Trở lại trường trong ngổn ngang
Mặc dù sân trường còn ngổn ngang bùn đất do ảnh hưởng
của bão lũ để lại, giáo viên và học sinh Trường THCS Mỹ Hòa (Quảng Nam)
vẫn trở lại lớp học sáng nay (5-10). Trong khi nhiều nơi học sinh chưa
thể đến lớp.
Đến chiều 4-10, nhiều trường học ở vùng rốn lũ Đại Lộc
(Quảng Nam) bùn non vẫn còn đóng từng lớp dày, thậm chí có nơi dày cả
mét.
 |
Trường THCS Mỹ Hòa (Quảng Nam) thông báo học trở lại vào sáng 5-10 - Ảnh: Đ.Nam |
Quảng Nam: tất bật dọn dẹp bùn đất
Bộ GD-ĐT sẽ đề nghị hỗ trợ kinh phí
Theo ông Nguyễn Hải Long - phó chánh văn phòng Bộ
GD-ĐT, thường trực ban phòng chống lụt bão của Bộ GD-ĐT, trên cơ sở số
liệu cụ thể sẽ đề nghị kinh phí hỗ trợ để tu bổ, xây dựng lại trường
học, trang thiết bị dạy học cho những nơi bị thiệt hại nặng do cơn bão
số 9 vừa qua.
Bộ GD-ĐT đề nghị sở GD-ĐT 11 tỉnh, thành phố bị thiệt
hại do bão và các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn cần có những
giải pháp cụ thể, kịp thời quan tâm đến từng thầy cô giáo, học sinh,
sinh viên bị mất người thân, thiệt hại tài sản, bằng mọi cách phải ổn
định tâm lý cho học sinh, sinh viên vượt lên khó khăn để sớm trở lại
việc dạy và học.
V.HÀ |
Tại Trường THCS Mỹ Hòa (thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại
Lộc), gần hai ngày qua hơn 70 giáo viên và học sinh đã cật lực dọn dẹp
vệ sinh, bơm nước vào giội rửa bùn, thế nhưng xem ra phải mất hơn 10
ngày nữa công việc này mới hoàn tất.
Theo thầy hiệu trưởng Trường THCS Mỹ Hòa Lương Đức
Hiền, dù bùn non còn đóng dày trên mặt sân cả mét nhưng nhà trường vẫn
quyết định học trở lại bắt đầu từ hôm nay (5-10). Để đảm bảo việc học,
nhà trường thông báo yêu cầu học sinh không được đi xe đạp đến trường
bởi khu vực để xe không thể vào được vì bùn non.
Để khắc phục hậu quả bão lũ, nhiều trường học ở huyện
Đại Lộc đã cầu cứu đến lực lượng quân đội. Trong khi đó tại huyện Nam
Trà My (Quảng Nam), các phòng học ở Trường bán trú cụm xã Trà Nam bị
đất lở tràn xuống gây hư hỏng toàn bộ chưa khôi phục được.
Vì thế học sinh phải tiếp tục nghỉ học. Đồng thời, các
trường ở xã Đại Hưng, vùng B (huyện Đại Lộc) do bùn lấp còn cao, nước
lũ trên sông phức tạp nên nhà trường phải tiếp tục cho học sinh nghỉ
học để đảm bảo an toàn.
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT tỉnh, có chín phòng học bị
sập đổ hoàn toàn, 320 phòng bị tốc mái, 290 phòng học bị hỏng trần, 320
bộ bàn ghế hư hỏng hoàn toàn... Thiệt hại gần 62 tỉ đồng. Giám đốc Sở
GD-ĐT tỉnh Nguyễn Tấn Thắng cho hay các trường tổ chức học ghép với các
lớp học khác chưa bị hư hỏng.
Việc tổ chức dạy học lại cho học sinh trên địa bàn do
hiệu trưởng các trường căn cứ tình hình cụ thể quyết định. Đồng thời
ngành giáo dục cho phép các trường dạy bù cho học sinh nghỉ học do bão
lũ trong những ngày nhà trường dùng để họp, ngày nghỉ, ngày lễ. Mặt
khác, để kịp chương trình, nhà trường có thể mượn phòng học của các cơ
sở giáo dục, tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội lân cận để học. Cấp
tiểu học, do số phòng học bị hư hỏng nặng không sử dụng được nên trước
mắt chỉ dạy một buổi/ngày.
 |
Học sinh Trường THCS Đức Chánh (huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) dọn dẹp bùn đất để chuẩn bị trở lại trường - Ảnh: Minh Thu |
Quảng Ngãi: học sinh chưa thể đến trường
Ông Thái Văn Đồng, giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ngãi, cho
biết hơn 7.000 học sinh của 15 trường tiểu học và THCS ở các xã Bình
Minh, Bình Hải, Bình Mỹ, Bình Chương... (huyện Bình Sơn), xã Sơn Bao
(huyện miền núi Sơn Hà) và xã An Vĩnh (huyện đảo Lý Sơn) vẫn chưa thể
đến trường học tập trong hôm nay (5-10).
Hiện ngành giáo dục Quảng Ngãi tập trung thăm viếng,
chia buồn cùng những gia đình có học sinh bị chết, bị thương do bão lũ
gây ra tại các địa phương.
Trước mắt, ngành giáo dục Quảng Ngãi kêu gọi giáo
viên, học sinh trong tỉnh quyên góp giúp đỡ những học sinh bị mất đồ
đạc, sách vở do nhà bị sập, nước lũ cuốn trôi. Giáo viên và học sinh
tập trung dọn vệ sinh trường lớp bị tốc mái, tường bị sập, sình lầy sau
mưa lũ, sửa chữa bàn ghế, tận dụng những phòng học (chưa bị tốc mái)
còn lại để học tập. Dự kiến sớm nhất đến ngày 9-10 học sinh mới có thể
trở lại trường.
 |
Học sinh ở Kontum chờ mong ngày đi học lại sau bão lũ - Ảnh: T.B.D. |
Kontum, Đắc Lắc: lũ cuốn trôi hết rồi
Sáng 4-10, bốn cô cậu học trò cứ loay hoay mãi với xấp
giấy khen bị bùn đất dính lấm lem tại sân Trường THCS Ngô Quyền, xã Đăk
Ang (Đăk Glei, Kontum). Gần một tuần đã trôi qua kể từ ngày lũ về, ngôi
trường vẫn ngập ngụa trong bùn đất.
“Lũ về cuốn trôi hết sách vở của cháu rồi chú ơi, cả
chiếc mũ mà cháu vẫn đội mỗi ngày đến lớp giờ cũng mắc trên ngọn cây” -
em A Sáu, lớp 1G Trường tiểu học Đăk Sút, huyện Đăk Glei, nói. Cạnh đó,
cậu bé A Hài (lớp 4C) vẻ mặt phờ phạc: “Trường đang cho nghỉ học, nhưng
nếu đến trường thì cháu cũng chẳng biết làm sao khi quần áo, sách vở
trôi theo cơn lũ chú ơi!”.
Cô giáo Ngô Tùng Bích Huyền - giáo viên Trường tiểu
học Đăk Kroong, huyện Đăk Glei - nói: “Phải khẩn trương bắc lại cầu,
chứ một số học sinh phải đi thuyền nhỏ qua sông rất nguy hiểm. Nếu đi
thuyền mỗi lần mất 50.000 đồng, người dân nghèo lấy đâu ra?”.
Tại Trường THCS Ngô Quyền, toàn bộ bàn ghế và dụng cụ
học tập cũng lấm lem bùn đất. Em Phạm Viết Duy, học sinh lớp 9A, buồn
bã: “Nhiều ngày rồi không được đi học chúng em buồn lắm, giờ trường tan
tành như thế này không biết lúc nào mới mở lại được đây?”.
Ba cây cầu treo bị nước lũ cuốn trôi, sáu buôn làng
của xã Đăk Pơ Xi (huyện Đăk Hà, tỉnh Kontum) vẫn bị cô lập. Ông A
Vượng, bí thư Đảng ủy xã Đăk Pơ Xi, nói được huyện tăng cường cho hai
chiếc thuyền, đưa dây cáp qua sông, làm bè... Định cho học sinh qua
sông để đến trường nhưng không an toàn.
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Thư, giám đốc Sở GD-ĐT Kontum, cho
biết hầu hết các trường trên toàn tỉnh đều chịu ảnh hưởng nặng của cơn
bão số 9. Nhìn học sinh phải nghỉ học ở nhà vùng vẫy cùng cha mẹ trong
bão lũ mà rơi nước mắt. Sau bão, việc trở lại lớp sẽ bị ảnh hưởng rất
lớn do hàng trăm em bị mất nhà cửa, quần áo, sách vở... và đường bị
chia cắt.
Toàn tỉnh Kontum sau cơn bão số 9 đã có 120 phòng học
bị tốc mái, nhiều trường bị bùn đất vùi lấp sâu cả mét, đặc biệt Trường
tiểu học Đăk Na (huyện Tu Mơ Rông) bị lũ cuốn trôi. Đối với những
trường bị ảnh hưởng do lụt bão học sinh phải nghỉ học từ đầu lũ đến
nay, ngành giáo dục đã chỉ đạo các phòng kêu gọi thầy cô, học sinh và
người dân tìm mọi cách quét dọn bùn đất, đóng lại bàn ghế để từ ngày
5-10 học sinh có thể trở lại lớp.
Trong khi đó, ngành GD-ĐT tỉnh Đắc Lắc phối hợp với
chính quyền địa phương tích cực chỉ đạo các đơn vị sửa chữa và khắc
phục nhanh tất cả các trường học bị hư hỏng do cơn bão số 9 gây ra để
học sinh không phải nghỉ học kéo dài.
Song một số trường như mầm non Hoa Hồng, tiểu học
Nguyễn Bá Ngọc, Hoàng Hoa Thám, THPT Phan Bội Châu (Krông Năng), PT dân
tộc nội trú Ea Súp, tiểu học Cư Pui 2 (Krông Bông) học sinh phải nghỉ
học đến sáng nay (5-10) mới đi học trở lại. Riêng hai trường tiểu học
Lê Thị Hồng Gấm và THCS Nguyễn Du (thị xã Buôn Hồ) phải tiếp tục nghỉ
học đến sau ngày 6-10 vì hầu hết mái trần phòng học cũng như bàn ghế và
đồ dùng dạy học bị gãy đổ.
Tuổi Trẻ tổ chức chương trình
“Giúp học sinh vùng bão lũ trở lại trường”
Trước tình hình hàng vạn học sinh vùng lũ mất nhà cửa, mất tất cả sách vở, áo quần..., ngoài việc cứu trợ khẩn cấp, báo Tuổi Trẻ sẽ tổ chức chương trình “Giúp học sinh vùng bão lũ trở lại trường”.
Chương trình nhằm sắm lại cho các em cặp sách, tập,
dụng cụ học tập, sách giáo khoa, quần áo, đôi dép..., những phương tiện
tối thiểu để các em trở lại trường. Mỗi phần quà giúp các em trị giá
250.000 đồng. Chương trình sẽ tập trung đến với các em vùng bị bão lũ
hoành hành nặng nề ở các tỉnh thành Quảng Ngãi, Quảng Nam, Kontum, Đà
Nẵng, Thừa Thiên - Huế...
Báo Tuổi Trẻ rất mong bạn đọc, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm chung tay cùng Tuổi Trẻ trong chương trình này để kịp thời giúp đỡ, động viên các em vượt qua cơn hoạn nạn tiếp tục đến trường... |
Theo báo Tuổi Trẻ.