Phố Wall chưa thuộc bài học Lehman Brothers
 |
Người dân New York tập trung ngoài hội trường liên bang, nơi ông
Obama phát biểu, giương khẩu hiệu: “Cải tổ Phố Wall trước”. Trong khi
nhiều đại gia tài chính đang lãi trở lại, còn tỉ lệ thất nghiệp tại Mỹ
lại tăng lên gần 10% - Ảnh: Reuters |
Phố Wall phản công
Theo
AP, ngành tài chính Mỹ đang vận động hành lang dữ dội để cản trở kế
hoạch cải tổ của ông Obama. Phố Wall quyết loại bỏ hoặc ít nhất làm suy
yếu ý tưởng về cơ quan bảo vệ người tiêu dùng, với lý do nó sẽ làm tăng
chi phí của người tiêu dùng.
Các
tập đoàn tài chính cũng ra sức chống lại các quy định mới đối với những
giao dịch tài chính phức tạp với lý do chúng có thể cản trở các giao
dịch thương mại hợp pháp.
Quốc
hội Mỹ đang tập trung vào dự luật cải tổ hệ thống bảo hiểm y tế. Tuy
vậy, AP cho biết Đảng Dân chủ quyết tâm hoàn thiện dự luật cải tổ hệ
thống tài chính vào cuối năm nay. |
CNN cho biết trong bài phát biểu ngày 14-9 tại New
York, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói nền kinh tế và hệ thống tài chính
Mỹ đang ổn định trở lại, nhưng đó không phải là cái cớ để Phố Wall lại
đâm đầu vào con đường đã dẫn đến suy thoái.
“Thay vì học từ Lehman và cuộc khủng hoảng, một số
người tại Phố Wall cố tình phớt lờ chúng - ông Obama chỉ trích - Phố
Wall không thể quay lại hành động một cách mạo hiểm mà không tính đến
hậu quả, và hi vọng rằng lần kế tiếp người đóng thuế Mỹ sẽ lại tiếp tục
cứu họ”.
Trong khi đó BBC đưa tin tại Anh, Viện Nghiên cứu
chính sách công (IPPR) đưa ra cảnh báo tương tự. IPPR cho rằng sự trở
lại nhanh chóng của xu hướng “lương cao, thưởng lớn” trong giới ngân
hàng cho thấy các biện pháp cải tổ ngành tài chính vẫn còn cực kỳ hạn
chế.
“Trừ khi các nhà hoạch định chính sách hành động để
tạo ra một mô hình chủ nghĩa tư bản ổn định và bền vững hơn, phục vụ
lợi ích của số đông chứ không chỉ một nhóm tinh hoa ít ỏi, thì vẫn có
nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng kinh tế nữa” - IPPR cảnh báo.
Bất chấp một năm đầy khó khăn, các đại gia tại Phố
Wall vẫn kiếm bộn tiền từ lương thưởng. Nguồn tin Bloomberg cho biết
sau hai tháng đạt lợi nhuận và trả lại tiền cứu trợ cho chính phủ, Hãng
Goldman Sachs đã chi 11,36 tỉ USD cho tiền lương, thưởng chỉ trong vòng
sáu tháng đầu năm, tăng 33% so với năm 2008. JP Morgan Chase dự kiến
chi 14,5 tỉ USD, tăng 22%.
Morgan Stanley dù đã trả lại tiền cứu trợ cho
Washington nhưng vẫn liên tiếp lỗ trong trong suốt ba quý qua. Dù vậy,
hãng này vẫn dành tới 6 tỉ USD cho tiền lương thưởng cả năm nay. Số
tiền lương thưởng trong quý 2 là 3,87 tỉ USD, tương đương 72% tổng
doanh thu của hãng.
Giới chuyên gia xác định cũng chính vì những món lợi
khổng lồ như vậy mà lãnh đạo các tổ chức tài chính tại Phố Wall đã lao
đầu vào những khoản đầu tư mạo hiểm, đẩy hệ thống tài chính Mỹ vào
khủng hoảng. Ngày 31-7 vừa qua, Hạ viện Mỹ đã thông qua một dự luật hạn
chế mức lương thưởng trong ngành tài chính. Dự luật này cũng đã được đệ
trình lên thượng viện chờ thông qua. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết
dự luật này không mang tính bắt buộc, do đó các công ty ở Phố Wall có
quyền phớt lờ nó.
Hiện Tổng thống Obama đang thúc đẩy kế hoạch thắt chặt
các quy tắc luật lệ của ngành tài chính. AP cho biết ông Obama muốn đặt
ra các quy định về dự trữ tiền mặt chặt chẽ hơn đối với các ngân hàng,
vì cho rằng việc các ngân hàng đổ tiền mua các sản phẩm tài chính mạo
hiểm mà không giữ đủ tiền mặt trong quỹ dự trữ là nguyên nhân dẫn đến
khủng hoảng. Ông Obama muốn đảm bảo sự minh bạch tại các thị trường,
nơi các ngân hàng giao dịch các sản phẩm phức tạp nhất.
Ngoài ra, Nhà Trắng cũng muốn giao cho Cục dự trữ liên
bang (FED) thêm quyền giám sát, và đặt ra nhiều điều kiện để ngăn chặn
các công ty tài chính phình to quá mức. Ông Obama cũng muốn thành lập
một cơ quan bảo vệ người tiêu dùng để quy định về các sản phẩm tài
chính, giúp người dân hiểu rõ sản phẩm mà họ mua.
Theo Báo Tuổi Trẻ Online.