Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ hai, 21/09/2009 09:53
Kinh tế biển phải gắn với bảo vệ chủ quyền
“Chúng tôi mong muốn tập hợp những người gắn bó với biển, yêu biển để phát triển kinh tế biển gắn liền với bảo vệ chủ quyền biển...” - chuẩn đô đốc, thiếu tướng Lê Kế Lâm mở đầu cuộc trao đổi về nhiệm vụ của Hội KH-KT và kinh tế biển TP.HCM vừa được thành lập.

Ngoài phục vụ quân đội, thiếu tướng Lâm còn là PGS - TS giảng dạy ở Học viện Hải quân, hiện ông được tín nhiệm bầu làm chủ tịch Hội Biển TP.HCM.

Với một quốc gia có đường bờ biển dài trên 3.260km (chưa tính các đảo) thì cuộc sống người dân dựa rất nhiều vào biển. Vì vậy, kinh tế biển và chủ quyền biển đảo là một vấn đề sống còn. Trong ảnh: những người phụ nữ sống nhờ biển ở Phước Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu) - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

* Thưa thiếu tướng, trong tình hình biển Đông đang có nhiều vấn đề về khai thác tài nguyên và chủ quyền hiện nay, những yêu cầu cấp bách nào đã dẫn đến sự ra đời Hội Biển TP.HCM?

- Chúng tôi nhận thức rõ rằng không chỉ tương lai mà ngay hiện nay biển đã có tầm quan trọng đặc biệt đối với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng của đất nước. Nghị quyết về chiến lược biển VN đến năm 2020 trong hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X cũng nêu rõ nội dung nước ta phải trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng từ biển, phát triển toàn diện các ngành nghề biển...

Thiếu tướng Lê Kế Lâm - Ảnh: Q.Việt

Nó phải kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh. Trong khi đó, diễn biến thực tế về an ninh, chủ quyền biển đảo; tranh chấp giữa các quốc gia trong phân định ranh giới, khai thác nguồn lợi biển cũng đang là vấn đề nóng bỏng.

Ngoài ra, VN gia nhập WTO, kinh tế biển cũng thể hiện vai trò quan trọng trong thời kỳ hội nhập. Đặc biệt, TP.HCM là đầu tàu phát triển kinh tế của đất nước nên phải tìm kiếm, xây dựng các giải pháp góp phần đưa đất nước vượt qua khủng hoảng để phát triển. Trong đó có các thành phần kinh tế biển như hệ thống cảng biển lớn, vận chuyển hàng hải, nuôi trồng và khai thác hải sản...

* Trong điều lệ hoạt động, Hội Biển TP.HCM có chức năng phản biện để đóng góp phát triển kinh tế biển. Hội sẽ thực hiện chức năng này như thế nào?

- Về nhiệm vụ kinh tế - xã hội, chúng tôi định hướng tham gia nghiên cứu các quy hoạch cảng biển, kết nối đường bộ và đường thủy, khai thác kinh tế biển Cần Giờ gắn với an ninh quốc phòng, đào tạo nguồn nhân lực cho kinh tế biển... Ngoài nghiên cứu tư vấn, hội còn thực hiện chức năng phản biện và giám định xã hội với TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.

Thực tế chúng tôi đã góp ý phản biện với Chính phủ về việc không nên xây dựng nhà máy thép ở Vân Phong, Khánh Hòa. Khu vực này rất thuận lợi để phát triển cảng trung chuyển quốc tế trong thời bình. Còn thời chiến, Vân Phong kết nối liên hoàn với Cam Ranh, bảo vệ miền Trung và khu vực biển này.

“Phát triển kinh tế biển phải gắn với bảo vệ chủ quyền” - ông Lê Kế Lâm, chủ tịch Hội Biển TP.HCM. Trong ảnh: cảng cá cầu Trần Phú, Nha Trang - Ảnh: H.T.Vân

* Đại hội lần thứ nhất của hội vừa diễn ra ở TP.HCM có đề cập sâu nội dung tham gia bảo vệ môi trường và chủ quyền biển. Cụ thể, hội sẽ làm những gì để tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo VN?

- Chúng tôi sẽ tập trung tuyên truyền cho nhân dân, đặc biệt là lớp trẻ, ngày càng hiểu rõ hơn về chủ quyền biển đảo của đất nước mình. Trong đó phải hiểu thế nào là chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của VN với quốc tế. Chúng tôi cũng sẽ tham gia tuyên truyền cụ thể cho nhân dân biết lịch sử và hiện tại chủ quyền của VN với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nó sẽ cho thấy rõ đâu là lẽ phải, đâu là sự xuyên tạc.

Mong muốn của chúng tôi là ngày càng có nhiều người VN hiểu và yêu biển đảo của đất nước hơn. Rồi mỗi người sẽ góp phần xây dựng, phát triển kinh tế cũng như sẵn sàng chiến đấu, hi sinh cho chủ quyền biển đảo của chúng ta. Tất nhiên chúng ta mong muốn hòa bình, không muốn gây hấn với bất cứ ai. Nhưng nếu có kẻ muốn làm điều đó với chúng ta thì chúng ta phải sẵn sàng đấu tranh lại...

Hội Khoa học - kỹ thuật và kinh tế biển TP.HCM (Hội Biển TP.HCM) là thành viên của Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM. Hội được thành lập ngày 19-9-2009 với khoảng 300 hội viên là các trí thức, doanh nhân, người yêu biển và người gắn bó với biển.Văn phòng hội đặt tại Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM (2 đường D3, khu Văn Thánh Bắc, P.25, Q.Bình Thạnh). Mọi người dân VN đều có thể tự nguyện làm đơn xin gia nhập hội.

* Những nhiệm vụ này sẽ được thực hiện thế nào, thưa thiếu tướng?

- Chúng tôi sẽ lập các câu lạc bộ để hoạt động. Ngoài nghiên cứu, tư vấn, phản biện kinh tế - xã hội, sẽ có câu lạc bộ hoạt động tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển đảo. Chúng tôi đang tính toán sắp tới sẽ tổ chức một hội thảo về quá trình lịch sử quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VN. Ngoài các nhà sử học, nghiên cứu khoa học, luật pháp biển, chúng tôi sẽ mời thêm đại diện của lực lượng hải quân, biên phòng...

* Hội sẽ làm gì để được đông đảo người dân tham gia?

- Tất cả công dân VN từ trí thức đến quân nhân, nhà giáo, công nhân, nông dân... đều có thể tham gia làm hội viên. Để tập hợp đông đảo người dân tham gia, hội đã đề ra nguyên tắc hoạt động tự nguyện trong tham gia, dân chủ trong trao đổi và đồng thuận trong công việc... Từng đi qua chiến tranh, chúng tôi hiểu chính sức mạnh nhân dân và chiến tranh nhân dân đã đem lại cho chúng ta chiến thắng vẻ vang. Trong tương lai, nếu ai đem chiến tranh đến cho chúng ta thì dân tộc chúng ta sẽ lại sẵn sàng dùng sức mạnh nhân dân, chiến tranh nhân dân để chiến đấu và chiến thắng.

* Không chỉ người dân trong nước, hiện VN còn có đông đảo kiều bào đang sinh sống ở nước ngoài. Hội Biển TP.HCM có mời gọi lực lượng Việt kiều tham gia?

- Ngay trong điều lệ hoạt động, chúng tôi đã nhấn mạnh đến sự tham gia của đồng bào đang sinh sống ở nước ngoài, nhất là giới trí thức, bằng cách vận động, tập hợp và tạo điều kiện. Thực tế nhiều người đã gửi lời đề nghị tham gia với hội.

Chúng tôi biết rằng ngoài tâm huyết và chất xám, bà con ở nước ngoài còn đang giữ nhiều tư liệu hoặc có điều kiện tiếp cận các tư liệu lịch sử quan trọng liên quan đến biển đảo VN ở các thư viện, trung tâm lưu trữ Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý, Pháp... Các tư liệu quý giá này sẽ góp phần giúp chúng ta khẳng định thêm chủ quyền lịch sử đối với biển đảo của đất nước.

* Có nhiều góp ý rằng hội nhập là phương thức hợp tác tốt nhất để khai thác tiềm năng kinh tế của biển, đồng thời tăng cường bảo vệ chủ quyền biển đảo. Quan điểm của thiếu tướng thế nào?

- Đây là một ý kiến hợp lý. Trong tình hình này, việc mời gọi các nước cùng đầu tư khai thác kinh tế biển VN là cần thiết. Việc bảo vệ chủ quyền biển phải được xây dựng trên sức mạnh tổng hợp của quốc gia, trong đó phải bao gồm cả quân sự, kinh tế, ngoại giao...

Xây dựng một lực lượng quân sự trên biển rất khác và tốn kém hơn trên bộ. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta không xây dựng được lực lượng hải quân có sức mạnh nhất định, đủ sức răn đe. Khi có những cái đầu nóng nào đó muốn gây hấn chúng ta, họ sẽ bị giáng trả và chịu tổn thất.

* Cảm ơn ông.

QUỐC VIỆT thực hiện

 

Ông Đỗ Thái Bình (giám đốc Công ty dịch vụ biển Samaser):

Lòng yêu nước sẽ lớn lên cùng tình yêu biển

Biển không chỉ là nơi đánh bắt, khai thác thủy sản mà còn là nơi mọi người có thể vui chơi, giải trí. Từ những hoạt động giải trí trên biển, tình yêu biển sẽ trỗi dậy. Tôi có nghe câu “Lòng yêu nước bắt đầu từ tình yêu những vật tầm thường nhất”. Có nghĩa là chúng ta cần đặt ra vấn đề lớn hơn từ những câu chuyện nhỏ, trong câu chuyện này tinh thần yêu nước sẽ lớn lên cùng tình yêu biển.

Chúng ta là quốc gia biển nhưng chưa có trường học nào gần biển hay trên biển. Làm gì cần thiết để phát huy lòng yêu biển hơn? Nhiều nhà khoa học từng đặt ra tại sao chúng ta chưa có bảo tàng hàng hải, khuyến khích lòng yêu biển của chúng ta còn chung chung quá, trong khi biển còn nhiều điều rất thú vị, hàng hải dân tộc còn nhiều điều vĩ đại hơn thế.

NHƯ BÌNH ghi

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)