2 người 1 giường trên xe “VIP”
 |
Có chất lượng phục vụ vượt trội nhưng loại xe giường nằm này vẫn chờ một quy định cụ thể về phân cấp xe khách - Ảnh: Hà Hương |
Chị Hạnh, biên tập viên một nhà xuất bản trên đường
Nguyễn Phong Sắc (Hà Nội), cho biết nhà chị ở Phú Thọ nhưng chị ít về
quê vì ngại... xe khách “chất lượng cao”. Nhiều lần về quê, chị đã cố
ra bến trước giờ xe chạy cả giờ, chọn xe có chữ “chất lượng cao” hẳn
hoi, nhưng lên xe rồi vẫn bị ngồi ghế nhựa.
Nhưng được ngồi ghế cố định theo vé cũng chẳng sung
sướng gì. Trời nóng, nhà xe vẫn nhồi ba người ngồi chung hai ghế. “Có
lần vì chở khách quá đông, xe chạy vào đường làng để tránh cảnh sát
giao thông. Nhìn xe chạy trên con đường bé tí, vừa tránh ao hồ, dây
điện mà tôi thót tim” - chị Hạnh kể. Đường về quê chỉ 80km nhưng phải
mất gần năm giờ chị mới về đến nhà.
Chữ mới, xe cũ
Lần đầu tiên về quê cô bạn thân, nhóm của chị Nguyệt
(quận Cầu Giấy, Hà Nội) được quảng cáo ở cổng bến xe Mỹ Đình rằng xe
chất lượng cao rất sạch sẽ, mát mẻ, cả nhóm quyết định mua vé. Nhưng
đến khi vào bến mới hoảng hốt với chiếc xe cũ kỹ, chỉ có hàng chữ “chất
lượng cao” là còn sáng bóng. Cả nhóm cắn răng ngồi trên chiếc xe chẳng
khác xe chở hàng, kính xe tấm vỡ tấm còn, máy điều hòa trong xe chỉ
là... quảng cáo.
Sau thời nở rộ của kiểu xe khách tự phong “chất lượng
cao” lại đến thời bùng nổ của xe VIP tự phong. Hầu hết là xe khách loại
lớn, ghế ngồi thoải mái. Một số nhà xe giữ uy tín với khách hàng bằng
cách không bắt khách dọc đường và lập đường dây nóng để nhận các ý kiến
đóng góp. Tiện nghi hơn, có nhà vệ sinh ngay trong xe, có ngăn đựng đồ
cá nhân... Hai năm gần đây, dạng xe giường nằm phát triển mạnh trên các
tuyến Hà Nội - Nghệ An - Hà Tĩnh, Hà Nội - TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
Tuy nhiên, nhiều xe giường nằm có giá trên 2 tỉ đồng này lại mang đến
những kiểu phục vụ không giống ai.
Các xe chạy tuyến đường dài đều bị kiểm soát vé tại
bến, nhưng lại chẳng một ai kiểm soát được việc bắt khách dọc đường. Do
vậy, dù đã đủ khách song các bác tài vẫn cố nhét thêm người. Vào các
ngày lễ, số lượng khách trên xe VIP được nhồi nhét gấp đôi so với quy
định. Lối đi trên sàn xe cũng được trưng dụng để biến thành “giường nằm
cao cấp”.
Phàn nàn hằng ngày
Chị Hương, nhà ở Định Công, cho biết một lần chị cùng
cô cháu gái về quê Hà Tĩnh. Hai cô cháu mất 300.000 đồng mua hai vé
giường nằm. Nhưng khi đã yên vị trên xe, bác tài lại cố nhét thêm hai
người khác, tổng cộng bốn người chen chúc nhau trên hai chiếc giường.
Cô cháu gái phải ngồi chung với một thanh niên khoảng 30 tuổi. Suốt dọc
đường, cô bé phát hoảng vì gã thanh niên cứ cố xích lại gần. Chuyến
ngược ra Hà Nội, hai cô cháu đành rút kinh nghiệm, ngồi chung một
giường cho dù vẫn mua đủ hai vé.
Một chủ xe VIP chạy tuyến Cẩm Xuyên - Hà Nội cho hay
dù vé bán là giường nằm nhưng những hôm đông khách (do nhà xe giảm
30.000 đồng/vé), họ buộc phải bố trí hai khách cùng... ngồi một giường.
Khi được hỏi việc hành khách phàn nàn về chất lượng dịch vụ, chủ xe trả
lời: “Phàn nàn thì hôm nào chẳng có, nhưng không có xe thì cũng phải đi
hết!”.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, trưởng Phòng tổ chức hành chính
Công ty du lịch Văn Minh (Nghệ An), cho biết hiện chưa có quy định cụ
thể để phân cấp thế nào là xe khách “chất lượng cao” hay “cao cấp”.
“Việc dán đềcan xe giường nằm cao cấp của chúng tôi
thể hiện sự cam kết với khách hàng về chất lượng dịch vụ mang lại. Việc
nhiều xe khách dán biển xe cao cấp nhưng chất lượng không đảm bảo đã
phần nào khiến khách hàng ngộ nhận về chất lượng của xe, đó cũng là
biểu hiện của hành vi kinh doanh không lành mạnh. Tuy nhiên, với những
nhà xe đảm bảo uy tín thì vẫn giữ được thị phần ổn định” - ông Tuấn
khẳng định.
Thấp, cao lẫn lộn
* Theo nghị định của Chính phủ, doanh nghiệp đăng ký
với các sở GTVT tiêu chuẩn về chất lượng phương tiện, tiện nghi, chất
lượng phục vụ trên phương tiện và công bố ở bến xe để khách biết. Sở
GTVT có trách nhiệm kiểm tra phương tiện, quy trình phục vụ để cấp phù
hiệu xe chất lượng cao. Nếu hành khách phản ảnh không đảm bảo như đăng
ký, cơ quan quản lý tuyến có thể thu hồi phù hiệu xe chất lượng cao.
Phó cục trưởng Cục Đường bộ Nguyễn Văn Thanh
* Có một thời gian quy định điều kiện hoạt động của xe
chất lượng cao theo tiêu chí chất lượng phương tiện và phục vụ để quy
định giá cả, nhưng đến nay thấy bẵng đi không ai quản lý nữa. Việc đăng
ký xe chất lượng cao và cấp phù hiệu là do các sở GTVT quản lý và xử lý
vi phạm, còn cơ quan quản lý bến xe không có cơ sở và chức năng kiểm
tra, xử phạt. Đúng là thực tế đang có tình trạng xe chất lượng cao,
thấp lẫn lộn, nhưng đòi hỏi cơ quan quản lý bến đưa ra tiêu chí xử lý
thì cũng khó.
Giám đốc ban quản lý bến xe phía Nam, Hà Nội Nguyễn Tất Thành
TUẤN PHÙNG ghi |