Sức sống từ Những ngọn đèn trước gió
 |
Hồng Công và Nguyễn Văn Toán trong một buổi giao lưu - Ảnh do Nguyễn Văn Toán cung cấp |
"Những người đã mắc phải căn bệnh
như tụi em thì phải luôn xác định tư tưởng để đón nhận ngày có kết quả
xấu nhất mình không thể chống chọi, mình buộc phải ngừng cuộc chiến.
Quan trọng là mình sống với nó như thế nào, mình đã làm những gì để
chiến đấu với nó để có thêm những ngày tháng bên gia đình, bạn bè, được
vui cười, được "khỏe mạnh" như thế này" - Nguyễn Văn Toán (Nam Ðịnh),
bệnh nhân ung thư máu và là tác giả cuốn sách Những ngọn đèn trước gió, chia sẻ.
Sách của nghị lực sống
Ngoài Nguyễn Hồng Công với hai cuốn sách Khát vọng sống để yêu và Ở trọ trần gian,
còn có Nguyễn Ngọc Sơn, mắc bệnh viêm cầu thận từ khi còn học lớp 10
nhưng vẫn thi đậu hai trường đại học, là tác giả của cuốn sách Xin đừng khóc nữa mẹ ơi và sắp cho ra mắt cuốn Không là cơn gió thoảng qua.
Nguyễn Văn Toán cho ra cuốn sách Những ngọn đèn trước gió khi mang bệnh ung thư máu.
Còn
Lê Thị Minh Nguyệt mắc bệnh ung thư từ khi là sinh viên năm 4 nhưng vẫn
chiến đấu để tốt nghiệp đại học, trở thành cô giáo với tác phẩm Vẫn tin ở ngày mai.
N.NAM |
Mỗi lần trò chuyện với Hồng Công,
câu mở đầu của hai chị em luôn là "Chị/em khỏe không?". Không phải câu
hỏi thăm xã giao, với những người như Toán, Hồng Công thì sức khỏe tính
từ tích tắc đồng hồ, từng đợt điều trị. "Chỉ cần biết tin một người
đồng bệnh đi xa, dù cứng rắn mấy vẫn cảm thấy rất thất vọng và chán
nản, không còn hi vọng gì ở đợt truyền hóa chất tiếp theo của mình vì
kết quả cuối cũng vẫn là như thế.
Nhưng ngẫm lại mình còn đến ngày
hôm nay đã là may mắn" - Toán tâm sự trong tiếng nói ngắt quãng vì sức
khỏe không mấy tốt. Toán và các bạn ở "xóm ung thư" dặn nhau rằng sống
được hôm nay đã là may mắn, phải cố gắng sống để ngày ấy đến không phải
hối tiếc. Các bạn còn "bắt" nhau phải hứa: "Nếu một người nào đấy đi
trước thì những người còn lại phải sống luôn phần của bạn mình để không
phải hối tiếc".
Nghị lực màu hồng
Với Nguyễn Ngọc Sơn (Phú Thọ), tác giả Xin đừng khóc nữa mẹ ơi, sắp
tới anh sẽ thực hiện một chuyến đi về Trường Sơn dẫu một tuần ba lần đi
lọc máu. "Cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn nên mình không thể ngừng được" -
Sơn tâm sự qua điện thoại.
Nguyễn Phương Nhung, cô gái 26
tuổi, một cư dân của "xóm chạy thận", không ít lần thổn thức với trang
nhật ký của mình. "Dù muốn dù không ta cũng biết chắc một điều rằng ta
không thể sở hữu thời gian, bắt thời gian ngưng lại.
Thời gian cứ trôi đi và con người
luôn mong đến ngày mai để hi vọng vào những điều tốt đẹp, cho dù ai
cũng biết mỗi ngày qua đi là thời gian sống cũng ngắn lại... Có quá khứ
để một lúc nào đó ta nhìn lại phía sau, nhìn lại một khoảng thời gian
và nhìn lại bản thân để biết mình đã sống. Có hiện tại để tự thử thách
và cảm nhận cuộc sống đẹp đẽ mình đang sống. Có tương lai để ta có hi
vọng và biến mơ ước thành sự thật. Khi còn được sống hãy sống thật
nhiệt tình, sống hết mình vì bản thân và mọi người".
VI THẢO
Từ câu chuyện của Nguyễn Hồng Công
Sống ý nghĩa hơn
Từ câu chuyện về nghị lực và khát vọng sống của
Nguyễn Hồng Công, chúng tôi đã làm một bàn tròn với một nhóm học sinh
của Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3, TP.HCM)...
 |
Nhóm bạn trẻ Trường Nguyễn Thị Minh Khai đang đọc blog Nguyễn Hồng Công - Ảnh: P.LONG |
Nguyễn Thái Lan Hương (12P1) nói mình không thể nào
quên được những người bạn cùng trang lứa đã gặp trong lần đầu tiên vào
Bệnh viện Ung bướu. Ở mỗi khuôn mặt mà Hương tiếp xúc là một câu chuyện
về khát vọng sống, chống chọi bệnh tật để sống.
Hương được nghe kể, được tiếp xúc và trò chuyện với cả
những bạn đồng trang lứa phải gắn cuộc đời của mình với bệnh viện mà
thời gian còn lại chỉ đếm từng ngày. Hương đã suy nghĩ rất nhiều về
những quãng thời gian mình phí phạm cho những việc vô ích, những buổi
đi chơi không mục đích.
Đồng cảm với bạn mình, Võ Duy Tân (12A14) cho biết đã
có lúc những đêm lễ tết của Tân gắn liền với những cuộc chơi và chưa
bao giờ nghĩ mình thật may mắn, cho đến khi bắt gặp ánh mắt khát khao
được vui chơi của những em nhỏ đi bán kẹo, vé số. Tân đã ước một lần
được làm gì đó giúp các em.
Tân trở thành ông già Noel của những đứa trẻ đường
phố, cơ nhỡ trong một đêm Giáng sinh do Tân và các bạn trong trường tổ
chức. “Đêm đó mình được các em hôn rất nhiều, vui sướng khó mà tả hết”.
Lan Hương thì chia sẻ: “Mỗi người đều có một thời gian
sống khác nhau, có thể nhiều cũng có thể ít hơn. Nhưng mình nghĩ điều
quan trọng là làm được gì trong thời gian mình còn sống, còn được hạnh
phúc bên người thân. Mình đã bớt đi thời gian vui chơi mà dành nó vào
những việc làm ý nghĩa hơn như đi phát cơm cho các em bị ung thư, tranh
thủ thu xếp những bộ quần áo không dùng để gửi tặng các bạn ở miền
Trung bị bão lụt”.
Còn Trịnh Thị Hiền Trân, bí thư Đoàn trường Nguyễn Thị
Minh Khai, cho biết mình thật sự được “đánh thức” từ câu chuyện của
Nguyễn Hồng Công. “Mình luôn xem chị như tấm gương soi vào để sống có ý
nghĩa hơn với cuộc đời. Mình biết rằng mình rất hạnh phúc khi có cuộc
sống tốt hơn nhiều bạn cùng trang lứa và còn nhiều thời gian để làm gì
đó cho bản thân và những người xung quanh”.
PHI LONG |
Theo Báo Tuổi Trẻ Online.