Thi tốt nghiệp THPT sẽ có nhiều thay đổi
 |
Giờ học môn tiếng Anh của học sinh lớp 12A2 Trường
THPT Marie Curie, Q.3, TP.HCM. Những học sinh này có thể sẽ không còn
phải làm phần đề riêng trong kỳ thi tốt nghiệp sắp tới - Ảnh: NHƯ HÙNG |
 |
Học sinh lớp 12A6 (ban A) Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM) trao đổi
sau buổi thi giữa học kỳ 1. Những học sinh này có thể sẽ không còn phải
làm phần đề riêng trong kỳ thi tốt nghiệp sắp tới - Ảnh: T.T.D. |
>> Dự thảo quy chế thi tốt nghiệp THPT 2010: Không bắt buộc thí sinh làm đề thi theo ban
Thảo luận góp ý cho quy chế thi tốt nghiệp THPT năm
2010 là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm trong hội thảo về công
tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục phổ thông do Bộ GD-ĐT tổ
chức ngày 8-10 tại Hà Nội. Có đến 11 điểm được Bộ GD-ĐT dự kiến sửa
đổi. Song điểm nhận được nhiều ý kiến đề nghị sửa đổi nhất là không quy
định cứng nhắc “thí sinh học chương trình nào phải làm phần đề thi
riêng phù hợp với chương trình đó”.
Không có phần riêng
Theo quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2009, đề thi có
hai phần chung và riêng. Thí sinh phải chọn làm phần riêng phù hợp với
chương trình (chuẩn hoặc nâng cao) được học. Việc bố trí thí sinh theo
phòng thi, trong các cụm thi năm 2009 cũng được sắp xếp theo ban (khoa
học tự nhiên, khoa học xã hội, cơ bản) và theo các ngoại ngữ.
Tại hội thảo, ông Trần Văn Nghĩa, phó cục trưởng Cục
Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT, thừa nhận: “Quy
định thí sinh học chương trình nào làm phần đề riêng phù hợp với chương
trình đó thực tế đã không thể thực hiện được”. Đại diện một số sở GD-ĐT
cũng cho rằng quy định không có tính khả thi và đề nghị nên để thí sinh
được lựa chọn một trong hai phần tự chọn phù hợp với kiến thức đã tích
lũy và năng lực thí sinh.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế thi tốt nghiệp THPT
công bố tại hội thảo đã sửa đổi khoản 7, điều 21, với nội dung: “Thí
sinh chỉ làm một trong hai phần tự chọn của đề thi. Nếu làm cả hai phần
tự chọn thì bị coi là phạm quy và không được chấm điểm bài làm phần tự
chọn của đề thi”. Như vậy, cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT năm 2010 sẽ
chỉ gồm hai phần: bắt buộc và tự chọn (không có phần riêng theo chương
trình chuẩn và nâng cao). Tuy nhiên, việc này lại làm phát sinh ý kiến
e ngại sẽ làm gia tăng khả năng phá sản chương trình phân ban.
Không xếp thí sinh theo ban
Mặc dù có những ý kiến phản ánh về chuyện thi cụm gây
khó khăn, tốn kém cho đơn vị tổ chức và thí sinh, nhưng vấn đề này đã
không được đặt ra trong nội dung thảo luận. Trao đổi bên lề hội thảo,
đại diện Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT cho
rằng: “Bộ GD-ĐT đã căn cứ vào phân tích kết quả của kỳ thi trước, với
những ưu điểm từ việc thi cụm để dự kiến không thay đổi quy định này.
Tuy nhiên, việc quyết định còn căn cứ vào ý kiến, đóng
góp tiếp theo của các cơ sở giáo dục”. Lý giải việc nên duy trì thi
cụm, đại diện cục cho rằng cần lựa chọn giải pháp khó khăn hơn một chút
đối với những người tổ chức thi, nhưng mang lại hiệu quả, thay vì quay
về cách làm cũ.
Không được dự kiến sửa đổi, nhưng quy định sắp xếp thí
sinh ngồi thi theo ban cũng có nhiều ý kiến đề nghị phải thay đổi để
phù hợp với thay đổi trong cấu trúc đề thi. Đại diện Sở GD-ĐT Nam Định
cho rằng việc sắp xếp thí sinh theo ban không những không giải quyết
được việc kiểm soát thí sinh làm phần đề riêng theo chương trình được
học mà còn làm giảm hiệu quả của việc tổ chức thi cụm.
Thực tế có những cụm thi ghép thí sinh của ba trường
THPT, nhưng do có trường chỉ tổ chức học một ban (cơ bản) hoặc có những
ban hiếm học sinh như ban khoa học xã hội chỉ tập trung ở một trường
nhất định nên đã xảy ra tình trạng nhiều phòng thi chỉ có thí sinh của
một trường thi với nhau. Vì vậy, cùng với việc không sắp xếp thí sinh
ngồi theo ban, có ý kiến đề nghị cần có quy định để tránh việc cụm thi
có nhiều trường nhưng thí sinh cùng trường, cùng lớp vẫn ngồi cùng
phòng.
Điều chỉnh chấm chéo
Các ý kiến tại hội thảo không phản đối việc chấm chéo
nhưng đề nghị quy định rõ hơn, chặt chẽ hơn ở khâu chấm thi. Đại diện
Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng: “Việc phải đảm nhiệm số lượng bài thi rất lớn
của ba đơn vị khác nhau rất phức tạp, trong khi phần mềm chấm thi không
tương thích”, nếu không điều chỉnh sẽ khó khăn cho việc ghép điểm, nhập
dữ liệu chính xác, đúng tiến độ.
Nhiều sở GD-ĐT cho rằng không nên bắt buộc khâu làm
phách phải đảm bảo quy trình “hai vòng độc lập”, gây khó khăn, phức
tạp, làm chậm tiến độ chấm thi. Tiếp thu những ý kiến góp ý với mục
đích không kéo dài thời gian chấm thi, Bộ GD-ĐT dự kiến sửa đổi: khâu
làm phách không cần phải qua hai vòng độc lập. Bên cạnh đó, sẽ điều
chỉnh mức chênh lệch điểm thi phải xử lý trong quá trình chấm thi theo
đặc thù môn thi tự luận (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội).
Dự thảo mới quy định: điểm bài thi tự luận chênh 1,5
điểm trở lên với môn khoa học tự nhiên và chênh 2 điểm trở lên với môn
khoa học xã hội sẽ tổ chức đối thoại giữa hai người chấm để thống nhất
(quy chế hiện hành chỉ quy định mức chênh lệch chung là 2 điểm). Tương
tự, điều chỉnh điểm của bài thi khi điểm chấm lại chênh lệch với lần
chấm trước 0,5 điểm trở lên với môn khoa học tự nhiên và 1 điểm trở lên
với môn khoa học xã hội (quy chế hiện hành quy định mức chênh lệch
chung là 1 điểm).
Đại diện Sở GD-ĐT Hải Phòng đề nghị không quy định
cứng nhắc việc khớp phách ngẫu nhiên 20% số bài thi mà nên để các cơ sở
chủ động làm càng nhiều càng tốt, hạn chế sai sót, ảnh hưởng đến thí
sinh.
100% trường phổ thông triển khai tự đánh giá
Theo Bộ GD-ĐT, để triển khai việc kiểm định chất lượng
giáo dục đối với các trường học bậc phổ thông, đến nay Bộ GD-ĐT đã hoàn
chỉnh hệ thống văn bản về vấn đề này. Dự kiến 100% trường từ tiểu học
đến THPT trên cả nước sẽ triển khai tự đánh giá trong năm học
2009-2010. Các sở GD-ĐT sẽ tổ chức việc đánh giá ngoài. Hiện tại có 25
sở GD-ĐT tham gia “chương trình quản lý chất lượng của trường THPT”.
Về cơ bản, các sở GD-ĐT thống nhất với bộ tiêu chí và
chỉ đạo của Bộ GD-ĐT trong công tác kiểm định chất lượng giáo dục.
Nhưng vẫn có một số điểm có ý kiến cho rằng khó khả thi và không phù
hợp. Cụ thể tiêu chí về hoạt động dạy thêm, học thêm khó khả thi (theo
đại diện Sở GD-ĐT TP.HCM) và việc duy trì tỉ lệ tốt nghiệp THPT là căn
cứ để chấm điểm thi đua là không phù hợp (theo đại diện Sở GD-ĐT Sơn
La). |
Theo báo Tuổi Trẻ.