Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ năm, 01/10/2009 10:29
Dịch chuyển tiêu cực trong tiểu thuyết 'Nháp'
Câu chuyện của "Nháp" khá phức tạp và lôi cuốn, chứa đựng nhiều ý tưởng manh nha chưa được triển khai thỏa đáng. Mà tình trạng đó là do phần lời kể chưa tương xứng với câu chuyện được kể

Tôi đã đọc một vài bài viết bình luận về Nháp (tiểu thuyết của Nguyễn Đình Tú - NXB Thanh Niên, 2008), thấy rằng dường như dư luận ban đầu chú mục vào những trường đoạn về tình dục trong cuốn tiểu thuyết này, mà thực ra thì, nếu đặt riêng chúng sang một bên, vài truyện về quan hệ tình dục đồng giới và dị giới ở đây không tự đứng vững được, nói đúng hơn: tự chúng không có nội dung.

Cái gọi là nội dung đó, tôi xác định theo phân tích của Giáo sư Antoine Compagnon (trang 49, Bản mệnh của lý thuyết, Lê Hồng Sâm và Đặng Anh Đào dịch, NXB Đại học Sư phạm, H.2007). Khi cân nhắc về tính hư cấu như là đặc trưng khu biệt của văn chương, A. Compagnon dẫn phân tích của nhà ngôn ngữ học Louis Hjelmslev: thực chất của nội dung là các ý tưởng.

Theo đó, câu chuyện và lời kể chuyện sẽ là những mặt "hình thức của nội dung". Và quan điểm mang tính phân tích này sẽ đưa đến một lối tiếp cận trên thực tế phù hợp với cảm nhận thông thường, đồng thời cho phép tách bạch cái chiều sâu có thực của dòng chảy tự sự.

Như vậy, cái thực chất của nội dung không phải luôn dễ dàng nắm bắt. Ở tiểu thuyết Nháp, câu đề từ in đậm ở đầu truyện có thể gây ấn tượng như một ý tưởng, thậm chí là ý tưởng nòng cốt, lập mã và giải mã toàn bộ câu chuyện: "Cuộc đời nháp tôi bằng những số phận".

Trang bìa cuốn sách.
Trang bìa cuốn "Nháp" tái bản.

Hết sức tránh việc suy đoán về một chủ ý có vẻ lồ lộ ở đây của người viết, ta thấy câu đề từ này là một ẩn dụ hoàn toàn trừu tượng và mơ hồ. Ngữ đoạn "những số phận" hoàn toàn mờ tối, không xác định được, trong khi "Cuộc đời" lại là một mô tả quy ước rõ ràng đến mức thậm xưng, không ấn tượng. Tương tự như vậy là đại từ "tôi". Tóm lại toàn câu vẫn chỉ là một chữ "nháp" mà không thể hiểu được nếu không xem đó là ẩn dụ.

Bởi vậy, câu đề từ nói trên không trình bày một ý tưởng nào. Tôi cho rằng cần làm rõ điều đó, cách này hay cách khác cũng vậy, để tránh những suy diễn dễ dãi về ý tưởng thực sự bên trong câu chuyện này.

Câu chuyện có cấu tạo giản dị truyền thống: Là truyện kể về một câu chuyện… Tuy nhiên nhiều người nhận thấy nó phức tạp, là bởi nó xếp nhiều lớp truyện, vừa nối tiếp vừa chồng lên nhau, đôi khi có vẻ ngẫu nhiên, và tất cả chỉ bằng một mô hình: kể - hồi cố - diễn giải; đồng thời nó không thay đổi điểm nhìn của người kể chuyện - ở đây là nhân vật xưng "Tôi" (có lúc gọi bằng tên: "Thạch") - mà nó để cho người kể dịch chuyển điểm nhìn của anh ta, lúc thì ở bên ngoài lúc thì ở bên trong câu chuyện anh ta kể; dịch chuyển đó thường là sự hóa thân của người kể vào một nhân vật trong câu chuyện anh ta đang kể (đặc biệt trong các trường đoạn hồi cố), cho nên nó gợi ta nghĩ đến một người thực hiện liệu pháp phân tâm đối với một con bệnh nhưng lại gây ra một sự dịch chuyển quá đà, một dịch chuyển tiêu cực khiến con bệnh đi đến chỗ đồng nhất hóa người chữa bệnh với một người thân nào đó của mình…

Tất nhiên, nói như thế là tôi đã làm một so sánh có tính hình ảnh, mà "mọi so sánh đều khập khiễng". Nhưng cái kết rất ấn tượng của tiểu thuyết này, một cái kết có sự hợp lý nội tại và đồng thời bất ngờ quay ngược "180 độ" so với màn mở đầu; người kể chuyện rơi đúng vào tình cảnh của câu chuyện lúc anh ta khởi sự kể, nhưng với vai trò bị đảo ngược: thay vì là một nhà báo vào trại giam lấy tài liệu viết bài, thì anh ta trở thành phạm nhân; cái kết truyện như thế gợi lên một liên tưởng với chuyển dịch - sau khi, như đã nói, người kể chuyện đã không ngừng tự chuyển dịch mình vào các nhân vật của anh ta.

Các lớp truyện ở đây bày ra rõ ràng cái vận động ấy.

Câu chuyện chủ yếu là "Tôi" kể truyện người bạn tên là Đại. Lớp truyện này xuyên suốt cho đến cảnh cuối cùng. Mô hình kể luôn là: một tình huống hiện tại dẫn vào một đoạn hồi cố, trở lại hiện tại với một liên hệ khác dẫn vào một hồi cố khác.

Các lớp truyện hồi cố về đại thể chia làm hai: những nhân vật trong câu chuyện về Đại, và những nhân vật trong câu chuyện về "Tôi". Lớp truyện về "Tôi" tuy bắt đầu ngay khi "Tôi" cất lời kể, nhưng lại là một lớp có tính phái sinh.

Người ta dễ có xu hướng coi truyện về bản thân người kể như tất nhiên phải có, nhưng thực ra không phải.

Nếu "Tôi" trước sau chỉ kể như một người chứng kiến, giữ khoảng cách với các câu chuyện cũng như các nhân vật mình kể đến - khoảng cách ngôn từ và văn bản - đặc biệt trong các phát ngôn bộc lộ quan điểm đối với các tình huống, sự kiện của truyện kể, nghĩa là người kể luôn giữ chỗ đứng bên ngoài câu chuyện, thì nhìn chung lớp truyện về người kể không nảy sinh.

Thí dụ đơn giản dễ thấy: "Ngày xửa ngày xưa có một ông vua…", thì hoàn toàn khác với: "Hai mươi năm sau sẽ có một viên đại tướng…" (- Mệnh đề thứ hai đã quá nổi tiếng rồi!).

Trong Nháp đã diễn ra một sự chuyển dịch trên tổng thể: các nhân vật liên quan đến Đại dần dà đều liên quan đến "Tôi", các hồi ức về Đại tham gia vào chuỗi tác nhân và động cơ tâm lý cho hành động của "Tôi", và "Tôi" bước vào câu chuyện "Tôi" khởi sự kể về Đại, và thực tế là biến câu chuyện đó thành chủ yếu là truyện kể về "Tôi" - và đó đã là một huyền thoại cá nhân rõ nét, của "Tôi".

Đó có lẽ là chỗ cho ẩn dụ đằng sau động từ "Nháp".

Nhưng đó không phải là ý tưởng, chỉ vì nó quá bóng bẩy. Trong khi sự kiện chủ yếu lại là ở chỗ người kể chuyện xưng "Tôi" tự chuyển dịch từ bên ngoài vào bên trong câu chuyện anh ta kể, chuyển vai trò từ một nhân vật nhà báo đi viết về tội phạm thành ra một tội phạm trong tình huống gặp nhà báo - là các nhân vật trong câu chuyện của anh ta - ở cảnh kết thúc tiểu thuyết.

Có thể thấy sự chuyển dịch trong/ngoài của người kể xưng "Tôi" rất rõ, chẳng hạn khi so sánh đoạn kể về lần quan hệ tình dục đầu tiên của "Tôi" với Yến, với đoạn kể cùng tình huống như thế của Đại với Duyên (tr. 89 và tr.131); người kể xưng "Tôi" đã nhập hẳn vào vai xúc cảm của hai nhân vật Đại và Duyên khi anh ta kể cuộc tình ái trong buổi chiều bên hồ của họ - anh ta kể sự việc bằng con mắt của chính nhân vật của mình.

Hay một thí dụ điển hình khác từ người kể xưng tôi:

"Chúng tôi đi rồi Đại vẫn còn đứng nhìn theo mãi cho đến khi chiếc xe trở nên bé tí, xa mờ" (tr.301)

Trong mô tả này, nếu người kể không phân thân anh ta sẽ không thể tự nhìn thấy chiếc ô tô mình đang ngồi "trở nên bé tí, xa mờ" đến thế được.

Đây là khía cạnh vấn đề về lời kể nhiều hơn là về truyện kể. Và tôi không đi sâu vào khía cạnh đó trong khuôn khổ bài viết này.

Câu chuyện của Nháp khá phức tạp và lôi cuốn, chứa đựng nhiều ý tưởng manh nha chưa được triển khai thỏa đáng. Mà tình trạng đó là do phần lời kể chưa tương xứng với câu chuyện được kể.

Nhưng tôi thấy rằng ý tưởng chính đã được triển khai rõ ràng: Sự chuyển dịch tiêu cực của nhân cách do các chuỗi sự kiện ngẫu nhiên của đời sống tác thành.

Tính chất ngẫu nhiên của các biến cố trong truyện được thể hiện rất rõ, và có một đối trọng trong lớp truyện về người bố của nhân vật xưng "Tôi".

Nhân vật người bố cùng lớp hồi ức chiến trận, hồi ức về tìm hài cốt đồng đội… có tính biểu trưng rõ nét và ngầm giải thích cho hành động bột phát của nhân vật xưng "Tôi" khi anh ta có hành động phản tỉnh, đập phá cái ổ tình dục đồng giới cũng là nguồn cung cấp thuốc kích dục mà anh ta đã sa vào.

Cái kết thúc đã tỏ ra hợp lý: chuyển dịch tiêu cực của người kể khiến anh ta phạm tội, phải vào trại giam.

Nhưng tính chất huyền thoại cá nhân đã ngầm đưa tình tiết giảm nhẹ: anh ta chỉ phạm tội ngộ sát và có một động cơ hành động theo hướng phục thiện.

Ý tưởng về sự chuyển dịch của nhân cách đến đây có vẻ giấu một nụ cười thỏa mãn.


(Theo Evan.vnepress.net)

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)