'Truy cứu đúng sai không còn cần thiết'
Trao đổi với VnExpress.net hai ngày sau khi
Bộ Tài nguyên môi trường có công văn phản bác ý kiến "dự báo bão sai"
của lãnh đạo Quảng Ngãi, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Phạm Đình Khối cho
rằng: "Nếu ngành khí tượng không tin nhận định này, cứ hỏi người dân
thì rõ. Tỉnh cho rằng công tác dự báo cần sát sao, thông tin nhanh, chi
tiết cụ thể hơn nữa để bật lên mức độ ảnh hưởng của bão đến từng địa
phương".
Sáng 27/9, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo, bão đang mạnh thêm và sáng 29/9 bão sẽ áp sát bờ biển Quảng Trị - Đà Nẵng. Tối 29/9 có thể đổ bộ vào đất liền ở các tỉnh này.
Sáng 28/9 dự
báo tiếp theo, 7h sáng 29/9, tâm bão cấp 12-13 chỉ còn cách bờ biển các
tỉnh từ Thừa Thiên Huế - Quảng Nam khoảng 160 km về phía đông. Với tốc
độ 10 km mỗi giờ, và không đổi hướng, đêm 29/9, bão sẽ đi vào các tỉnh
từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam.
Sáng 29/9, trong bản tin do Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia phát đi, trưa 29/9, vùng tâm bão sẽ đi vào địa phận tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Đến 20h ngày 29/9, tâm bão đã ở trên địa phận tỉnh Quảng Nam.
Thực tế, trưa 29/9, bão số 9 đổi hướng xuống phía Nam, tâm bão đổ vào Quảng Nam và Quảng Ngãi. Đây là bản tin cuối về đường đi của bão số 9, được Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia phát tối 29/9. |
Ông Khối khẳng định, dự báo hướng đi bão số 9 của khí
tượng thủy văn đã không chính xác, mặc dù tên Quảng Ngãi luôn ở trong
bản tin điểm vùng ảnh hưởng bão. Cụ thể tối 28/9, khi còn cách bờ biển
khoảng 100 km, bão đã đột ngột ngoặt 45 độ di chuyển theo hướng tây tây
nam, thay vì theo hướng tây tây bắc như dự đoán ban đầu của Trung tâm
dự báo khí tượng thủy văn trung ương. Với đường đi này, tâm bão trực
tiếp đổ vào Quảng Ngãi, khu vực huyện Bình Sơn, mà đảo Lý Sơn là vùng
đất tiền tiêu hứng chịu cuồng phong đầu tiên. Bản tin dự báo bão của
Đài Khí tượng thủy văn Trung ương đến chiều 28/9 vẫn thông báo chung
chung là cơn bão ảnh hưởng trên diện rộng từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi.
"Trong đêm 28 không có bản tin nào kịp thời báo bão
chuyển hướng đột ngột. Tuy nhiên, từ 3h30 sáng 29/9, những cơn gió cực
mạnh bắt đầu quật Lý Sơn và tàn phá nặng nề", ông Khối nhấn mạnh. Sáng
29/9, bản tin của Trung tâm khí tượng thủy văn vẫn cho rằng, Đà Nẵng,
Quảng Nam là tâm bão và sẽ đổ bộ vào đất liền chiều tối cùng ngày.
Trong khi đó, trên thực tế khoảng 8h sáng 29/9, bão đã hoành hành ở khu
kinh tế Dung Quất với sức gió 162 km một giờ và mạnh dần lên.
Theo ông Khối, do ban đầu xác định Quảng Ngãi là vùng
ảnh hưởng nên mọi công tác chuẩn bị đối phó với bão chỉ với tư cách là
vùng ảnh hưởng, là điểm cuối cùng trên đường đi của bão. Trong khi đó,
khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Nam được xác định là trọng tâm bão quét
qua, đã thực hiện theo chỉ đạo công điện của Chính phủ: hoàn thành việc
di dời dân trước 24h ngày 28/9, cho học sinh nghỉ học trong ngày 29 và
30/9...
 |
Bão khiến nhiều ngôi nhà ở Quảng Ngãi hư hỏng nặng nề, thậm chí chỉ còn lại đống đổ nát. Ảnh: Trí Nguyễn. |
Trưởng ban phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Ngãi Trương
Ngọc Nhi thì khẳng định: "Ý kiến của tỉnh về dự báo bão không phải đổ
trách nhiệm, mà là rút kinh nghiệm để đối phó với các cơn bão tốt hơn
trong thời gian tới". Ông Nhi ngậm ngùi: "Người chết cũng đã chết, nhà
sập cũng đã sập rồi. Hậu quả nặng nề, nên việc truy cứu ai đúng, ai sai
đã không còn cần thiết bằng phải khắc phục thiệt hại và ổn định cuộc
sống người dân".
Rút kinh nghiệm chống bão số 9, ông Nhi cho rằng bản
tin dự báo bão của Trung tâm khí tượng thủy văn Quảng Ngãi cụ thể,
chính xác, kịp thời hơn bản tin của Khí tượng thủy văn Trung ương "vì
đã được chắt lọc thông tin ra sát với địa phương". Lãnh đạo tỉnh Quảng
Ngãi hầu như chỉ dựa vào tin dự báo bão của khí tượng tỉnh để đối phó
với bão.
Theo dự báo của Khí tượng trung ương, Quảng Ngãi là
vùng ảnh hưởng nên tỉnh quyết định di dân đại trà ở những nơi xung yếu
vào ngày 28, ngày 29 sẽ tiếp tục chuyển dân vùng bị bão ảnh hưởng trực
tiếp. Tuy nhiên cảnh báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Quảng Ngãi về
khả năng bão đổ bộ vào tỉnh khiến lãnh đạo tỉnh quyết định chuyển phần
lớn dân ngay trong đêm 28, "nếu không thiệt hại sẽ còn lớn hơn nữa",
ông Nhi nhận định.
Trước hiện trạng người dân tỉnh đang chịu thiên tai
kép, vừa chống chọi với bão lại còn lo đối phó với lũ dâng cao, ông Phó
chủ tịch tỉnh đồng thời là Trưởng ban phòng chống lụt bão Quảng Ngãi,
đề nghị các bản tin báo bão của khí tượng thủy văn nên dự báo cụ thể cả
về lưu lượng mưa và nguy cơ lũ, thay vì chỉ chung chung như hiện nay
"mưa vừa, mưa to đến rất to"... Theo ông Nhi, chính lũ trong bão đã
khiến tỉnh chịu thiệt hại nặng nề về người và của, có những người dân
bị lũ ập đến giết chết ngay trong nhà mình.
Đại diện Trung tâm khí tượng thủy văn Quảng Ngãi cho biết,
để cụ thể hóa bản tin báo bão của Khí tượng trung ương, đơn vị này đã
phân tích tình hình, áp dụng cách tính tâm bão, giả sử vào Đà Nẵng thì
trong bán kính ảnh hưởng 150 km của bão cấp 10, huyện Bình Sơn của
Quảng Ngãi sẽ bị ảnh hưởng nặng. "Từ phân tích này, chúng tôi đã thông
báo cho tỉnh và nhấn mạnh khả năng bão tấn công Bình Sơn để kịp di dân,
triển khai đối phó", đại diện Trung tâm khí tượng thủy văn Quảng Ngãi
nói với VnExpress.net.
Trước đó, trong công văn do Thứ trưởng Nguyễn Văn Đức
ký gửi Quảng Ngãi, lãnh đạo Bộ Tài nguyên khẳng định, thông tin cảnh
báo, dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương là
"tương đối sát với diễn biến bão, mưa, lũ xảy ra trên địa bàn tỉnh
Quảng Ngãi". Theo bộ này việc lãnh đạo Quảng Ngãi cho rằng dự báo không
sát, khiến người dân Quảng Ngãi không kịp trở tay là: "Nhận định rất
đáng tiếc, phủ nhận cố gắng, công sức của hàng nghìn cán bộ, nhân viên
ngành khí tượng thủy văn".
Quảng Ngãi là địa phương chịu thiệt hại nhất do bão số 9, trên 30
người chết và 280 người bị thương, ước thiệt hại hơn 4.500 tỷ đồng. Vấn
đề hỗ trợ lương thực cứu đói, xử lý nước uống, thuốc men phòng ngừa
bệnh tật sau bão lũ... đang tích cực thực hiện.
|