Ca trù trở thành di sản nhân loại
 |
Từ trái qua: nghệ nhân Vũ Văn Hồng, Nguyễn Thị Sinh, Nguyễn Phú Đẹ
biểu diễn trong lễ ra mắt nhà hát ca trù thuộc Trung tâm văn hóa ca trù
Thăng LongM - Ảnh: HÀ HƯƠNG |
Tường thuật chi tiết về công tác bảo vệ hồ sơ ứng cử
của đoàn các nhà khoa học VN tại phiên họp thẩm định của UNESCO, tiến
sĩ Lý cho biết: “12 ứng viên di sản phi vật thể đã lọt vào vòng chung
kết, trong đó có ca trù của VN. Truyền thống truyền khẩu và các tập
quán xã hội liên quan đến tín ngưỡng, tâm linh là những loại hình di
sản ưu tiên ở danh sách này.
Việc thẩm định di sản bảo vệ khẩn cấp khá khắt khe.
Mỗi hồ sơ có một tổ chức chuyên môn phi chính phủ và một chuyên gia
đánh giá độc lập được UNESCO mời thẩm định và “phản biện” kín. Hồ sơ ca
trù nhận được báo cáo đánh giá từ Hội đồng Âm nhạc quốc tế, bà Gisa
Janichen và ông Barley Norton, chuyên gia độc lập người Anh. Họ đã từng
đến VN nghiên cứu ca trù trong nhiều năm. Trước đó chúng ta không hề
biết thông tin này. Chúng tôi đã nhận được 20 trang báo cáo đánh giá và
khuyến nghị về bảo vệ di sản ca trù”.
Theo đánh giá của UNESCO: “Ca trù đã trải qua một quá
trình phát triển ít nhất từ thế kỷ 15 đến nay, được biểu diễn trong
không gian văn hóa đa dạng gắn liền, ở nhiều giai đoạn lịch sử khác
nhau. Ca trù thể hiện một ý thức về bản sắc và sự kế tục trong nghệ
thuật biểu diễn, có tính sáng tạo, được chuyển giao từ thế hệ này sang
thế hệ khác thông qua các tổ chức giáo phường.
Mặc dù VN đã có nhiều cố gắng và có sự hỗ trợ của một
số tổ chức quốc tế trong việc bảo vệ ca trù, song sức sống của ca trù
hiện nay chưa phải ở mức cao và vẫn cần phải được bảo vệ hơn nữa để
phát triển khả năng tồn tại. Việc duy trì thường xuyên và chất lượng
nghệ thuật là vấn đề đặt ra đối với công việc bảo vệ ca trù. Cần phải
nâng cao nhận thức về ca trù để ca trù có thêm nhiều công chúng, có vị
thế trong xã hội bởi vì đã từng bị quên lãng từ những năm 1950-1980.
Cần hỗ trợ các nghệ nhân lớn tuổi truyền dạy và khuyến khích những ca
nương, kép đàn trẻ học hỏi và tham gia truyền dạy”.
Theo Công ước UNESCO 2003, các di sản văn hóa phi vật
thể đại diện của các quốc gia sau khi được đề cử, công nhận sẽ đăng ký
vào hai danh sách di sản của nhân loại, đó là danh sách đại diện, danh
sách cần bảo vệ khẩn cấp và được bảo vệ ở cấp độ quốc tế. Di sản từ
danh sách này có thể chuyển sang danh sách khác căn cứ vào hiện trạng,
sức sống của di sản. Hầu hết các quốc gia quan tâm nhiều hơn đến danh
sách đại diện. Năm 2009 có tới 111 hồ sơ của 34 quốc gia là ứng viên
của danh sách đại diện nhưng chỉ có 15 hồ sơ của chín quốc gia đăng ký
vào danh sách khẩn cấp.
Năm nay, trong lần xét chọn đầu tiên kể từ khi công
ước có hiệu lực, VN đã quyết định đề cử ca trù vào danh sách di sản văn
hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp bởi vì mặc dù đã được phục hồi
trong năm năm gần đây nhưng nguy cơ thất truyền những bài bản, thể cách
của ca trù xưa đang đặt ra như là một thách thức không dễ giải quyết.
Tango vào danh sách di sản cần bảo vệ
Tango - giai điệu và những bước nhảy đầy cảm xúc, mạnh
mẽ và quyến rũ - cũng trở thành di sản văn hóa của nhân loại. Thành
công này đến sau chiến dịch hợp tác vận động của Argentina và Uruguay -
hai quốc gia đã bỏ qua tranh cãi và hiềm khích về việc nước nào mới là
“cái nôi sinh ra và lớn lên” của tango.
“Chúng tôi rất tự hào”, Hernan Lombardi - bộ trưởng
văn hóa của thành phố tự trị Buenos Aires - nói sau khi có quyết định
của ủy ban ở Abu Dhabi. “Chúng tôi hi vọng quyết định này sẽ giúp tango
lan tỏa khắp thế giới”. Cả Argentina và Uruguay từ lâu đã tranh cãi với
nhau về việc nơi nào mới là cái nôi sinh ra tango vì tango cùng phát
triển ở cả hai nơi này cuối những năm 1800. Tango trở nên thịnh hành ở
châu Âu, Bắc Mỹ và Nhật, là biểu tượng của niềm đam mê lãng mạn đầy
chất Latin với những ảnh hưởng từ văn hóa châu Phi và Tây Ban Nha.
HẠNH NGUYÊN (Theo Reuters) |