Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ năm, 17/09/2009 09:44
Cần giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh Việt Nam
Thêm một năm tụt dốc về môi trường kinh doanh trong bảng xếp hạng toàn cầu, nếu không khắc phục, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài "chảy" vào Việt Nam sẽ chậm lại, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo.

Báo cáo môi trường kinh doanh năm 2010 do Ngân hàng thế giới (WB) mới công bố: Việt Nam đứng thứ 93 trong số 183 nước, tụt một bậc so với năm ngoái và hạ 6 bậc so với báo cáo năm 2007.

"Kết quả trên cho thấy môi trường kinh doanh Việt Nam đang xấu đi, cần những cải cách mạnh hơn nữa nhằm khắc phục những vấn đề còn tồn đọng", Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright nói.

Điều ông Tự Anh quan ngại là những nhà đầu tư nước ngoài không có cơ hội tiếp xúc, trao đổi, cọ xát nhiều với doanh nghiệp Việt Nam. Họ thường theo dõi các báo cáo, xếp hạng của WB, hoặc từ Diễn đàn kinh tế thế giới, để đánh giá một quốc gia. Cho nên, kết quả tụt hạng năm nay được các chuyên gia kinh tế dự đoán sẽ phần nào ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư trực tiếp.

Bảng xếp hạng môi trường kinh doanh khu vực Đông Á - Thái Bình Dương:
Singapore dẫn đầu, Việt Nam đứng thứ 93.

Cải cách môi trường kinh doanh trong thời kỳ hậu suy thoái được nhiều chuyên gia đề cập, nhằm tìm giải pháp thúc đẩy kinh tế phát triển. Hàn Quốc, sau khủng hoảng tài chính châu Á 1997, đã "xốc" lại toàn bộ hệ thống doanh nghiệp cũng như các quy trình thủ tục. Chỉ trong một thời gian ngắn, nền kinh tế Đông Á này loại bỏ 6 nghìn trong tổng số 12 nghìn văn bản quy định về thủ tục hành chính.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng, Việt Nam có thể học được rất nhiều từ Hàn Quốc:"Có thể bỏ ít nhất 1/3 số văn bản đang dồn đè lên nhau", vị chuyên gia đang nghiên cứu về kịch bản hậu suy giảm kinh tế nhận định.

Trong một cuộc họp mới đây, Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng những giải pháp kích thích kinh tế được áp dụng đầu năm 2009 như bảo lãnh tín dụng, giảm thuế, hỗ trợ xuất khẩu, chuyển hướng thị trường nội địa... giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn, duy trì sản xuất, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng sản lượng. "Nhưng cái yếu là khả năng cụ thể hóa chính sách và thủ tục hành chính, để tạo sự đồng bộ trong các chính sách vĩ mô. Đây là vấn đề gây khó khăn cho doanh nghiệp trong trước mắt cũng như lâu dài", ông Kiêm nói.

Thủ tục hành chính quá rườm rà từ lâu đã được phản ánh, nhất là mảng thuế, gây mất thì giờ cho doanh nghiệp, khiến thứ hạng Việt Nam tiếp tục bị kìm hãm.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế (Viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội): "Dù thời gian có được giảm xuống dưới 1.050 giờ đi nữa, thì các thủ tục này vẫn đang tiêu tốn nhiều thời gian của doanh nghiệp".

Tuy nhiên, ông Phong cho rằng cuộc khủng hoảng hiện nay chưa có tiền lệ, mỗi nền kinh tế có cách đối phó và hỗ trợ doanh nghiệp khác nhau. Đơn cử như Việt Nam đã hỗ trợ doanh nghiệp bằng bù lãi suất, kinh tế vẫn tăng trưởng trong khi nhiều nền kinh tế khác tăng trưởng âm. Vì thế, cách đánh giá về môi trường kinh doanh cũng cần có các tiêu chí mới phù hợp hơn với thực tế.

Chuyên gia kinh tế Trần Bá Tước (hiện là cố vấn Công ty phát triển công nghiệp Tân Thuận, TP HCM) chia sẻ, những tồn đọng ngốn nhiều thời gian để giải quyết. Đơn cử như việc chống ngập, kẹt xe, thủ tục hành chính rườm rà của TP HCM đã được bàn bạc trong các kỳ họp Hội đồng nhân dân, nhưng đến nay, cảnh ngập lụt, ách tắc giao thông vẫn diễn ra trên các tuyến phố... "Chính những tồn đọng này đã hạn chế dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và tìm đến những quốc gia có môi trường kinh doanh thuận lợi hơn", ông nhận định.

Để không còn đứng bậc thấp trong những năm tiếp theo, hút dòng vốn đầu tư nước ngoài mạnh hơn nữa, Việt Nam cần có biện pháp mạnh, và xắn tay làm ngay để đẩy lùi những hạn chế, nhất là những chỉ số mà Việt Nam xếp hạng trên 100 trong báo cáo", vị chuyên gia khuyến cáo.
 

(Theo VnExpress.net)

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)