Bão số 10 bắt đầu gây ảnh hưởng trên biển
Hồi
13 giờ ngày 5/10, vùng tâm bão số 10 còn cách quần đảo Hoàng Sa khoảng
850 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh
cấp10, cấp 11 (tức là từ 89 đến 117 km một giờ), giật cấp 12, cấp 13.
 |
Bão số 10 đang hướng vào khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam
(Ảnh: NCHMF) |
Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 10 di
chuyển chậm theo hướng Nam Đông Nam, mỗi giờ đi được khoảng 3 - 5 km.
Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (tức là từ 103 đến 117
km một giờ), giật cấp 12, cấp 13. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy
hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 100 km, từ cấp 6 trở lên có
bán kính khoảng 250 km.
Ông
Vũ Anh Tuấn, Trưởng phòng dự báo khí tượng hạn ngắn (Trung tâm dự báo
khí tượng thủy văn Trung ương cho biết): “Trong khoảng 2 đến 3 ngày
tới, bão số 10 sẽ dịch chuyển gần hơn cách quần đảo Hoàng Sa 750 km về
phía Đông Đông Bắc. Hiện nay, bão số 10 mới bắt đầu gây ảnh hưởng đến
khu vực trên biển”.
Cụ
thể là vùng biển phía Đông Bắc khu vực Bắc biển Đông có gió mạnh cấp 8,
cấp 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13.
Biển động dữ dội.
Ông Tuấn cũng cho biết thêm: “Do tác động của các yếu tố môi trường quanh bão, đặc biệt là tương tác với siêu bão Melor đang có cường độ cấp 17 ở ngoài khơi Philiipines nên diễn biến của bão số 10 còn có thể thay đổi khác với nhận định trên”.
 |
Bão số 10 (cơn nhỏ) và siêu bão Melor (cơn lớn)
còn cách nhau 1.600km, đang tương tác với nhau khiến bão số 10 đổi
hướng, diễn biến phức tạp (Ảnh: Khí tượng Đài Loan) |
Tính tới thời điểm này, siêu bão Melor và bão số 10 còn cách nhau 1.600km, song song nhau nhưng có xu hướng tách nhau ra.
Theo
ông Tuấn, thực tế khi còn cách nhau 2.500km thì 2 cơn này đã tác động
đến nhau rồi. Do yếu hơn nên bão số 10 chịu sự chi phối của bão Melor.
Trong khoảng 2 đến 3 ngày tới, 2 cơn này có thể không còn chi phối lẫn
nhau nữa. Khi đó, bão số 10 trở thành cơn bão độc lập.
Ông
Tuấn cho biết: “Sẽ có 2 khả năng xảy ra: Hoặc bão sẽ mạnh lên, hoặc bão
sẽ đổi hướng. Khả năng đổi hướng là nhiều hơn. Mọi diễn biến có thể còn
thay đổi và chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật trong các bản tin tiếp theo”.
Trước
việc bão số 10 gây ảnh hưởng mạnh trên biển, Ban chỉ đạo phòng chống
lụt bão Trung ương đã có công điện yêu cầu ban chỉ huy phòng chống lụt
bão các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi cần thông
báo ngay cho chủ các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển
biết vị trí, và hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh, thoát
ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm được xác định là vùng biển
phía bắc vĩ tuyến 17 và phía đông kinh tuyến 117.
Ngoài
ra, các địa phương này phải thường xuyên giữ liên lạc với các chủ tàu
thuyền để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; cần duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.
Hậu quả bão số 9: 162 người chết
Ban
chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương đã có thống kê chi tiết tình
hình thiệt hại do bão số 9 gây ra ở 14 tỉnh thành miền Trung. Theo đó,
con số người chết lên đến 162 người, hiện còn 19 người chết chưa xác
định được danh tính, 4 người chết chưa rõ nguyên nhân.
Trong
số 14 tỉnh thành chịu ảnh hưởng của bão và lũ từ cơn bão số 9, Kon Tum
thiệt hại nặng nhất về người (48 người chết), tiếp đến là Quảng Ngãi
(35 người chết).
 |
Đã có 162 người chết vì bão số 9. Đây chưa phải con số thống kê cuối cùng (Ảnh minh họa: Một học sinh ở Quảng Nam chết vì bị sạt lở đất. Ảnh: Hoàng Anh) |
Tiếp
sau 2 địa phương trên là Quảng Nam: 25 người chết, Bình Định: 11, Quảng
Trị: 10, Đà Nẵng: 7, Huế: 11, Hà Tĩnh: 5, Quảng Bình – Gia Lai – Đắk
Nông – Lâm Đồng: mỗi tỉnh 2 người chết, Phú Yên – Đắk Lắk: Mỗi tỉnh 1
người chết.
Kon
Tum sở dĩ thiệt hại nặng nề về người bởi địa phương này tuy không chịu
ảnh hưởng trực tiếp của bão số 9 nhưng hoàn lưu sau bão gây mưa lớn đã
khiến lũ lên nhanh, địa bàn tỉnh bị ngập úng nặng. Cộng thêm với địa
hình dốc, nước chảy xiết, số người chết ở Kon Tum chủ yếu xuất phát từ
lý do sạt lở đất, sập nhà hoặc bị lũ cuốn.
Còn
tại Quảng Ngãi, lý do chủ yếu khiến số người chết lên đến 35 là do bị
nước cuốn trôi. Ngoài ra là các lý do sập nhà, tàu chìm, điện giật, sạt
lở,...
Ngoài 162 người chết còn có 14 người mất tích và có tới 616 người bị thương do ảnh hưởng của bão số 9.
Thiệt
hại về vật chất cũng tiếp tục tăng cao. Tính đến nay, tổng số thiệt hại
(nhà cửa, hoa màu, công trình xây dựng, giao thông, ..) ở 14 tỉnh thành
miền Trung lên đến 14.344,9 tỷ đồng.
Quảng
Ngãi tiếp tục dẫn đầu danh sách các tỉnh thiệt hại nặng nề nhất về tài
sản (5.100 tỷ đồng), tiếp đến là Quảng Nam (3.500 tỷ), Quảng Trị -
Quảng Bình (1.939 tỷ), … Một số tỉnh thành như Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế,
mức thiệt hại dao động từ 343 đến 495 tỷ…
Đây vẫn chưa phải con số thiệt hại cuối cùng về hậu quả của bão số 9.
Từ
ngày 1/10 đến nay, Hội chữ thập đỏ TP.HCM đã tiếp nhận 896 triệu đồng
và các phần quà gồm 10.000 tấn gạo, 7.000 lon sữa Ensua, mùng, mền,
quần áo, dầu ăn, mì gói. Tổng trị giá cả tiền và quà là 1,3 tỷ đồng.
Các phần quà và tiền trên đang trên đường đến miền Trung và Tây Nguyên.
Bà
Nguyễn Thị Huệ, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ TP cho biết, dự kiến sẽ dành
cho Tây Nguyên 1.000 phần quà bao gồm tiền và hiện vật. Riêng tại miền
Trung, Hội dự kiến sẽ trao cho huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi và huyện
Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam 1.600 phần quà. Mỗi phần quà gồm 300 ngàn tiền
mặt và hiện vật tương đương 200 ngàn đồng.
Bên
cạnh đó, Hội sẽ đặc biệt quan tâm đến những gia đình có tang thương.
“Sau đợt làm từ thiện này, chúng tôi không cứu trợ bằng luơng thực nữa
mà sẽ tiến hành xây nhà tình nghĩa”, bà Huệ nói.
(Thanh Huyền)
|
(Theo Vietnamnet.vn)