Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ tư, 14/10/2009 09:06
Hai nhà ngoại giao giữ được quốc thể
Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) là một xã có tới 7 làng với 8 đình, đền, chùa, nhà thờ được Bộ Văn hóa thông tin trước đây công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

 Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) là một xã có tới 7 làng với 8 đình, đền, chùa, nhà thờ được Bộ Văn hóa thông tin trước đây công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Năm 2005, Bộ Văn hóa thông tin còn công nhận làng cổ ở Đường Lâm là di tích quốc gia. Nổi tiếng là đất của hai vua Phùng Hưng, Ngô Quyền, Đường Lâm còn là quê hương của nhà ngoại giao Giang Văn Minh đã đi vào sử sách.

Ông quê ở làng Mông Phụ, tự là Quốc Hoa, hiệu Văn Chung, sinh vào giờ tuất, ngày Nhâm ngọ, năm Quý Dậu. Năm Nhâm Thìn (1628), thời vua Lê Vĩnh Tộ, ông dự khoa thi Đình, đỗ đệ nhất giáp tiến sỹ cập đệ đệ tam danh (tức Thám hoa) và được bổ làm các chức quan trọng trong triều đình, có lúc là Tự Khanh, tước Hầu. Năm Dương Hòa thứ ba, Giang Văn Minh được vua Lê Thần Tông cử dẫn đầu một phái bộ đi sứ nhà Minh nhằm đấu tranh bỏ lệ cống nạp người đúc bằng vàng. Bằng nhiều lý lẽ có lý có tình, vừa kiên quyết, vừa mềm dẻo, ông đã đạt mục đích trên. Song vua Minh đã tìm cách hãm hại ông. Tương truyền khi ông vào điện tạ ơn, vua Minh đã ra một vế đối: “Đồng trụ chí kim dài dĩ lục” nghĩa là “Cột đồng (Mã Viện trồng đánh dấu địa giới nước Hán) đến nay đã phủ xanh”. Vế này có ý nhắc lại việc Mã Viện đàn áp cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng và xâm lược nước ta. Sứ thần Giang Văn Minh đã đối lại ngay: “Đằng giang tự cổ huyết do hồng”. Nghĩa là “Sông Bạch Đằng (ba lần nhuộm máu quân Nam Hán, quân Tống, quân Mông Nguyên) từ xưa máu còn đỏ”. Vua Minh rất tức giận, đã sai người sát hại Giang Văn Minh, rồi cho người đưa thi hài ông về nước. Được tin buồn này, triều đình nhà Lê vô cùng thương tiếc. Vua Lê đã nói: “Sứ thần không trái mệnh vua, không để nhục nước, thật xứng đáng là anh hùng thiên cổ…”. Ông được truy tặng Tả thị lang, trước Minh quận công.

Nhân dân làng Mông Phụ đã dựng nhà thờ thám hoa Giang Văn Minh để tôn vinh vị sứ thần làm vẻ vang cho đất nước. Nhà thờ này kiến trúc theo kiểu chữ “nhị”, chồng diêm bốn mái. Phía trước là nhà tiền đường, qua một sân lát gạch có bồn hoa rồi đến nhà hậu đường. Cổng nhà thờ xây theo kiểu mặt bia, có khắc năm chữ Hán: “Giang thám hoa công từ”. Tiền đường có năm gian cân đối, kiểu hồi xây bức thuận. Hậu đường có ba gian. Toàn bộ khung nhà thờ đều bào trơn, đóng bén, không chạm khắc. Mặt trước tiền đường có ba cửa đi. Mặt trước hậu đường có hệ thống cửa bức bàn, sơn son. Nhà hậu đường là nơi thờ chính. Các gian đều có bệ thờ, đặt khán thờ và bàn vị duệ hiệu, tên tuổi từ cụ tằng tổ đến thám hoa và các chi kế tiếp. Những hiện vật ở đây gồm có cửa Võng bằng gỗ chạm, hoành phi, câu đối, bảng nghi trượng và bộ bát bửu binh khí bằng gỗ, tất cả đều được sơn sơn thiếp vàng đẹp đẽ. Các gian tiền đường có không gian thoáng, được xây bệ gạch để làm chỗ họp mặt trong ngày giỗ, tiệc.

Nghe các cụ ở làng Mông Phụ kể chuyện Giang Văn Minh, chợt nhớ một nhà thương thuyết khác ở thời hậu Trần là Nguyễn Biểu. Ông người làng Nội Diên (nay thuộc xa Đức Diên, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh). Ông làm quan ngự sử dưới triệu vua Trần Trùng Quang. Năm 1413, Trương Phụ, tướng của nhà Minh chỉ huy quân sỹ đánh Nghệ An. Vua Trần sai Nguyễn Biểu đến doanh trại của Trương Phụ ở núi Thành để nghị hòa. Trương Phụ thiết ông cỗ đầu người để thử tinh thần. Ông Nguyễn Biểu khoét ngay hai con mắt, chấm vào dấm rồi nuốt, lại làm bài thơ “Cỗ đầu người”, ý nói đầu giặc Minh là một đồ nhắm được. Ông đề xuất vấn đề công nhận vua Trần, Trương Phụ không nghe, ông trở về. Do bọn Việt gian xúc xiểm, Phụ sai lính đuổi bắt ông, lệnh trói vào cột ở chân cầu sông Lam để nước triều dâng lên, dìm chết.

Đình Linh Quy ở xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm thờ Nguyễn Biểu làm thành hoàng. Ngôi đình được xây dựng từ thời Lê. Nhà tiền tế có năm gian, phương đình tám mái. Đình thượng có năm gian, hai chái, cuối cùng là hậu cung ba gian. Các di tích gồm có cuốn thần tích xã Linh Quy lưu giữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm, tám sắc phong, sớm nhất là sắc năm 1787, một câu đối, một y môn, một long đình và các đồ thờ tự khác. Làng Linh Quy mở hội hàng năm vào ngày 17 tháng giêng âm lịch và ngày 16/11 âm lịch, đây là ngày sinh, ngày hóa của thần. Riêng ngày 15/3 làm lễ tam sinh để tưởng nhớ Nguyễn Biểu, người có công với dân với nước.

Theo Báo Kinh tế và Đô thị.


Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)