Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ tư, 14/10/2009 09:36
Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai: “Hà Nội, một phần của đời tôi”
Dù đã xa Hà Nội hơn 30 năm, nhưng ký ức về Thủ đô vẫn luôn hiện về trong tâm trí nữ nhạc sĩ Trương Tuyết Mai. Giờ đây, trong những ngày Hà Nội đang kỷ niệm 55 năm Ngày giải phóng Thủ đô, đặc biệt là hướng đến Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, những ấn tượng của bà về một Hà Nội sang trọng, quý phái, kín đáo mà ý nhị đã thôi thúc bà tìm lại những ký ức xưa một thời giờ đã phủ rêu xanh.
 

Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai.

Nhắc đến nhạc sĩ Trương Tuyết Mai, người con của mảnh đất Sông Cầu (Phú Yên), hẳn ai cũng nhớ đến ca khúc nổi tiếng của bà: "Huế tình yêu của tôi". Ngay từ năm 1966 ca khúc "Ơi anh giao liên" của bà đã được xuất hiện trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam và tiếp sau đó là các ca khúc: "Thừa thắng ta đi", "Niềm vui người giao liên", "Dáng Bác Hồ ta đó"… Trong âm nhạc, những ca khúc của bà luôn trầm hùng, sâu lắng, lạc quan; còn trong thơ, bà là một thi sĩ tài hoa. "Bà là của hiếm trong làng nhạc", nhạc sĩ Tô Vũ đánh giá. Trong suốt hơn 40 năm sáng tác của mình, nhạc sĩ Trương Tuyết Mai đã có hàng trăm ca khúc, bài thơ, trong đó có không ít những ca khúc, bài thơ viết về Hà Nội như: "Xin được làm người Hà Nội", "Lãng đãng chiều Hà Nội", "Hà Nội ơi nhớ lắm", "Như tiếng sâm cầm", "Người ấy bây giờ ở đâu", "Tìm em", "Hà Nội chiều ấy"… Bà tâm sự: "Hơn 15 năm sống ở Hà Nội tôi chứng kiến tất cả những khôn dại của tuổi mới lớn, trong đó có tình yêu đầu, những buồn, vui, dại khờ và những năm sơ tán. Đặc biệt, Hà Nội đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc, là một phần của đời tôi!". 

 

Sau ngày Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Trương Tuyết Mai là học sinh miền Nam ra Bắc tập kết. Kỷ niệm lần đầu ra Hà Nội, đó chính là buổi đi cùng cha đến dự lễ mít tinh Ngày Quốc khánh 2-9-1955. Lúc ấy, hình ảnh các thiếu nữ Hà Nội trong tà áo dài cùng những chiếc khăn voan đi diễu hành đã làm mê hoặc cô bé Mai. Sau này, bà còn gắn liền với Hà Nội trong suốt những năm học ở Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Nhạc viện Hà Nội) và công tác tại đoàn ca nhạc A8 CP.90, nhất là những ngày Mỹ ném bom đánh phá miền Bắc. Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai cho biết, lúc đó bà phải sơ tán đến Thạch Thất, có lúc phải lên tận Thái Nguyên cách xa Hà Nội cả trăm cây số, nhưng mỗi tuần phải về Hà Nội 2 đến 3 lần để thu âm. Hôm nào về Hà Nội bà phải đi từ tờ mờ sáng để kịp giờ làm việc, đến chiều tối thì quay lại vùng sơ tán. Trong suốt thời gian ấy, hình ảnh Hà Nội trong mắt bà là một Thủ đô thơ mộng, dễ thương, lãng mạn và ẩn sâu bên trong một nét sang trọng quý phái, kín đáo mà ý nhị cả về con người lẫn thiên nhiên.

 

Ngoài ra, Hà Nội còn cuốn hút nữ nhạc sĩ này bởi những cái hồ tuyệt đẹp, một màu xanh mát, nhất là mùa thu rất đẹp và ám ảnh cả với tiếng sấu rụng trên mái, một âm thanh không diễn tả được, chỉ văng vẳng bên tai. Giờ đây, khi thấy Hà Nội đang đổi thay, dần dần mất đi những hình ảnh đã một thời khắc sâu vào tâm khảm, máu thịt khiến bà giật mình: "…Trời Hà Nội mùa thu tôi ngỡ ngàng mót lượm mùa xưa; Hoảng hốt kiếm tìm bẻ cong dấu hỏi, có còn không mùa thu Hà Nội; Đâu chút heo may, đâu lá trải vàng…" (Lãng đãng chiều Hà Nội). Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai đã không giấu được cảm xúc, bởi tấm lòng yêu mến của một người đã từng gắn bó với Hà Nội. Nhạc sĩ cho biết, những ngày sống ở Hà Nội bà vẫn thường xuyên đi chân trần trên những thảm cỏ ở vườn Bách Thảo, mỗi lần như thế bà đứng và lắng nghe cảm giác của thảm cỏ, một cảm giác muốn khám phá điều kỳ lạ. Rồi bà khoe với chúng tôi là đang chuẩn bị phổ nhạc bài thơ này để kịp gửi cho ban biên khảo cuốn sách 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

 Theo báo Hà Nội Mới.

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)