Nỗ lực cứu trợ khẩn cấp
|
Bộ đội Sư đoàn 315, Trung đoàn 143 gặt lúa giúp dân trên cánh đồng xã Bình Trung, huyện Thanh Bình, tỉnh Quảng Nam .
Ảnh: Dương Hiệp |
Trong
hoàn cảnh vô cùng khẩn cấp và khó khăn ấy, các cấp, các ngành và nhân
dân cả nước đang hướng về đồng bào vùng lũ, khẩn trương khắc phục hậu
quả, nhanh chóng ổn định đời sống.
Tại
các địa phương, công an, quân đội và các lực lượng khác tiếp tục nỗ lực
đến mức cao nhất tổ chức tìm kiếm người mất tích; khôi phục các tuyến
giao thông, thông tin liên lạc; thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời
các gia đình có người chết, người bị thương, bị mất nhà cửa; tu sửa
trường học, trung tâm y tế, trạm xá, trạm cấp nước, đường giao thông,
cầu, cống, công trình thủy lợi; thu gom rác, xử lý vệ sinh, môi trường
và khôi phục sản xuất.
Để kịp thời cứu đói người dân,
các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã đề nghị Chính phủ hỗ trợ 24.100
tấn gạo và gần 700 tỷ đồng. Trong đó, Quảng Trị xin hỗ trợ 10.000 tấn
gạo và 86 tỷ đồng; Quảng Ngãi 5.000 tấn gạo, 100 tỷ đồng; Nghệ An 5.000
tấn gạo, 50 tỷ đồng; Bình Định 2.000 tấn gạo, 32 tỷ đồng; Kon Tum 1.000
tấn gạo, 200 tỷ đồng; Quảng Bình 600 tấn gạo; Thừa Thiên Huế 500 tấn
gạo, 100 tỷ đồng...
*
Theo BCĐ PCLB Trung ương, tính đến 18h ngày 1-10 đã có 93 người chết
(Nghệ An 9 người; Quảng Trị 5; Thừa Thiên Huế 6; Đà Nẵng 3; Quảng Nam
5; Quảng Ngãi 27; Bình Định 6; Kon Tum 24; Đắc Nông 2; Lâm Đồng 2...),
18 người mất tích, 222 người bị thương; 6.376 nhà bị sập, trôi; 172.672
nhà bị tốc mái, xiêu vẹo, hư hỏng; 173.611 nhà bị ngập; 503 phòng học
và 12.337 trạm y tế, trụ sở UBND xã và các công trình công cộng bị
ngập, hư hỏng; 146 tàu bị chìm; 21.424ha lúa bị ngập, ngã đổ; 26.300ha
hoa màu các loại bị ngập, hư hỏng… Trong thông báo lũ khẩn cấp, Trung
tâm Dự báo KTTV Trung ương đề nghị các địa phương miền Trung và Tây
Nguyên cần tiếp tục đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi các tỉnh
Nghệ An, Hà Tĩnh; ngập lụt sâu diện rộng ở đồng bằng, vùng trũng ven
sông các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum.
Xuất hiện "siêu bão" mới ngoài khơi Thái Bình Dương
Trung
tâm Dự báo KTTV Trung ương cho biết, ngoài khơi Thái Bình Dương đang
xuất hiện một "siêu bão" có tên quốc tế Parma, dự báo sức gió lên đến
145km một giờ (tối 1-10) và đạt mức 165km một giờ (tối 2-10). Parma
đang áp sát Phi-líp-pin và đều được các đài khí tượng của Nhật Bản,
Hồng Kông... dự báo đi về phía Trung Quốc.
Đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Trung tá Lê Văn Phượng
Tấm
gương hy sinh cứu nhân dân trong lũ của Thiếu tá Lê Văn Phượng đã được
Bộ Quốc phòng suy tôn liệt sỹ; Bộ Tư lệnh Quân khu 4 truy phong quân
hàm từ Thiếu tá lên Trung tá. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh
đã chỉ đạo Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh sớm báo cáo thành tích đề nghị cấp
trên truy tặng các phần thưởng cao quý cho Trung tá Lê Văn Phượng; xem
xét truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT cho Trung tá, liệt sỹ Lê Văn
Phượng. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã phát động phong trào làm theo tấm
gương dũng cảm "Vì nhân dân quên mình" của Trung tá Lê Văn Phượng.
Kon Tum: Nhiều vùng vẫn đang bị cô lập
UBND
tỉnh Kon Tum cho biết, tỉnh vẫn còn bị cô lập hoàn toàn với các địa
phương bên ngoài. QL 14 (đường Hồ Chí Minh) bị sạt lở nặng tại đèo Lò
Xo và điểm cách thị trấn Đắc Glei 10km, gây ách tắc giao thông hoàn
toàn. Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã triển khai phà trọng tải 20
tấn tại khu vực cầu Đắc Ruồng, huyện Kon Rẫy để bảo đảm lưu thông. 2
máy bay trực thăng, 5 xe thiết giáp và 1 xe tự hành đã được điều động
tới khu vực cầu Băkbla đưa 86 người dân thoát khỏi vùng lũ. Tính đến
chiều hôm qua, tỉnh Kon Tum có thêm 2 người bị chết, nâng tổng số người
bị chết lên 24 người.
|
Người dân huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi nhận hàng cứu trợ của Đoàn bay 916 - Quân chủng Không quân. |
Quảng Trị: Kịp thời phân phát lương thực cho hàng ngàn người trên các nóc nhà ngập nước
Theo
ước tính ban đầu, thiệt hại do cơn bão số 9 gây ra tại tỉnh Quảng Trị
là hơn 800 tỷ đồng. Tỉnh đã huy động 8 ca-nô của các LLVT về nhiều địa
bàn trọng điểm để phân phát 8.000 thùng mì tôm cho hàng ngàn người đang
sống trên nóc nhà bị ngập nước chưa kịp sơ tán. Ngay sau khi nước rút,
tỉnh sẽ chi 10.000 tấn gạo, 100 cơ số thuốc chữa bệnh và 7 tấn thuốc
khử trùng môi trường và khử trùng nước sinh hoạt. Đặc biệt, Quảng Trị
đã có thêm 7 ca dương tính với cúm A/H1N1, tất cả các bệnh nhân này đều
đến từ các vùng có dịch và mang nguồn bệnh về địa bàn.
Quảng Nam: "Bão tan, điện sáng"
Sau
khi bão tan, Điện lực Quảng Nam đã huy động hơn 500 cán bộ, công nhân
viên và phương tiện làm việc ngày đêm dọn hàng ngàn cây đổ trên đường
dây dẫn điện.
Điện
lực Quảng Nam đã khắc phục và đóng điện trở lại cho toàn bộ các trung
tâm hành chính các huyện, TP trong tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn một số khu
dân cư tại các huyện, TP phía Bắc của tỉnh đang chịu ảnh hưởng của mưa
lũ chưa thể đóng điện.
Thừa Thiên Huế: Tập trung xử lý môi trường
Tỉnh
đã chỉ đạo các ngành chức năng và nhân dân nước rút đến đâu tập trung
dọn vệ sinh, bùn đất và xử lý môi trường đến đó để ổn định đời sống,
sinh hoạt của nhân dân. Các địa phương tổ chức hỗ trợ khẩn cấp, thăm
hỏi, động viên đối với các gia đình có người chết và bị thương. Tỉnh
giao cho lực lượng đoàn viên thanh niên phối hợp với ngành giáo dục dọn
vệ sinh, sửa chữa trường lớp để học sinh trở lại học tập bình thường.
Các ngành khắc phục hệ thống thông tin liên lạc, điện, nước sinh hoạt,
xử lý vệ sinh môi trường, kiểm tra xử lý không để bệnh dịch xảy ra,
khôi phục hệ thống hạ tầng để sớm ổn định sản xuất... Đến thời điểm
hiện nay, Thừa Thiên Huế có 6 người chết và 23 người bị thương; 151 nhà
bị sập, 2.935 nhà khác và 103 phòng học bị tốc mái.
Tổng toàn bộ thiệt hại khoảng 208,9 tỷ đồng.
Hà Tĩnh: Hỗ trợ giống khôi phục sản xuất
Tỉnh
Hà Tĩnh đã quyết định hỗ trợ 100% tiền mua giống ngô, giống rau màu cho
nhân dân trồng lại trên số diện tích bị ngập. Các xã huy động hàng vạn
người đắp lại các đoạn đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng
bị sạt lở. Hầu hết các nhà bị tốc mái đang được lợp lại với sự hỗ trợ
của lực lượng quân đội, công an, bộ đội biên phòng, đoàn thanh niên.
Điện lực Hà Tĩnh đã dựng lại hơn 30 cột điện bị đổ, gãy, nối lại các
đường dây bị đứt. Ngành y tế cùng với chính quyền các xã tổ chức làm vệ
sinh môi trường ở vùng bị ngập sâu lâu ngày.
Quảng Bình: Bão chưa qua lốc đã tới
Cơn
lốc có cường độ gió rất mạnh đã làm 120 ngôi nhà bị tốc mái, 2 trường
học bị phá hại nặng nề và nhiều cột điện cao thế bị gãy. Ngoài ra, cơn
lốc này còn tạo ra một cột sóng lớn đánh vỡ một đoạn đê khá dài ở xã Võ
Ninh, huyện Quảng Ninh. Mực nước tại các sông ở Quảng Bình đang ở mức
cao khiến 30.051 ngôi nhà bị ngập nước (có nơi ngập sâu trên 1m đến
1,5m như ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa), nhiều địa phương bị chia cắt
cục bộ do lũ. Toàn tỉnh có 30 ngôi nhà bị sập, 1.112 nhà bị tốc mái và
hư hỏng (nặng nhất là huyện Quảng Trạch với 457 nhà, Lệ Thủy 250 nhà).
Mưa lớn đã gây ngập úng trên diện rộng, làm nhiều thôn, xã bị cô lập
hoàn toàn với bên ngoài, phương tiện đi lại duy nhất lúc này là thuyền
máy và thuyền chèo tay. Tại những xã này nhà dân bị ngập sâu từ 1m đến
1,5m, có nơi ngập sâu trên 2m.
Đắc Lắc: Bộ đội giúp dân thu hoạch lúa màu
Tại
Đắc Lắc, Binh đoàn 16 đã tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ giúp huyện Ea Súp
và huyện Lắc chuyển 212 hộ dân cùng một số tài sản đến ở tạm tại vùng
cao an toàn. Hiện nay, các đơn vị bộ đội đang tiếp tục giúp dân tận thu
lúa, ngô, sắn và hoa màu để giải quyết một phần khó khăn về lương thực
sau khi nước rút. Chiều 1-10, mức nước các con sông trên địa bàn tỉnh
như sông Krông Ana đã lên cấp báo động I và nước tiếp tục lên nhanh;
sông Sê Rê pốc mực nước đã lên trên mức báo động III.
Quảng Ngãi: Trích Quỹ dự phòng 10 tỷ đồng để phân bổ cho các huyện
Tỉnh
Quảng Ngãi đã quyết định trích quỹ dự phòng 10 tỷ đồng để phân bổ cho
các huyện: Lý Sơn, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành… khắc phục hậu quả
bão lụt. Các huyện phải tập trung chỉ đạo, thực hiện công tác khắc phục
hậu quả, nhất là việc giúp dân sửa chữa nhà cửa, sớm ổn định đời sống,
trong đó khẩn cấp cứu đói cho nhân dân. Bên cạnh đó phải ưu tiên cấp
điện, bảo đảm điện cho Nhà máy lọc dầu, Nhà máy nước Dung Quất hoạt
động bình thường. Sở Y tế đã cử các đoàn công tác trực tiếp đến các địa
phương xử lý nước uống, giếng nước cho nhân dân; chuẩn bị đầy đủ cơ số
thuốc, đẩy mạnh vệ sinh phòng, chống dịch bệnh. Quảng Ngãi là tỉnh bị
thiệt hại nặng nề nhất về người, đến 18h ngày 1-10 đã có 27 người bị
chết, 3 người mất tích, 112 người bị thương…
Ủy ban châu Âu (EC): Viện trợ nhân đạo khẩn cấp cho Việt Nam
(HNM)
- Theo tin từ Ủy ban châu Âu (EC) tại Việt Nam ngày 1-10 cho biết, Ủy
ban châu Âu sẽ cung cấp tiếp 2 triệu ơ-rô trong chương trình cứu trợ
nhân đạo khẩn cấp để giúp đỡ những nạn nhân của cơn bão Ketsana ở Việt
Nam, Cam-pu-chia và Lào, tiếp theo khoản viện trợ trị giá 2 triệu ơ-rô
dành cho Phi-líp-pin. Một đội công tác phản ứng nhanh từ Cơ quan Hỗ trợ
nhân đạo của Ủy ban châu Âu (ECHO) sẽ tới Việt Nam trong tuần này để
đánh giá nhu cầu cần thiết tại các khu vực bị ảnh hưởng.
Dương Thùy |