Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, lãnh đạo thành phố Hà Nội và nhiều bộ ngành đã tới dự lễ thông cầu Vĩnh Tuy (ảnh: Lan Hương).
Công trình cầu Vĩnh Tuy có chiều dài tuyến chính gồm cầu vượt sông và đường hai đầu cầu khoảng 5,8km. Trong đó, chiều dài cầu vượt sông Hồng là 3,7km, chiều dài cầu vượt quốc lộ 5 là 364m, chiều dài tuyến chính hai cầu gần 1,7km còn chiều rộng cầu là 38m - rộng nhất Việt Nam.
Ngoài ra, cầu Vĩnh Tuy còn có tuyến nhánh để kết nối với hệ thống giao thông trong khu vực. Đây là tuyến mạng lưới giao thông quan trọng của thành phố góp phần phân bớt lưu lượng xe, giảm ách tắc giao thông nội đô qua cầu Chương Dương cũng như có ý nghĩa thiết thực trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế hai khu vực Bắc - Nam sông Hồng.
Công trình cầu Vĩnh Tuy bắc qua sông Hồng là sản phẩm nội hoàn toàn, lần đầu tiên do Hà Nội tự thực hiện và giao cho Ban quản lý dự án hạ tầng Tả Ngạn làm chủ đầu tư, quản lý dự án.
Đây là công trình lớn nhất từ trước đến nay do những công nhân, kỹ sư của ngành cầu Việt Nam quản lý được sử dụng bằng nguồn vốn ngân sách. Dự án có tổng mức đầu tư là 3.589 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp của dự án là 1.830 tỷ đồng; đền bù, GPMB là 1.322 tỷ đồng…
Phát biểu tại lễ thông xe cầu Vĩnh Tuy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá việc tự thiết kế, thi công thành công một cây cầu hiện đại như cầu Vĩnh Tuy là cột mốc đáng nhớ của ngành xây dựng cầu đường Việt Nam.
Cầu Vĩnh Tuy đã chính thức thông xe từ ngày 25/9 (ảnh: Lan Hương).
Dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy khởi công ngày 3/2/2005 với tiến độ thực hiện là 24 tháng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai có nhiều nguyên nhân khiến công trình bị chậm lại (trong đó có nguyên nhân về vốn, giá VLXD tăng…)
Sau khi dự án thông xe, Ban Quản lý dự án sẽ tiếp tục chỉ đạo nhà thầu thi công thực hiện các công việc còn lại của các gói thầu, cố gắng khẩn trương hoàn thành dự án vào tháng 6/2010, kịp khánh thành chào mừng dịp đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.
(Theo Dantri.com.vn)