Nhà ở xã hội:Cần công bằng, đúng đối tượng
Vấn
đề được nhiều người dân quan tâm hiện nay là làm thế nào để chủ trương
phát triển nhà ở xã hội trở thành hiện thực, đến được với người thu
nhập thấp, công nhân, sinh viên, nhóm đối tượng có nhu cầu nhà ở lớn
trong xã hội?
Hỗ trợ trực tiếp bên có nhu cầu
Theo
TS Phạm Sỹ Liêm, Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, cân đối
cung cầu nhà ở là nhiệm vụ của thị trường. Tuy nhiên, cũng không thể
phó mặc hoàn toàn cho thị trường, vì ngoài thuộc tính kinh tế, nhà ở
còn có thuộc tính xã hội, góp phần bảo đảm ổn định xã hội. Mặt khác,
thực hiện mục tiêu phân phối nhà ở công bằng còn có ý nghĩa tái phân
phối của cải xã hội nhằm giúp đỡ, nâng cao khả năng chi trả để một bộ
phận dân cư có nhà ở đạt chất lượng cần thiết.
Trên
thế giới hiện đại về cơ bản có hai mô hình thực hiện chính sách nhà ở.
Thứ nhất, mô hình "thị trường + giúp đỡ", tức là thị trường đóng vai
trò chủ đạo, Chính phủ chỉ điều chỉnh hậu quả của sự thiếu công bằng
khi cơ chế thị trường vận hành mà không thay đổi hay xóa bỏ sự vận hành
của cơ chế đó. Thứ hai, mô hình "thị trường + phúc lợi", vẫn lấy thị
trường làm cơ sở, nhưng thực hiện rộng rãi chế độ phúc lợi nhà ở. Trong
mô hình này, Nhà nước tái phân phối của cải xã hội mạnh mẽ hơn bằng
công cụ như hỗ trợ hoặc giảm thuế cho bên cung để hạ giá thành sản phẩm
hoặc trợ cấp trực tiếp cho bên cầu để tăng khả năng chi trả. Theo ông
Liêm, xu hướng hiện nay là thiên về trợ cấp cho bên có nhu cầu nhằm bảo
đảm sự giúp đỡ đúng mục tiêu, đối tượng cần giúp. Tuy nhiên, để thực
hiện được sự hỗ trợ trên cần có cơ chế kiểm soát đất đai, giám sát dòng
vốn đầu tư nhà ở để hạn chế rủi ro. Đặc biệt, Nhà nước cần cụ thể hóa
chính sách trợ cấp nhà ở bằng luật pháp, kiểm soát giá cho thuê, lãi
suất tín dụng phát triển nhà...
Tăng kênh dẫn vốn
TS
Nguyễn Đình Dương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã
hội Hà Nội cho rằng, vấn đề nhà ở phải được xem xét trong mối quan hệ
với chính sách phân phối thu nhập, tiền lương, việc làm. Thu nhập bình
quân theo đầu người ở Hà Nội hiện khoảng 10-15 triệu đồng/năm, trong
khi giá nhà ở thấp nhất khoảng 400 triệu đồng/căn có diện tích khoảng
50m2. Như vậy, giá nhà ở cao gấp 25-30 lần thu nhập bình
quân/người/năm. Có nghĩa là một người làm việc ở Hà Nội phải mất 25-30
năm, với điều kiện không tiêu dùng, mới đủ tiền mua một căn hộ. Vì vậy,
theo TS Dương, vấn đề quan trọng hiện nay, bên cạnh việc tạo ra loại
hàng hóa đặc thù - nhà ở giá rẻ và thúc đẩy phân khúc nhà ở giá rẻ, cần
phải nâng cao tính minh bạch của thị trường nhà đất. Chính sách phát
triển thị trường nhà ở trước tiên cần khắc phục nhược điểm của thị
trường (tình trạng đầu cơ, chi phí giao dịch thị trường cao, tính minh
bạch thấp). Thành phố hoàn toàn có thể ban hành chính sách khuyến khích
doanh nghiệp (DN) tư nhân tham gia thị trường nhà ở để hạn chế sự lũng
đoạn và độc quyền của DN nhà nước; khuyến khích thành lập hiệp hội nhà
ở của người thu nhập thấp để thực hiện giám sát sự hỗ trợ của Nhà nước;
công khai dự án, quy hoạch, bình chọn công khai người thuộc diện thu
nhập thấp được mua nhà... Mặt khác, cần tăng kênh dẫn vốn cho thị
trường nhà ở xã hội vì nhu cầu của cả DN và người mua đều rất lớn và
dài hạn. Đồng thời, sử dụng công cụ tài chính để điều tiết thị trường;
đánh thuế lũy tiến đến những người sử dụng quá mức trần nhà, đất; kê
khai nguồn gốc thu nhập mua bất động sản để tăng thu cho ngân sách, hạn
chế đầu cơ và lành mạnh hóa thị trường.
Ứng dụng công nghệ để giảm giá thành
Tại
hội thảo phát triển nhà ở cho công nhân, sinh viên và người thu nhập
thấp do Hội Xây dựng, Hội Quy hoạch phát triển đô thị và Hội Kiến trúc
sư Hà Nội tổ chức mới đây, Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và xây dựng
Việt Nam (Vinaconex) đã giới thiệu một số công nghệ đã được ứng dụng để
hạ giá thành nhà ở. Tại Xuân Mai, Vĩnh Yên, Công ty CP Bê tông và xây
dựng Vinaconex Xuân Mai đã triển khai hàng loạt nhà chung cư bằng bê
tông sản xuất công nghiệp, gạch không nung, vữa khô công nghiệp... thay
thế phương pháp xây dựng truyền thống, nhờ đó rút ngắn đáng kể thời
gian thi công và hạ giá thành sản phẩm. Theo Chủ tịch Hội đồng Quản
trị, Giám đốc Công ty CP Bê tông và xây dựng Vinaconex Xuân Mai Đặng
Hoàng Huy, giá thành mỗi mét vuông nhà chỉ khoảng 5-6 triệu đồng, kết
hợp với thiết kế hợp lý, chắc chắn sẽ có những căn hộ chất lượng, phù
hợp với người thu nhập thấp.
(Theo Hanoimoi.com.vn)