Thứ hai, 28/09/2009 09:14
Mưa lũ đi qua, xót xa để lại
Ngay trong đêm, lũ lớn đã làm sập nhà vùi chết 2 cháu nhỏ Bùi Văn Lợi (SN 1999) và Lương Văn Chỉnh (SN 2000) ở xã Thọ Bình (Triệu Sơn, Thanh Hoá).
Trong 3 ngày qua tại các
huyện như Nông Cống, Triệu Sơn, Như Thanh, Tĩnh Gia (Thanh Hoá)… bị bất
ngờ với mưa lũ, lượng mưa lên đến 420mm. Đặc biệt trong đêm 25 và ngày
26/9, mưa to dã kéo theo lốc xoáy gây sạt lở đất làm nhiều người chết
và mất tích, thiệt hại lớn về tài sản của nhân dân. Mưa lũ về quá nhanh
khiến chính quyền và người dân trở tay không kịp.
 |
Nhiều hộ gia đình ở huyện Triệu Sơn bị ngập.
|
Ông
Nguyễn Xuân Trường, chủ tịch UBND xã Thọ Bình (Triệu Sơn) cho biết: Cả
ngày 25/9, thậm chí đến gần nửa đêm hôm đó, mưa vẫn nhỏ không có gì
đáng lo. Nhưng đến khoảng 23h30 phút đêm, mưa trở nên rất to, cộng thêm
lũ từ thượng nguồn đổ về quá nhanh khiến người dân và chính quyền địa
phương trở tay không kịp để ứng cứu. Tình trạng nguy kịch kéo dài đến
sáng 26 thì cả xã Thọ Bình cô lập trong biển nước.
"Xót
xa nhất, ngay trong đêm, lũ lớn đã gây ra sạt lở đất, làm sập nhà vùi
chết 2 cháu nhỏ là Bùi Văn Lợi (SN 1999) và cháu Lương Văn Chỉnh (SN
2000), cả hai đang đều ở thôn 14, xã Thọ Bình. Chúng tôi phải cho di
dời khẩn cấp toàn bộ cư dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cao đến
nơi an toàn", ông Trường buồn rầu kể lại.
Mặc dù sáng 27/9,
chúng tôi có mặt tại Triệu Sơn, nhưng cảnh tan hoang do mưa lũ còn hằn
in rõ trên từng nét mặt phờ phạc của người dân phải chạy lũ suốt 2 ngày
qua. Trận mưa lũ kinh hoàng đó, Triệu Sơn là huyện bị chịu thiệt hại
nặng nề nhất, 4 người chết và mất tích; 8 xã bị ngập chìm trong nước cô
lập hoàn toàn; hơn 2.000 hộ dân bị ngập sâu từ 0,5 đến 2m; 198 mái nhà
bị sạt lở, cuốn trôi; 1.804 hecta lúa và hoa màu bị ngập; hàng loạt
diện tích nuôi trồng thủy sản, cầu cống, đê đập, đường giao thông,
đường điện… bị hư hại nghiêm trọng lên tới 33 tỷ đồng.
Tại các
xã Thọ Bình, Thọ Sơn, Thọ Tiến, Triệu Thành, Hợp Lý... gần như ngập
chìm trong nước và bị cô lập hoàn toàn. Người dân phải di dời khẩn cấp
khỏi vùng nguy hiểm.
 |
Tan hoang sau lũ... |
Ông
Ngô Trí Thắng, thôn Lạc Lâm, xã Thọ Tiến cho biết: “Hơn 50 năm qua, đây
là lần đầu tiên Triệu Sơn chúng tôi bị lũ lụt nặng nề như vậy. Mưa lũ
đổ về trong đêm tối quá nhanh và quá bất ngờ làm người dân chúng tôi
chỉ mang theo được vài đồ dùng thiết yếu di dời đến nơi an toàn, còn
hầu như phải bỏ lại. Ngay như gia đình tôi vừa gặt được 4 tấn lúa ngoài
đồng về, mới phơi được một nắng, lũ về cuốn trôi hết cả. Không những
thế, hai ao cá của nhà và đàn vịt gần trăm con đang mùa đẻ trứng cùng
toàn bộ hoa màu trong vườn bị mất trắng. Giờ đây, người nông dân chúng
tôi không biết lấy gì mà sống!”.
Cho tới sáng nay, nước đã bắt
đầu rút xuống các xã hạ du đồng bằng ven sông Nhơm như An Nông, Văn
Sơn, Thái Hòa và một vệt dài các xã thuộc huyện Nông Cống giáp ranh với
Triệu Sơn, khiến các xã này tiếp tục bị cô lập bởi nước lũ. Huyện Triệu
Sơn đang tập trung phương tiện ứng cứu cho khu vực này, nếu lũ lên
nhanh có thể sẽ tiếp tục phải di dời thêm 5.000 dân ở đây ra nơi an
toàn.
 |
Xót xa khi lũ đi qua... |
Trao
đổi với chúng tôi, ông Đỗ Minh Tuấn, Bí thư huyện ủy Triệu Sơn cho
biết: “Mưa lũ lần này đã làm Triệu Sơn hoàn toàn bất ngờ, hơn 50 năm
qua chúng tôi không hề bị lũ lụt như vậy. Các hộ dân bị sạt lở đã được
di dời đến nơi an toàn, riêng 2 hộ có cháu nhỏ bị chết trước mắt chính
quyền xã đã hỗ trợ mỗi hộ 1 triệu đồng, phía huyện cũng hỗ trợ 3 triệu
đồng/hộ, tỉnh cũng hỗ trợ mỗi hộ 20 triệu. Ngoài ra chúng tôi còn cấp
đất ở nơi khác cho 2 hộ này xây dựng lại nhà. Riêng 2 xã bị ngập nặng
là Thọ Tiến và Hợp Lý, chúng tôi đã chuyển gấp 4.000 gói mỳ tôm, nước
uống, thuốc phòng bệnh và thuốc xử lý môi trường để hỗ trợ bà con trong
những ngày tiếp theo".
Triệu Sơn là huyện có địa hình "bán sơn
địa", lâu nay ít phải đối mặt với lũ lụt. Chính vì thế, hệ thống tiêu
úng ở đây gần như bị “lãng quên”. Các đập nước tiêu úng không được xây
dựng thống nhất, nếu xây dựng xã này thì xã khác sẽ bị ngập nước khi lũ
đổ về. Trận lũ vừa qua, Triệu Sơn đã phải đối mặt với thực tế đó. Nếu
không có hệ thống các sông tiêu úng thống nhất, rất có thể Triệu Sơn sẽ
phải chịu hậu quả nặng nề nữa khi có mưa lũ.
Trong những ngày
tới diễn biến mưa bão còn hết sức phức tạp, rất có thể Thanh Hóa sẽ
phải đối mặt với cơn bão số 9. Phía Quân khu 4 cũng đã huy động 600
chiến sĩ từ Trung đoàn 3 đến giúp đỡ bà con tại Triệu Sơn khắc phục hậu
quả do mưa lũ gây ra. Ngoài ra toàn bộ học sinh và thanh niên cũng được
nghỉ học để huy động vào việc gặt lúa giúp dân chạy lũ.
|
|