Triển lãm tôn Vinh làng nghề truyền thống: Nét tài hoa còn mãi
Triển
lãm này do Bộ VH-TT&DL phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức
và là một trong những hoạt động chào mừng 999 năm Thăng Long - Hà Nội,
đồng thời chuẩn bị cho việc tổ chức lễ hội "Làng nghề, phố nghề Thăng
Long" tại Đại lễ 1000 năm. Không chỉ tạo cơ hội cho các nghệ nhân Hà
Nội giới thiệu những sản phẩm lưu giữ hồn dân tộc, được tạo nên bởi
những bàn tay tài hoa, mà hoạt động này còn chứng tỏ sản phẩm làng nghề
và văn hóa làng nghề ngày càng được quan tâm gìn giữ và phát huy.
Các anh tài sánh vai hội tụ
Khác
hẳn với "kịch bản" nhàm chán của các festival làng nghề trước đây,
triển lãm "Tôn vinh làng nghề truyền thống" là một bức tranh nhiều màu
sắc về làng nghề, phố nghề Hà Nội. Khu trưng bày sản phẩm thủ công mỹ
nghệ của các nghệ nhân Hà Nội qua các thời kỳ giới thiệu với du khách
gần 300 sản phẩm lưu giữ hồn dân tộc và hào khí Thăng Long, được tạo
nên từ bàn tay khéo léo của các nghệ nhân. Khu triển lãm cổ vật đã tái
hiện lịch sử các làng nghề từ khi hình thành đến nay với gần 400 đồ vật
quen thuộc như hũ, lọ, bình vôi, đỉnh, chóe, hoành phi, câu đối, bàn
thờ, tủ thờ… Sống động hơn, 50 "di sản sống" (nghệ nhân) đến từ các
làng nghề tiêu biểu của Thủ đô như làng nghề dệt lụa tơ tằm Vạn Phúc
(Hà Đông), khảm trai Chuyên Mỹ (Phú Xuyên), mây tre đan Phú Nghĩa
(Chương Mỹ), gốm Bát Tràng, dát vàng, bạc Kiêu Kỵ (Gia Lâm) còn trực
tiếp giới thiệu, trình diễn thao tác, kỹ năng và công đoạn làm nghề.
Để
có thể đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của du khách, ông Nguyễn Văn Sinh, Chủ
tịch Hiệp hội Làng nghề Vạn Phúc cùng gần 20 thợ giỏi của làng mang tới
triển lãm đủ đồ nghề, nào nguyên liệu, khung dệt, nào thuốc nhuộm...
Ông Sinh hào hứng giới thiệu: Tơ tằm không chịu được độ kiềm cao, trong
khi đa phần thuốc nhuộm vải hóa học chứa nhiều kiềm nên những nghệ nhân
trong làng đã "chế" thành công chất làm giảm độ kiềm từ thiên nhiên…
Tiếp đó, ông đã "bật mí" cách nhuộm lụa đẹp mà bền màu, cách làm mẫu
hoa - vốn là khâu bí mật của dệt lụa Vạn Phúc nhiều đời nay.
Mong
ước được giới thiệu tinh hoa văn hóa ẩn chứa bên trong các sản phẩm
khảm trai Chuyên Mỹ với nhân dân cả nước, nghệ nhân Trần Bá Dinh mang
đến triển lãm bức tranh khảm trai "Chân dung Bác Hồ" - tác phẩm được
trao giải "Tinh hoa Việt Nam" năm 2003 và nhiều tác phẩm quý giá khác.
Ông say sưa hướng dẫn khách các công đoạn làm nghề và cho biết thêm: Để
tạo ra một sản phẩm có "hồn", người thợ phải có tâm, lòng yêu nghề và
vốn hiểu biết về văn hóa, xã hội. Ông nói: "Tôi đã hoàn thành những tác
phẩm nghệ thuật khảm trai bằng tất cả tình yêu và lòng tự hào về nghề
truyền thống của quê hương. Tôi hy vọng có thể truyền nghề cho càng
nhiều người càng tốt, vì chỉ có cách đó nghề truyền thống của quê tôi
mới đứng vững và phát triển, lòng nhiệt huyết với nghề mới được lưu
truyền".
Các
nghệ nhân làng gốm Bát Tràng - làng nghề nổi danh số một đất Hà thành -
cũng rất nhiệt huyết tiết lộ với khách cách trang trí hình rồng,
phượng, câu thơ đối, hoa văn... trên sản phẩm gốm. Nghệ nhân Nguyễn Văn
Đạt chia sẻ: "Những họa tiết, hoa văn này phản ánh chân thực, sinh động
đời sống tâm linh và thế giới quan, nhân sinh quan của người Việt Nam".
Tỏa sáng bản sắc làng nghề
Có
thể nói rằng, các sản phẩm làng nghề của Thủ đô đã và đang được nhiều
nước trên thế giới ưa chuộng. Đó là cách hiệu quả đưa văn hóa Việt Nam
nói chung, nét sinh hoạt của người Hà Nội nói riêng tới bạn bè quốc tế.
Thế nhưng, việc giữ gìn bản sắc làng nghề trong thời kỳ hội nhập đang
gặp không ít khó khăn. Tại triển lãm, không ít du khách đã đặt câu hỏi
với những nghệ nhân: "Có hay không chuyện vàng thau lẫn lộn ở các làng
nghề?". Một nghệ nhân làng gốm Bát Tràng trăn trở: "Đúng là có một số
người vì lợi nhuận làm ảnh hưởng tới số đông người làm nghề chân chính,
cống hiến hết mình cho thương hiệu quê hương".
Còn
ông Nguyễn Văn Sinh, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Vạn Phúc bày tỏ: "Sự
"lập lờ đánh lận con đen" của một số hộ kém ý thức đã làm giảm uy tín
của làng nghề" và cho biết thêm: Đứng trước nguy cơ bị lợi dụng thương
hiệu, Hiệp hội Làng nghề Vạn Phúc đang xây dựng phương án dệt chữ "lụa
Vạn Phúc" trên mép sản phẩm, giúp khách phân biệt được chính xác đâu là
lụa Vạn Phúc, đâu là lụa... rởm. Và theo ông, việc tham gia triển lãm
là cách quảng bá sản phẩm hiệu quả, giúp thương hiệu có sức sống trường
tồn. Cùng chung suy nghĩ, nghệ nhân Nguyễn Văn Trung, làng nghề Phú
Vinh (Chương Mỹ) hy vọng "Các ngành chức năng thường xuyên tổ chức các
cuộc triển lãm tôn vinh làng nghề truyền thống vì qua mỗi lần tham gia,
chúng tôi nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của việc mình đang làm, nghề
mình đang giữ".
Triển
lãm để tôn vinh là một mong mỏi của những người giữ nghề truyền thống
nhưng để bản sắc làng nghề tỏa sáng, để các sản phẩm làng nghề đến với
người dân cả nước cũng như bạn bè quốc tế thì cần thêm sự hỗ trợ thường
xuyên. Mới đây, UBND thành phố đã ban hành quy chế xét công nhận danh
hiệu "Làng nghề truyền thống Hà Nội".
Nếu
đạt danh hiệu này, làng nghề sẽ được hưởng một số quyền lợi, trong đó
có việc được hỗ trợ 100% chi phí thuê một gian hàng tiêu chuẩn để trưng
bày các sản phẩm làng nghề khi tham gia hội chợ, triển lãm giới thiệu
sản phẩm ở trong nước theo kế hoạch của cấp có thẩm quyền phê duyệt;
được hỗ trợ 50% kinh phí thuê một gian hàng tiêu chuẩn và được hỗ trợ
50% kinh phí phương tiện đi lại khi tham gia hội chợ, triển lãm ở nước
ngoài để trưng bày các sản phẩm làng nghề theo kế hoạch của cấp có thẩm
quyền phê duyệt. Có thể nói, mong mỏi của các nghệ nhân đã "gặp" chủ
trương của thành phố và trong tương lai, sản phẩm làng nghề truyền
thống của Thủ đô sẽ không chỉ được tôn vinh mà còn trở thành hàng hóa
có thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế.
Theo báo Hà Nội Mới.