999 năm Thăng Long - Hà Nội, 55 năm Giải phóng Thủ đô: Điểm hội tụ tinh hoa đất nước
Nặng
lòng với Hà Nội, 55 năm miệt mài làm việc, ông đã có 15 cuốn sách in
riêng về Hà Nội, chủ biên 5 cuốn khác và là tác giả nhiều bài viết sâu
sắc về Hà Nội. Nhân kỷ niệm 55 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, 999 năm
Thăng Long - Hà Nội, 10 năm Hà Nội được UNESCO công nhận là "Thành phố
Vì hòa bình", Hànộimới xin trân trọng giới thiệu bài viết mới của ông.
 |
Thủ đô Hà Nội trên đường phát triển. Ảnh: Nhật Nam |
Thủ
đô nước nào cũng vậy, là nơi hội tụ những gì tiêu biểu của mọi vùng đất
nước. Riêng Hà Nội, chỉ tính từ thời định đô đã có tới một ngàn năm,
thu hút nhân tài bách nghệ bốn phương, chắt lọc, hun đúc lại, tạo nên
cái tinh hoa kinh kỳ. Thêm vào đó, việc giao lưu quốc tế cũng diễn ra
thường trực. Cho nên Thăng Long - Hà Nội đã dằng dặc tiếp thu mọi tinh
hoa của các vùng, nhào nặn lại, nâng cao lên theo yêu cầu của đời sống
toàn dân tộc. Điều này có nghĩa là cái bản lĩnh văn hóa của Hà Nội
chính là cái bản lĩnh chung của dân tộc cộng với sắc thái riêng của đất
Thủ đô. Đó là sản phẩm, đồng thời là động lực để người Thăng Long - Hà
Nội sáng tạo ra những thành tựu rực rỡ về các mặt.
Vậy những động lực đó là gì?
Trước hết đó là lòng yêu đất nước quê hương vốn đã trở thành hằng số của tâm hồn Việt
Nam.
Có vậy mới tồn tại được trước âm mưu đồng hóa của bao kẻ đô hộ trải
hàng chục thế kỷ, mới bảo vệ được phong tục của dân tộc qua bao biến
thiên của lịch sử. Người Hà Nội luôn với tư thế đại diện cho một dân
tộc quật cường, giữ trọn vẹn tiếng nói, bảo tồn lối sống để không bị
lai tạp.
Giữa
thế kỷ XX, người Hà Nội lại lần nữa đứng lên phá hủy phố phường đi tản
cư cùng với 60 ngày đêm khói lửa ngập trời làm phá sản âm mưu đánh
nhanh thắng nhanh của thực dân.
Thứ
đến là nghị lực, một nghị lực lớn, kết tinh của ý chí mạnh mẽ, khả năng
hành động và đức tính bền bỉ. Nghị lực lớn trong chống ngoại xâm, nghị
lực lớn trong tạo dựng văn minh, tạo lập đời sống. Người đời Lý đã từng
dời cả một làng Bình Sa - vốn ở bờ nam Hồ Tây - ra phía bãi sông Hồng
lập ra làng mới (Cơ Xá) để lấy chỗ xây dựng Kinh đô mới. Và một công
trình đáng kể khác của nghị lực Thăng Long là con đê ngăn lũ sông Hồng
lần đầu được đắp ở Thăng Long suốt chiều dài nghìn năm dựng xây đô
thành, phát triển trở thành "vệ sĩ" khổng lồ bảo vệ cả Đồng bằng Bắc
bộ. Và nghị lực Hà Nội lại tiếp nối nghị lực Thăng Long, những năm 60
của thế kỷ trước, Hà Nội đã gồng mình lên, vừa đánh Mỹ vừa xây dựng chủ
nghĩa xã hội, thực sự là tiền tuyến với vô vàn gian khổ, nào thiên tai
bão bùng lụt lội, nào bom đạn tàn phá phố phường, làng xóm, phải chịu
đựng bao vất vả và cả khổ đau để cuối cùng đã thắng lợi vang dội. Không
có nghị lực phi thường thì sao mà đạt được kết quả thần kỳ như vậy.
Kế
đó là chất trí tuệ thông minh. Thông minh thì nhạy cảm, nắm bắt nhanh,
lắm sáng kiến, đồng thời cũng năng động trong hành động, tiếp thu và
hội nhập hợp lý, luôn luôn tạo ra cái mới: sản phẩm mới, thơ văn mới,
nghệ thuật mới. Óc sáng tạo lại thêm khéo tay nên nghề giỏi, sản phẩm -
vô thể và hữu thể - đều tinh xảo, hoàn mỹ, đạt chất lượng cao vời.
Ai
cũng rõ Thăng Long - Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa đất nước. Trong cái
"phổ" tinh hoa đó có một thành tố là chất trí tuệ. Thăng Long Hà Nội,
nơi là "bộ não", là "trái tim" của cả nước thì tố chất trí tuệ được hun
đúc, cô đọng, nâng cao tạo ra những thành tựu không phải nơi nào cũng
có. Xin nêu một dẫn chứng. Cho tới khi các sáng kiến khoa học kỹ thuật
tiên tiến đến với nước ta thì pho tượng đồng lớn nhất nước là pho tượng
Trấn Vũ ở đền Quán Thánh do những người thợ đúc đồng Ngũ Xá làm ra
những từ thế kỷ XVII. Để có được sản phẩm đó, nghệ nhân Thăng Long phải
nắm bắt được những kỹ thuật không hề đơn giản chút nào.
Tiếp
đến là chất thanh lịch. Thuở trước cũng như bây giờ, người trong nước
hay khách nước ngoài khi nhớ về Hà Nội, nói về Hà Nội, đều nhận rằng
đây là dải đất của thanh lịch.
Thực
ra, trên cả nước chỗ nào mà chẳng có người thanh lịch. Nhưng Hà Nội với
bề dày nghìn năm đô thị hóa, là kinh thành, là trung tâm chính trị,
kinh tế, văn hóa lớn nhất nước, cũng có nghĩa là thịnh vượng hơn các
vùng, tạo ra nền tảng vật chất cũng cao hơn, cho nên chất văn minh
thanh lịch cũng đậm đà hơn.
Kinh
kỳ lại là nơi thu hút, hội tụ tài nghệ trong sự chọn lọc có vẻ bình yên
nhưng khá ngặt nghèo: cái gì còn lại, phát triển được chính là cái tiêu
biểu, cái tinh hoa. Cư dân tứ xứ về Hà Nội ban đầu cũng đem theo những
phong tục, lề thói địa phương nhưng theo dòng đời được chắt lọc, nâng
cao, trau chuốt trong khung cảnh văn hóa Kinh kỳ mà thành ra nếp sống
Tràng An. Những lề thói dở thì rơi rụng, bị bào mòn dần theo thời gian.
Tính
cách thanh lịch, thực chất là sự tôn trọng các giá trị tinh thần, đạo
lý, văn hóa trong làm ăn, ứng xử cũng như sinh hoạt hằng ngày, từ ăn,
mặc, ở, nói năng, đi lại, thưởng ngoạn văn hóa nghệ thuật... Người
thanh lịch là người mà từ trang điểm, phục sức, nói năng, giao tiếp,
ứng xử, làm lụng, hưởng thụ nghệ thuật... đều được chăm chút, cân nhắc,
tề chỉnh, không buông tuồng, trễ tràng.
Cuối
cùng là lòng nhân ái. Kẻ chợ là thương trường lớn, mà thương trường là
chiến trường, nhưng con người nơi đây vẫn giữ được lòng nhân ái. Dân tứ
chiếng về đây chung sống với nhau, họ thành láng giềng mới của nhau.
Người Việt vốn đã sẵn có lòng nhân ái, khi về kinh đô phải tựa vào nhau
mà sống nên tấm lòng hướng thiện được phát huy để sinh tồn. Họ cần hòa
đồng, tạo ra một quần cư mới đoàn kết để lấy đó làm sức mạnh mà cốt lõi
là nhân ái. Có yêu thương trân trọng nhau thì mới hợp đoàn được và theo
đó lòng nhân ái được nhân thêm lên.
Cũng
đáng lưu tâm rằng, vài chục năm trở lại đây, một trong những biến động
có ảnh hưởng lớn đến văn hóa Hà Nội đương đại là sự xáo trộn cư dân và
sau đó là những tác động của văn hóa và lối sống ngoại nhập ở "thời kỳ
mở cửa" - những thập niên cuối thế kỷ XX. Hiển nhiên, guồng máy tiếp
nhận lối sống từ khắp các địa phương về cho hệ văn hóa Hà Nội phải vận
hành với một công suất khá cao. Nhất là khi những yếu tố ngoại lai đó
gặp được ở đây một mặt bằng dân trí đang bị xáo trộn, lại vừa có phần
nào bị "thả nổi" với cơ chế thị trường. Vì thế sinh ra những lố lăng,
lai tạp, thậm chí thác loạn dẫn đến lối sống bạo lực, tham nhũng, ma
tuý, bất chấp luật pháp... những tệ nạn đang làm băng hoại nếp sống
thanh lịch ở nơi vốn "lắng hồn núi sông ngàn năm".
*
* *
Công
nghiệp hóa và hiện đại hóa đang đưa Hà Nội vào khúc ngoặt mới. Thắng
lợi của công cuộc cách mạng này đã và sẽ nâng tầm vóc Thủ đô lên tầm cỡ
mới. Nhưng đó là cả một quá trình vừa lớn lao vừa tinh tế, phải đi cả
một chặng đường dài tính bằng thập kỷ. Tuy nhiên, đại bộ phận cư dân Hà
Nội có niềm tin ở tương lai và tương lai không phản bội niềm tin đó. Dù
hiện tại còn có nhiều thứ lộn xộn đang đe dọa các giá trị đẹp đẽ vốn có
của nếp sống Thủ đô, nhiều thành tựu đã đạt được nhưng cũng phải đối
mặt với không ít những mặt trái của kinh tế thị trường. Chúng ta ý thức
được, chúng ta bận lòng, thì đó chính cũng là cái ý chí, cái nghị lực
của người Hà Nội thức tỉnh. Đại bộ phận người Hà Nội vẫn sống và làm
việc lương thiện. Ngay các tệ nạn xã hội cũng chỉ khoanh lại ở một bộ
phận. Cái xấu có chiều lây lan nhưng cũng liên tục bị xu hướng lành
mạnh - được hỗ trợ bằng luật pháp - đẩy lùi và thu hẹp.
Cho
nên cái tinh hoa, văn hóa thanh lịch, cái nét đẹp của văn hóa người Hà
Nội, nói gọn lại là bản lĩnh văn hóa Hà Nội dù có bị nhất thời che lấp
bởi các thứ lộn xộn, nhưng nó vẫn được giữ trong tâm thức số đông người
Hà Nội và hằng ngày vẫn có những biểu lộ rất đáng hoan nghênh.
(Theo Hanoimoi.com.vn)