Không nên chạm đến 4 “điểm huyệt” của sông Hồng
Hội
thảo phản biện xã hội về tiêu thoát lũ và tác động của dự án qui hoạch
cơ bản khu vực sông Hồng đoạn qua Hà Nội lần 2 do Hội tưới tiêu Việt
Nam tổ chức 8/10 đã tiếp tục nhận được những ý kiến thẳng thắn của các
nhà nghiên cứu.
Đào sâu hay mở rộng đều không ổn định
Nguyên Cục trưởng Cục đê điều Nguyễn
Kim Liên nhìn nhận, vấn đề đặt ra của dự án hợp tác với Hàn Quốc không
phải chỉ là việc thoát lũ mà quan trọng hơn, còn động chạm đến 10 triệu
nông dân đồng bằng sông Hồng.
Theo ông, dòng sông Hồng biến động dữ
dội chỉ sau sông Hoàng Hà (Trung Quốc) và việc đắp đê sông Hồng chỗ
rộng, chỗ hẹp là tổng kết suốt chiều dài lịch sử của cha ông ta về dòng
sông này.
Với quan điểm tôn trọng tự nhiên, ông
Liên cho rằng, chúng ta có thể gọt được đất, nhưng không gọt được…
trời. “Người Hà Nội vẫn mơ về một kè đẹp chạy dọc dòng sông, nhưng có
làm kè dòng sông lại bồi đắp lên và tự tìm một cân bằng mới”, ông Liên
nhận định.
Theo dự án, lòng sông sẽ được mở
rộng tại cửa Liên Mạc và điểm sau cầu Chương Dương, nhưng ông Liên lại
chỉ ra 4 “điểm huyệt” của đoạn sông Hồng chảy qua Hà Nội không được
chạm đến: cửa Liên Mạc, Bắc Hưng Hải, Vĩnh Tuy, sông Đuống.
Ông Nguyễn Kim Liên: việc đắp đê chỗ rộng, chỗ hẹp là tổng kết của cha ông ta về dòng sông
Theo ông Liên, đây chính là những
điểm dòng sông áp sát vào giúp cho việc lấy nước nên dù ủng hộ ý tưởng
xoá đi những manh múm, nheo nhóc bên dòng sông, ông vẫn “quán triệt”
nguyên tắc bảo lưu 4 điểm huyệt trên cùng quan điểm không động tới bãi
giữa sông.
Từng nhiều năm giảng dạy về động lực
và chỉnh trị sông tại Đại học Xây dựng, đồng thời cũng đang thực hiện
công trình nghiên cứu về sông Hồng, ông Lâm Tất Hậu cho rằng, điều kiện
thuỷ văn, địa chất đã sinh ra hình thái sông Hồng như đã có. “Điều kiện
như thế, chỉ mặt cắt như thế mới ổn định, còn đào sâu hay mở rộng đều
không ổn định”, ông Hậu nhấn mạnh.
Phát biểu trước đó, ông Hoàng Truyền
Kỳ, thành viên Hội tưới tiêu cũng cho rằng, không thể đào sâu lòng
sông, bởi theo ông, chỉ mỗi cửa cống Liên Mạc, năm nào cũng phải nạo
vét, nhưng sau mỗi lần như vậy lại bị dòng sông bồi lấp. Hơn nữa, theo
ông Kỳ, vấn đề lấy nước cho đồng bằng ra sao, tiêu nước như thế nào
chưa được dự án đề cập tới.
Mở rộng sang vấn đề di dân, ông Kỳ
nhìn nhận, mức hỗ trợ 600 triệu đồng cho mỗi hộ dân là chưa thoả đáng,
bởi nhiều ngôi nhà 6-7 tầng, giá trị có thể lên đến 5 - 7 tỉ đồng. Về
tỉ lệ đồng ý thực hiện dự án cao trong các lần triển lãm, ông Kỳ cho
rằng, đó chỉ là những người vãng lai, còn người dân tại khu vực lại là
vấn đề khác.
Đừng biến phố cổ thành sân sau
Đánh giá dự án đã đưa ra những vấn đề
rất hay, nhưng ông Phan Đình Đại, chuyên gia phía Việt Nam tham gia dự
án này cũng nhìn nhận, có 2 điểm rất cơ bản của dự án chưa ổn.
Cụ thể, trong qui hoạch chưa làm rõ
được việc di dân như thế nào (mới chỉ nói tái định cư tại chỗ) nên
thiếu tính khả thi. Dự án cũng mới chỉ nghiên cứu lũ bề mặt, chưa đề
cập đáy sông vận động như thế nào, địa chất ra sao, dẫn tới phương án
xử lí đê điều không hợp lí.
Nhiều ý kiến chưa đồng tình với phương án đê của dự án
Kiến trúc sư cảnh quan Trần Thanh Vân
cho rằng, Hà Nội đã mở rộng với diện tích 334 ngàn ha mà vẫn tìm cách
“chui” vào lòng sông là không hợp lí. Theo bà Vân, không nên xây nhà
cao tầng tại khu vực sông Hồng mà phải để nơi này thoáng rộng, mênh
mông…
Cách làm như vậy được bà Vân nhấn
mạnh là để tôn trọng phố cổ. “Xây những nhà cao tầng tại đó sẽ biến phố
cổ thành sân sau của những toà nhà cao tầng”, bà Vân phân tích.
Một số phát biểu tại hội thảo còn cho
rằng, nếu đắp thêm đê như dự án đề xuất sẽ hình thành 4 bờ đê hai bên
sông, ảnh hưởng đến không gian tại khu vực sông Hồng.
Việc nâng cao bãi Tứ Liên cũng mang
đến lo ngại về vấn đề thoát nước. Chưa kể, vấn đề thoát nước của sông
Hồng không thể chỉ cắt đoạn Hà Nội ra tính mà phải tính cả hệ thống
sông, tính ở tất cả các ngả đi về…
Theo báo Điện tử Dân Trí.