Nhà văn trẻ bàn luận về 'Câu chuyện thế hệ'
Buổi hội thảo, do Công ty Bách
Việt và L’Espace tổ chức, là cái nhìn về thế hệ xoay quanh tiểu thuyết
đầu tay của ba nhà văn Tiến Đạt (tác phẩm Thể xác lưu lạc), Hoà Bình (tác phẩm Gọi con người) và Phong Điệp (tác phẩm Blogger).
Tiến Đạt và Hòa Bình sinh năm 1975, Phong Điệp sinh năm 1976. Họ đều là
những người trẻ với những sáng tác rất mới, đề cập đến những câu chuyện
hiện thời, đang xảy ra trong cuộc sống bình dị hằng ngày.
 |
Tác giả Hòa Bình và nhà phê bình Nguyễn Hòa tại buổi hội thảo. |
Dưới sự dẫn dắt của nhà phê bình Nguyễn Hòa, các cây
bút trẻ đã lần lượt chia sẻ cảm nhận về sự khác biệt thế hệ và những
ảnh hưởng đó đến sáng tác của họ. Nhà văn Hòa Bình cho rằng, các thế hệ
đi trước dường như có ít lựa chọn hơn và các lựa chọn mang tính khuôn
mẫu, trào lưu hơn. Trong khi đó, giới trẻ ngày nay đứng trước quá nhiều
lựa chọn, đến nỗi họ bị hoang mang, mất phương hướng, không định hình
được con đường đi của mình. Cuốn tiểu thuyết Gọi con người,
theo tác giả, một phần được chị viết ra từ những hoang mang ấy; một
phần từ những trải nghiệm của những gì mà cuộc sống đã dày vò, đã đưa
đẩy các cá thể trong một xã hội bộn bề những lo toan; một phần nữa, dù
rất ít, là bóng dáng của những tự sự cá nhân...
Trong khi đó, chia sẻ quan điểm về cảm giác hoang
mang, mông lung của nhà văn Hòa Bình, tác giả Phạm Phong Điệp cũng cho
rằng, cảm giác ấy ảnh hưởng rõ nét đến cách nhìn của các tác giả. Nhưng
theo chị, cách kết thúc khá u ám trong tiểu thuyết Blogger của chị, hay thói quen thích triết lý của các nhân vật tiểu thuyết Thể xác lưu lạc
của Tiến Đạt không đồng nhất với quan điểm tiêu cực của tác giả... Đó
chỉ là cách phản ánh suy nghĩ, hành xử của nhân vật trong cuộc đời.
Ngoài những vấn đề về thế hệ, các tác giả còn bàn đến
những cách tân về hình thức nghệ thuật, cách tổ chức cấu trúc tiểu
thuyết của họ nói riêng và của các tác giả trẻ nói chung.
(Theo evan.vnexpress.net)