinh doanh, là y như lại "đòi" miễn, giảm thuế cho lĩnh vực đó.
"Các luật thuế như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật ngân sách được các luật khác mổ xẻ, "chặt chém", tôi thấy không còn thành một hệ thống nữa. Sau này chúng tôi không biết sửa Luật ngân sách như thế nào", ông Hiển nói.
(Theo Vietnamnet.vn)