Hàng Việt vào Nhật dễ hơn
 |
Nhiều mặt hàng chế biến hoa quả của Vinamit đang kỳ vọng xuất khẩu vào thị trường Nhật -Ảnh: THANH ĐẠM |
Năm ngày nữa, trên 7.000 mặt hàng VN khi đi vào Nhật
thuế suất sẽ còn 0%. Trong đó rất nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản, đồ
nội thất... có thể thâm nhập thị trường này mà không vướng hàng rào kỹ
thuật.
Đây là một trong những nội dung triển khai của Hiệp định Đối tác kinh tế VN - Nhật Bản (VJEPA).
 |
Chế biến bắp non đóng hộp để xuất khẩu sang Nhật tại Công ty Antesco -Ảnh: Đ.Vịnh |
Theo ông Huỳnh Quang Đấu - tổng giám đốc Công ty Dịch
vụ kỹ thuật nông nghiệp An Giang (Antesco), ngay sau khi có thông tin
giảm thuế, nhiều khách hàng Nhật Bản đã chủ động gọi điện đặt thêm số
lượng và hỏi mua thêm nhiều loại sản phẩm.
Xuất trực tiếp vào siêu thị
"Qua tính toán, chúng tôi tin là có thể tăng khoảng 20% sản lượng xuất khẩu sang Nhật thời gian tới"
Ông HUỲNH QUANG ĐẤU (tổng giám đốc Công ty Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp An Giang) |
Vinamit là một trong số ít công ty chế biến hoa quả đã
xuất hàng qua Nhật vài năm nay, nhưng số lượng còn khiêm tốn chừng vài
container mỗi quý. Ông Nguyễn Lâm Viên - tổng giám đốc Vinamit - tỏ ra
rất lạc quan khi thuế suất những mặt hàng của Vinamit được giảm xuống
0%.
“Trước nay chúng tôi chủ yếu xuất theo phương thức
FOB, bây giờ khả năng tiếp cận thị trường sẽ thuận lợi hơn. Chắc chắn
tình hình sẽ được cải thiện!” - ông Viên bộc bạch.
Ông Lê Văn Quang, tổng giám đốc Công ty CP thủy hải
sản Minh Phú (Cà Mau), cho biết việc giảm thuế tôm đông lạnh có ý nghĩa
rất lớn đối với ngành xuất khẩu tôm của VN do giá thành nuôi tôm của VN
cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Việc giảm thuế vào thị
trường Nhật Bản sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho các sản phẩm tôm của VN
cạnh tranh tại thị trường này. Hiện Nhật Bản là thị trường nhập khẩu
tôm lớn nhất của VN với giá trị trên 265,5 triệu USD (tính đến giữa
tháng 8-2009). Đặc biệt, giá xuất khẩu trung bình của tôm VN sang Nhật
tăng khoảng 1,4% so với năm 2008.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Kịch, tổng giám đốc Công ty
Cafatex (Cần Thơ), hồ hởi: “Thuế suất đối với tôm vào thị trường Nhật
trước đây là 4,5%, nay giảm xuống 0% thì rõ ràng chúng ta được tăng sức
cạnh tranh lên. Chúng tôi rất lạc quan vì trước đây chúng ta xuất nhiều
tôm vào Nhật nhưng cạnh tranh vất vả với một số nước khác trong khu vực
ASEAN bởi họ đã có hiệp định song phương với Nhật”.
Theo ông Kịch, Cafatex đã xuất trực tiếp vào hệ thống
siêu thị 7 Eleven và ItoYokado, nhờ hiệp định này công ty sẽ tăng cường
xuất khẩu hàng có thương hiệu của mình trực tiếp vào các siêu thị lớn
khác của Nhật. Hiện 60% sản lượng xuất khẩu của Cafatex là vào thị
trường Nhật.
Ông Huỳnh Quang Đấu cho biết nông sản VN sẽ có sức
cạnh tranh hơn rất nhiều tại thị trường Nhật Bản nếu được giảm thuế.
Hiện Antesco đang xuất khẩu bốn loại nông sản chế biến gồm đậu bắp,
khóm, ngô bao tử và khoai lang tím sang Nhật. “Việc giảm thuế từ 5%
xuống 0% với nhiều loại nông sản chế biến rất ý nghĩa, bởi trong kinh
doanh 5% có thể tạo nên một lợi thế rất lớn cho các doanh nghiệp. Đặc
biệt, thông tin miễn thuế càng có ý nghĩa hơn khi sản lượng và giá trị
xuất khẩu của công ty giảm 20-30% do khủng hoảng kinh tế” - ông Đấu nói.
Theo thống kê, có 23 trong tổng số 30 mặt hàng nông
lâm thủy sản có giá trị xuất khẩu cao nhất của VN sang Nhật sẽ được
hưởng thuế suất 0% ngay lập tức hoặc qua lộ trình mười năm. Chẳng hạn
hầu hết các loại trái cây sẽ có thuế suất 0% trong khi hạt tiêu, bắp
ngọt sẽ được cắt giảm thuế từ 5-7 năm, cà phê và chè còn 0% trong vòng
15 năm... Một số mặt hàng thủy sản như tôm có thuế suất còn 0% ngay khi
hiệp định có hiệu lực, mực và bạch tuộc còn 0% sau năm năm...
Vẫn còn rào cản
Nhiều mặt hàng rau củ quả tươi dù được hưởng mức thuế
0% như: sầu riêng, đậu bắp... nhưng chưa thể xuất ngay sang Nhật. Theo
ông Nguyễn Hữu Đạt - giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập
khẩu 2 (Bộ NN&PTNT), tất cả loại rau, củ, quả tươi của VN đều chưa
được phép xuất sang thị trường Nhật Bản do chính phủ nước này vẫn còn
áp dụng lệnh cấm.
Để xuất được các mặt hàng loại này cần có quá trình
đánh giá nguy cơ dịch hại và quy trình xử lý rất tốn kém về thời gian
và tiền bạc. Hiện mới chỉ có thanh long có thể xuất vào Nhật cuối năm
nay sau khi đã mất khoảng ba năm nghiên cứu nguy cơ dịch hại, đề xuất
phương pháp xử lý và các tiêu chuẩn vùng trồng.
Ông Hirota Nakanishi, chuyên gia tư vấn đầu tư Tổ chức
Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại TP.HCM, thừa nhận: “Đúng là
vẫn còn khó khăn trong việc xuất khẩu trái cây tươi sang Nhật Bản. Để
thúc đẩy việc này chính phủ hai nước cần tiếp tục đàm phán như trước
đây Nhật đã làm với Thái Lan”.
Cũng theo ông Hirota Nakanishi, Tổ chức Hợp tác phát
triển Nhật Bản (Jica) đã sang giúp tư vấn về cải thiện chất lượng cho
trái thanh long nên khả năng xuất khẩu sang Nhật đang sắp thành hiện
thực. Trong khi đó, theo Công ty Yasaka - đơn vị đã đầu tư nhà máy xử
lý trái cây bằng hơi nước nóng tại Bình Dương để xuất khẩu thanh long
sang Nhật, mọi công việc chuẩn bị đã hoàn thành nhưng... vẫn phải đợi
Chính phủ Nhật gỡ bỏ lệnh cấm.
Ông Nguyễn Hồng Hưng, phó giám đốc nhà máy chế biến
trái cây Yasaka, cho hay nhà máy đã khánh thành từ ngày 22-7-2009 nhưng
đến nay vẫn chưa hoạt động. “Hiện chúng tôi đã liên hệ với các đối tác
và nhà phân phối Nhật, chỉ đợi Chính phủ Nhật dỡ bỏ lệnh cấm là xuất
khẩu thanh long ngay” - ông Hưng cho biết.
Hàng nội thất, sắt thép... sẽ có cơ hội
Từ
1-10-2009, 7.220 mặt hàng VN xuất vào Nhật sẽ được cắt giảm thuế suất
xuống 0% và một số mặt hàng khác cắt giảm nhiều đợt theo từng năm. Bao
gồm: các mặt hàng trái cây; tôm và sản phẩm từ tôm; đồng hồ treo tường,
đồng hồ đeo tay; một số loại kính, sắt thép; hàng trang trí nội thất;
đồ chơi trẻ em, đồ chơi thể thao...
Ngược
lại, có 2.586 mặt hàng của Nhật vào VN sẽ được cắt giảm thuế từ ngày
1-10 và một số mặt hàng khác sẽ cắt giảm nhiều đợt theo từng năm.
Trong
đó, một số mặt hàng cắt giảm thuế của VN mà doanh nhân Nhật quan tâm
như: phụ tùng ôtô, hộp số: thuế suất hiện tại 10-20%, xóa bỏ trong mười
năm (bình quân mỗi năm 2-3%); bulông, ốc vít: thuế suất hiện tại 5-20%,
xóa bỏ thuế suất trong năm năm; động cơ, phụ tùng động cơ: thuế suất
hiện tại 3-20%, xóa bỏ trong 10-15 năm; thép tấm cán nguội: thuế suất
hiện tại 3-7%, xóa bỏ trong 15 năm; thép tấm tráng kẽm: thuế suất hiện
tại 5-12%, xóa bỏ trong 10 năm; tivi màu: thuế suất hiện tại 40%, xóa
bỏ trong tám năm, màn hình phẳng, phụ tùng DVD: thuế suất hiện tại 3%,
xóa bỏ thuế trong hai năm. |
Theo báo Tuổi Trẻ Online.