“Lâm tặc” giữa lòng Hà Nội
|
Hiện trường cây sưa bị chặt trên phố Phan Kế Bính ngày 1-9. Ảnh: Dương Hiệp |
Cây
sưa với những chùm hoa trắng muốt dịp tháng Ba đã đi vào thi, ca, nhạc,
họa và từ lâu trở thành một nét đẹp của phố, phường Hà Nội. Vậy mà giữa
Thủ đô, thời gian gần đây, loài cây này đang là mục tiêu của đám “lâm
tặc”. Từ đầu tháng 7 đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 11 vụ
chặt trộm cây sưa với thủ đoạn ngày càng liều lĩnh. Theo đà này, nếu
không kịp thời ngăn chặn, liệu vào dịp kỷ niệm Hà Nội tròn nghìn năm
tuổi, đường phố có còn bóng cây sưa?
Vấn nạn ngay giữa Thủ đô
Số
liệu mới nhất của CATP Hà Nội cho thấy từ đầu tháng 7 đến nay, việc
chặt trộm cây gỗ sưa đỏ có xu hướng gia tăng, đã xảy ra liên tiếp 11 vụ
với hình thức ngày càng tinh vi và liều lĩnh. Điển hình là những vụ
chặt tại phố Hoàng Đạo Thành ngày 17-8 và vụ ngày 1-9 ở phố Hàng Dầu,
quận Hoàn Kiếm đều xảy ra vào đêm khuya và gần sáng, những hôm trời mưa
gió. Đặc biệt phải kể đến trường hợp chặt hạ cây sưa có đường kính 40cm
(đường kính lõi đạt tới 26cm) nằm giữa khu tập thể Bách Khoa, xảy ra
vào sáng sớm ngày 8-9. Nhóm 4 tên lâm tặc bịt mặt đã dùng cưa máy, ra
tay lúc 2h sáng. Toàn bộ hành vi đốn cây và cắt gỗ của nhóm trộm này
chỉ diễn ra trong khoảng 5-7 phút. Lực lượng CA phường có mặt tại hiện
trường sau khi bọn trộm đã đi khỏi khoảng 7 phút. Ngày 15-9 vừa qua,
hành vi chặt phá cây sưa vẫn ngang nhiên diễn ra ngay trước cửa số nhà
23 phố Mai Động, quận Hoàng Mai. Khi bị nhân dân phát hiện, 5 lâm tặc
(trong đó có 1 đối tượng nữ) đã bỏ chạy…
Người
Hà Nội có hẳn một diễn đàn "yêu hoa sưa" tập hợp những thành viên có
cùng một sở thích và đam mê. Cộng đồng nhỏ đó đã lập danh sách cây sưa
để cùng nhau giữ gìn và bảo vệ. "Ra Hồ Gươm: còn 3 cây lớn bên bờ Hồ
chỗ gần Tháp Bút. Bên kia đường, gần ngã ba phố Đinh Tiên Hoàng - Hàng
Dầu có một cây nhỏ. Trên đoạn đường Lý Thái Tổ - Lê Phụng Hiểu - Tông
Đản - Hàng Dầu - Hàng Thùng có khoảng 12 cây. Tiếp đến khu ký túc xá Mễ
Trì - 182 Lương Thế Vinh có 9 cây trồng sát nhau chẳng theo hàng lối
nào cả. Quay lại đoạn ngã tư Trần Phú - Hoàng Diệu: có 3 cây khá đẹp.
Công viên Thành Công có 6-7 cây. Đây cũng là một trong những nơi không
gian rất đẹp để ngắm hoa sưa và chụp ảnh. Đường Láng: lác đác vài cây.
Đường Láng Hạ có 1 cây...". Trước vấn nạn chặt phá cây sưa, từ diễn đàn
này có thành viên còn nêu sáng kiến đóng góp tiền lắp đặt camera tại
những nơi có cây hoa sưa để phát hiện thủ phạm chặt phá cây...
Lật tẩy những bức màn huyễn hoặc
Cây
sưa trong con mắt "lâm tặc" đúng nghĩa là huê mộc vàng có giá trị như
vàng. Theo đồn thổi có giá tới hàng trăm triệu một gốc cây. Gỗ sưa
không bán theo súc mà theo cân, giá hàng chục triệu một cân. Nhiều
"truyền kỳ" cho rằng, các đại gia châu Á có thói quen dùng bột gỗ sưa
để ướp xác sau khi tạ thế và giới mafia nước ngoài thu mua gỗ sưa để
nghiền thành bột, cô đặc pha trộn với ma túy theo một tỷ lệ nhất định
để tăng lợi nhuận.
Vén
bức màn "kỳ bí", xóa bỏ các tin đồn thổi quanh huyền thoại huê mộc vàng
này, nhiều học giả đã lên tiếng. PGS-TS Nguyễn Lân Cường khẳng định:
"Người ta nói dùng gỗ sưa để ướp xác thì tôi không tin bởi nếu dùng ướp
xác phải dùng loại cây có tinh dầu thơm, cây sưa không có đặc tính
ấy''. PGS-TS Nguyễn Lân Cường cũng cho biết thêm, gỗ dùng trong các
ngôi mộ có xác ướp được khai quật ở Việt Nam đã xác định là Hoàng đàn
rủ, tên gọi cũ là Ngọc am và tên La-tinh là Cupressus funebris (Trung
Quốc gọi là San mộc) không phải là gỗ sưa.
Theo
GS Phùng Tửu Bôi - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn tự nhiên và Phát triển
cộng đồng thuộc Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp Việt Nam thì xung
quanh những tin đồn về giá trị cũng như mục đích thu mua loại gỗ này
của Trung Quốc, đã có một đoàn khảo sát của một viện khoa học chuyên
ngành sang tận nước bạn tìm hiểu. Theo dân gian, người Trung Quốc vẫn
cho rằng gỗ sưa phục vụ vấn đề tâm linh, làm đồ thờ cúng, đồ gia bảo mà
không hề có căn cứ khoa học nào. Cũng theo lời Giáo sư Phùng Tửu Bôi
thì đoàn công tác này về kể lại, thông tin loại gỗ này được nghiền
thành bột để pha trộn với ma túy là không có cơ sở khoa học và chưa
được kiểm chứng.
Làm gì để chặn đứng hành vi coi thường pháp luật
Không
đơn độc như ở rừng, nhưng cuộc chiến chống lâm tặc tại thành phố không
kém gian nan. Trong buổi làm việc giữa các bên liên quan về vụ việc cây
sưa bị triệt hạ gần đây nhất trên phố Phan Kế Bính ngày 11-9 vừa qua,
Phó Chủ tịch phường Cống Vị Hà Anh Tuấn cho biết: "Rất khó phát hiện
khi lâm tặc luôn biết cách ngụy trang và thường chọn thời điểm hành
động vào rạng sáng". Theo một cán bộ Công ty TNHH NN một thành viên
Công viên - Cây xanh, với trách nhiệm giữ gìn và bảo vệ nguồn gen quý
của cây sưa, công ty vẫn bảo đảm cung cấp đủ cây phủ xanh thành phố.
Nằm ngoài những "huyền thoại" vô căn cứ, qua nghiên cứu và trên thực tế
thử nghiệm cây sưa là loại cây dễ trồng, phát triển và có độ phủ xanh
rất tốt, rất thích hợp trồng trong môi trường đô thị.
Hiện
tại, cơ quan chức năng đã thu giữ nhiều cưa "đặc chủng" mà lâm tặc vứt
lại hiện trường. Đó là những chiếc cưa nhỏ dài khoảng 40-50cm rất chắc
chắn. Theo các chuyên gia, loại cưa này được thửa từ nước ngoài, rất
gọn và có khả năng cưa được cả sắt. Từ những tang vật này, cơ quan chức
năng đang ráo riết truy tìm dấu vết của lâm tặc. Thượng tá Nguyễn Văn
Nông - Trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự QLKT&CV (PC 15 - CATP
Hà Nội) khẳng định: Lực lượng chức năng đã quán triệt trong việc kiểm
tra xử lý các vi phạm, tội phạm đối với mặt hàng gỗ sưa. PC 15 đã có
văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các đội nghiệp vụ, lực lượng CSKT CA các
quận, huyện về việc tăng cường kiểm tra, xử lý những hành vi buôn bán,
vận chuyển trái phép gỗ sưa. "Chúng tôi đã đề nghị Công ty Công viên
cây xanh thông báo tới cơ quan CA từng quận, huyện về con số thống kê
số lượng cây sưa trên từng địa bàn. Từ đó công tác bảo vệ sẽ chặt chẽ
hơn. Việc chặt phá cây sưa xảy ra tại địa bàn nào, đơn vị chức năng tại
đó phải chịu trách nhiệm trước hết" - Thượng tá Nguyễn Văn Nông nhấn
mạnh. Hiện PC15 đã vào cuộc điều tra, làm rõ một số vụ chặt phá cây sưa
vừa xảy ra trên địa bàn TP Hà Nội.
Theo
Phòng Cảnh sát môi trường - CATP, gần đây đã xuất hiện số đối tượng
"mượn" hóa chất, nước sôi... để "giết" cây sưa rồi chặt hạ trái phép.
Để bảo vệ cây sưa, bên cạnh các nỗ lực của chính quyền và lực lượng CA,
rất cần ý thức phối hợp của người dân để chặn đứng tình trạng này.
Trước việc hàng loạt cây sưa (loại cây thuộc nhóm 1A, trong danh mục
thực vật hạn chế khai thác vì mục đích thương mại) bị chặt phá trong
thời gian qua, Phòng Cảnh sát môi trường đang phối hợp với các đơn vị
liên quan, rà soát chính xác số lượng các cây sưa tại địa bàn các quận,
huyện, thị xã... Qua đó, tham mưu cho Giám đốc CATP có văn bản chỉ đạo
CA các địa phương có kế hoạch, phương án giao cho chính quyền sở tại
quản lý, bảo vệ.
Cùng
với sự vào cuộc kiên quyết của các cơ quan chức năng, người dân Thủ đô
đã sẵn sàng, hăng hái góp một phần sức lực đấu tranh với bọn lâm tặc.
Bà con sinh sống xung quanh khu vực hồ Gươm cũng có một thỏa thuận
ngầm, bằng mọi giá bảo vệ 3 cây sưa bên cạnh đền Ngọc Sơn. Chỉ cần có
người phát hiện ra lâm tặc sẽ gọi điện báo cho cả phố và lực lượng bảo
vệ hồ Hoàn Kiếm cùng CS 113. Quyết tâm này cho thấy bằng một tình yêu
Hà Nội bao la, các cơ quan chức năng và cả xã hội đang vào cuộc, tuyên
chiến với hành vi thách thức và coi thường kỷ cương pháp luật, bảo vệ
cây sưa.
Trong
khi chúng tôi đang thực hiện bài viết này, sáng sớm 15-9, thêm một cây
sưa gần 20 năm tuổi tại trước cửa số nhà 167A Xuân Thủy, phường Dịch
Vọng Hậu, quận Cầu Giấy đã bị một nhóm đối tượng cưa trộm. Đây là vụ
cưa trộm cây sưa đỏ thứ 2 liên tiếp trong 2 ngày qua. Theo nhiều nhân
chứng kể lại, khoảng 5h sáng dậy tập thể dục, họ thấy có một thanh niên
mặc áo phông trắng, quần tối màu đang cưa gốc cây sưa trước cửa số 167A
Xuân Thủy. Gần đó có một phụ nữ ngồi trên chiếc xe máy Dream và 3 thanh
niên khác đi bộ lảng vảng xung quanh cảnh giới. Một lúc sau, cây sưa
trên bị đổ, song thấy có nhiều người bắt đầu qua lại, các đối tượng
trên đã bỏ chạy.
Sau
khi nhận được thông tin, Đội CSĐT tội phạm về TTXH, CA quận Cầu Giấy
phối hợp với CA phường Dịch Vọng Hậu và Xí nghiệp Quản lý cây xanh số 4
đã tới lập biên bản hiện trường để phục vụ công tác điều tra.
Triệu Hoa |
Theo Báo Hà Nội Mới.