Chương trình mới+Cách thi cũ=Hiệu quả kém
 |
Thí sinh mỗi người một tâm trạng - Ảnh: Hồng Vĩnh |
Giáo viên hụt hơi
Trường THPT Minh Khai (Đức Thọ, Hà Tĩnh) là một trong
những trường tham gia thí điểm chương trình, sách giáo khoa (SGK) mới
từ rất sớm. Vì thế, trường có nhiều thuận lợi khi thực hiện đại trà
trong ba năm qua. Chẳng hạn, giáo viên của trường được tập huấn khá kỹ
về chương trình, SGK mới.
Tuy nhiên, theo thầy Trần Viết Niệm, Hiệu trưởng nhà
trường thì sự chuẩn bị này chỉ mới dừng lại ở góc độ chuyên môn thuần
tuý. “Phần cần quan tâm là tư tưởng chính trị, tình cảm của giáo viên
và cơ chế chính sách dành cho họ thì chúng ta làm chưa đồng bộ”, thầy
Niệm nhận xét.
Thầy Niệm kể một câu chuyện xảy ra trong thực tế ở
trường mình để chứng minh. Thực hiện chủ trương của Bộ GD&ĐT, cuối
năm học 2008 – 2009 trường tổ chức thí điểm cho học sinh lớp 12 góp ý
về giáo viên dạy mình. Có học sinh góp ý cho một thầy giáo như sau:
“Lúc đầu em tưởng thầy không biết dạy. Nhưng qua giờ
thao giảng, em mới vỡ ra rằng thầy dạy rất hay, kiến thức rất phong
phú. Ước gì giờ nào chúng em cũng được học như giờ thao giảng”.
 |
Trước giờ thi - Ảnh: Hồng Vĩnh |
Câu
chuyện này nói lên một thực tế không chỉ riêng của trường THPT Minh
Khai: Bên cạnh những giáo viên trình độ chưa đạt yêu cầu có không ít
giáo viên có năng lực, đã từng có tâm huyết nhưng hiện nay họ chững lại
và thiếu tâm huyết.
Trước thực tế phần lớn học sinh kêu nặng khi học và
nhiều giáo viên cũng cảm thấy hụt hơi khi dạy chương trình, SGK mới,
nhiều đại biểu cho rằng, lỗi trước hết là do giáo viên chưa được chuẩn
bị tốt.
Điều này do nhiều nguyên nhân: Khâu đào tạo dở (ngay
cả với những giáo viên vừa tốt nghiệp ĐH Sư phạm vừa ra trường cũng
không thích ứng được với yêu cầu đổi mới phương pháp của chương trình
mới); giáo viên không chịu học hỏi, tìm tòi, cập nhật kiến thức/ phương
pháp mới; cơ chế đãi ngộ không phù hợp khiến giáo viên không hào hứng
với công việc; tư tưởng quá coi trọng SGK cố hữu trong mỗi giáo viên
khiến chủ trương coi trọng chương trình, không lệ thuộc SGK của Bộ
không tới được cơ sở.v.v...
Để an toàn cho bản thân mình (chuyển tải đủ kiến thức
từ chương trình, SGK tới học sinh trong 45 phút của một tiết học), phần
lớn giáo viên chọn phương pháp đọc – chép.
Học vẫn chỉ để thi
Một trong những minh chứng được xem là biểu hiện rõ
rệt nhất cho hiệu quả thấp của chương trình mới sau ba năm thực hiện là
sự thất bại của phân ban. Dù chương trình thiết kế theo ba ban (Khoa
học Tự nhiên, Khoa học Xã hội & Nhân văn, Cơ bản) nhưng kết cục là
trong suốt ba năm qua học sinh cả nước đổ xô vào học ban Cơ bản.
Năm năm nữa vẫn chưa có thay đổi
Trao đổi với các phóng viên tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển
cho biết, dù phân ban không đạt được mục đích ban đầu nhưng Bộ
GD&ĐT chỉ xóa sổ ban nào không còn người học và sẽ chưa có thay đổi
nào lớn cho đến năm 2015.
Ông Nguyễn Vinh Hiển cũng thừa nhận hiện tượng thi cái gì, học cái đấy như các Sở GD&ĐT và các cơ sở phản ánh là có thật. Tuy đổi mới thi cử là một chủ trương của Bộ GD&ĐT nhưng hiện tại chưa có giải pháp nào đột phá và phải làm dần dần.
Ông Hiển cũng cho biết, những năm
trước đây, Cục Khảo thí & Kiểm định Chất lượng còn đề xuất tiến tới
tổ chức các kỳ thi mà tất cả các môn đều thi trắc nghiệm, trong đó có
môn văn. Nhưng sau một số năm thực hiện các môn ngoại ngữ, vật lý, sinh
học, hóa học, Bộ GD&ĐT đã thôi mở rộng các môn thi trắc nghiệm.
Hai năm vừa rồi, Bộ đã cải tiến đề thi theo xu hướng khuyến khích ra đề thi mở với những môn tự luận.
Trong quá trình dạy học, Bộ yêu
cầu các Sở chỉ đạo các trường phải thực hiện hài hòa giữa hình thức thi
trắc nghiệm và tự luận, đảm bảo việc kiểm tra để điều chỉnh việc dạy và
học chứ không chỉ nhằm mục đích đánh giá. |
Chẳng
hạn, năm học vừa qua, cả nước có gần 84 phần trăm học sinh lớp 10 theo
học ban Cơ bản và chỉ có chưa đến hai phần trăm theo học ban Khoa học
Xã hội & Nhân văn. Trong đó, các vùng Đông Bắc và Tây Bắc hầu hết
(92 – 94 phần trăm) học sinh học ban Cơ bản; các vùng duyên hải Nam
Trung Bộ, Đông Nam Bộ số học sinh học ban Khoa học Xã hội & Nhân
văn chưa đến một phần trăm.
Theo nhiều đại biểu, cơ cấu phân ban như hiện nay rất
khó cải thiện trong những năm tới. Nguyên nhân: Mục tiêu của chương
trình mới mà Bộ đề ra rất hay nhưng trong thực tế, dù là chương trình
mới hay cũ, mục tiêu của đại đa số học sinh là học để thi.
Cũng vì học để thi mà việc thực hiện các chuẩn kỹ năng
cũng như đổi mới phương pháp dạy học trở thành không cần thiết với đại
đa số học sinh cũng như giáo viên. Trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT,
tuyển sinh ĐH, CĐ, nhiều môn thi theo hình thức trắc nghiệm. Vì vậy,
trong quá trình dạy học, giáo viên và học sinh dành nhiều công sức cho
việc luyện làm bài thi trắc nghiệm.
Theo thầy Nguyễn Trường Giang, hiệu trưởng trường THPT
chuyên Lào Cai, ngay như việc học sinh chỉ nhằm tới mục đích làm sao
làm bài tốt khi thi môn vật lý (thi trắc nghiệm) đã mâu thuẫn với mục
tiêu của môn học.
Thầy Giang nói: “Trong quá trình dạy học, học sinh
phải nắm được bản chất, diễn biến của hiện tượng, áp dụng quy luật của
tự nhiên vào thực tiễn đời sống. Theo đó, những tính toán với con số
cuối cùng không thật sự quan trọng. Nhưng thi trắc nghiệm lại không
đánh giá được quá trình đó”.
Một đại diện Sở GD&ĐT Vĩnh Long cũng bức xúc: “Môn
ngoại ngữ được xem là môn học áp dụng phù hợp nhất hình thức thi trắc
nghiệm. Nhưng cách tổ chức thi trắc nghiệm của chúng ta chỉ đòi hỏi thí
sinh có kỹ năng đọc, hiểu. Còn kỹ năng nghe, nói thì không màng tới.
Thế thì làm sao đòi hỏi học sinh lớp 12 có thể giao tiếp những nội dung
đơn giản với người nước ngoài?”.
Tình trạng lệ thuộc vào SGK của giáo viên cũng từ mục
tiêu học để thi này. Bộ cho phép giáo viên có thể lược bớt một số nội
dung trong SGK và thay vào đó là hướng dẫn học sinh cách tự học. “Nhưng
nhiều giáo viên không dám thực hiện chỉ vì sợ nhỡ khi học sinh đi thi,
nội dung đề rơi vào phần đã bỏ!”, ông Đào Việt Hùng, Phó Trưởng phòng
Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Bà Rịa – Vũng Tàu chia sẻ.
Theo báo Tiền Phong Online.